Để du lịch Việt không còn 'đi trước về sau'

"Để du lịch phát triển lâu dài, bền vững thì điều kiện đủ là phải có chiến lược và cơ chế gắn kết hoạt động của các ngành, các doanh nghiệp du lịch trên nguyên tắc đồng thuận, cùng chia sẻ trách nhiệm, khó khăn cũng như lợi nhuận", TS Phùng Đức Vinh chia sẻ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9-2016 đạt 813.007 lượt. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 7.265.380 lượt khách, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là một tín hiệu vui cho ngành du lịch Việt.

Thế nhưng, nếu so với quá trình trượt dốc dài, từ năm 2012 - 2015, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ dao động khoảng 7 - 8 triệu lượt khách/năm, còn Lào và Campuchia mặc dù du lịch mới phát triển mấy năm gần đây, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật của ngành du lịch hiện còn thua xa Việt Nam, cũng đạt xấp xỉ mỗi nước 5 triệu khách quốc tế (năm 2015), đây là thực tế đáng suy ngẫm cho du lịch Việt.

Du lịch Vũng Tàu.

Để đi tìm bản chất của câu chuyện, chúng tôi đã về Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong những trung tâm du lịch của cả nước, là vùng đất giàu di sản văn hóa như các dấu tích khảo cổ, cổ vật, nhà cổ dân gian, các di sản Hán - Nôm và hàng trăm lễ hội truyền thống... có thể trở thành những sản phẩm văn hóa – du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch.

Và chúng tôi nhận ra một thực tế, đó là những “kho báu” vừa kể vẫn “ngủ quên” suốt hàng chục năm qua, trong đó có nhiều di sản đang dần bị mai một, thậm chí mất dấu theo thời gian.

Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ có hệ thống cảng biển, sân bay và mạng lưới giao thông thuận lợi, mà còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời.

Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai khu vực miền Đông Nam Bộ về hệ thống di tích, lịch sử, danh thắng với 49 di tích xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh trong tổng số 218 đã được thống kê khoa học bước đầu, trong đó di tích cấp quốc gia đặc biệt có một di tích, cấp quốc gia có 29 di tích, cấp tỉnh có 19 di tích, 211 địa điểm di tích lễ hội di sản văn hóa phi vật thể, 30 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia, 11 di tích xếp hạng cấp tỉnh...

Tại các di tích này, hàng năm diễn ra các lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân gian của ngư dân miền biển như: Lễ hội Nghinh Ông Đình thần Thắng Tam (16 đến 18-8 âm lịch), lễ hội Dinh Cô (10 đến 12-2 âm lịch), lễ hội Trùng Cửu (9-9 âm lịch)...

Lễ hội truyền thống ở Bà Rịa - Vũng Tàu là lễ hội nghi lễ của từng nhóm cộng đồng địa phương làng xã, cộng đồng nghề nghiệp hay cộng đồng tôn giáo - tín ngưỡng riêng biệt. Thế nhưng, hầu như toàn bộ hệ thống di tích này lại nằm trong “thước phim buồn” ảm đạm của sự “già nua”, bị xâm hại và xuống cấp.

Tiến sĩ Phùng Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam không còn hấp dẫn dưới con mắt của bạn bè quốc tế, trong đó nguyên nhân chính là sự liên kết giữa các ngành, các doanh nghiệp du lịch và sự đồng lòng của xã hội cho sự phát triển du lịch còn rất yếu.

Hậu quả làm cho giá các dịch vụ du lịch ở Việt Nam rất cao nhưng chất lượng chưa tương xứng, các sản phẩm du lịch của nhiều địa phương na ná nhau, ít sản phẩm độc đáo…

Bên cạnh đó, quy hoạch du lịch cả nước và từng địa phương đều có, thậm chí là đã chỉnh sửa nhiều lần, nhưng trong từng dự án giao cho nhà đầu tư, khía cạnh du lịch cộng đồng và lợi ích của người dân địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, kỳ vọng về tăng số lượng khách và doanh thu du lịch từ các dự án không như mong đợi. Thậm chí, nhiều dự án còn làm cản trở sự phát triển bền vững của du lịch địa phương.

"Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Để du lịch phát triển được thì điều cần thiết là phải có các tài nguyên du lịch tự nhiên, xã hội ổn định về mặt chính trị, an ninh, môi trường du lịch an toàn, thân thiện, phải có cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông…), cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho ngành du lịch (hệ thống cơ sở lưu trú và nhà hàng…) tốt, các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và đặc biệt phải có nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Nhưng những yêu cầu nói trên mới chỉ là các điều kiện cần, để du lịch phát triển lâu dài, bền vững thì điều kiện đủ là phải có chiến lược và cơ chế gắn kết hoạt động của các ngành, các doanh nghiệp du lịch trên nguyên tắc đồng thuận, cùng chia sẻ trách nhiệm, khó khăn cũng như lợi nhuận", TS Phùng Đức Vinh chia sẻ.

Hải Âu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/de-du-lich-viet-khong-con-di-truoc-ve-sau-415532/