Đe doạ cán bộ cao cấp bằng "sim rác": Nhà mạng phải liên đới

“Nếu ai cũng sử dụng sim điện thoại chính danh thì ai dám dùng để đe doạ, khủng bố cán bộ nữa? Trong việc này, nhà mạng cũng liên đới trong công tác quản lý” – đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC 50), Công an Hà Nội nói.

Đại tá Lê Hồng Sơn. Ảnh: CAND

Theo đại tá Lê Hồng Sơn, tất cả vụ việc tội phạm gây khó khăn cho công tác điều tra khi sử dụng "sim rác" để tấn công, khủng bố người dân cũng như cán bộ cao cấp, có phần lỗi liên quan đến các nhà mạng.

Bởi, theo ông Sơn, khi cơ quan điều tra vào cuộc, toàn bộ những nội dung sim điện thoại đều là “sim rác”, thể hiện ở những thông tin cá nhân, như chứng minh thư nhân dân đều là giả mạo, khai báo không trung thực, nhưng vẫn được các nhà mạng cho đăng ký.

“Điều này có nghĩa là trách nhiệm thuộc về các nhà quản lý mạng” – ông Sơn khẳng định.

Vẫn theo phân tích của Trưởng phòng PC 50 Hà Nội, sở dĩ các đối tượng tội phạm có cơ hội là do công tác quản lý sim thẻ điện thoại “có vấn đề”. “Một câu chuyện dễ hiểu là, anh dùng sim điện thoại có đăng ký chính danh mà đi khủng bố, đe doạ cán bộ cao cấp thì chỉ 3 phút sau, anh có thể bị bắt ngay lập tức” – ông Sơn dẫn chứng.

Đại tá Lê Hồng Sơn phân tích, để giảm thiểu tối đa sự phát triển của loại tội phạm nói trên, câu chuyện ở đây chính là công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin. Nếu quản lý tốt, mọi hoạt động đăng ký, sử dụng thông tin, sim thẻ được các nhà mạng thực hiện quy củ, chuyên nghiệp, chắc chắn loại tội phạm này sẽ không có cơ hội để phát triển.

“Các nhà mạng phát hành sim, số, nếu quản lý chuẩn chỉ, chính danh, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, tôi đảm bảo, những đối tượng đang có ý định tấn công qua sim rác sẽ phải cân nhắc rất kỹ” – đại tá Lê Hồng Sơn nhận định.

Với những kinh nghiệm hàng chục năm quản lý công tác điều tra loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, ông Sơn đề xuất phải nâng cao trách nhiệm từ các nhà mạng, bởi đây chính là gốc của vấn đề tội phạm sử dụng “sim rác” làm công cụ tấn công.

“Tôi đã trực tiếp điều tra nhiều vụ án sử dụng sim rác để đe doạ, khủng bố người khác, về căn bản, các đối tượng này đều sử dụng chung thủ đoạn dùng sim không rõ thông tin cá nhân, khi phạm tội xong, sẽ huỷ sim cùng điện thoại, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Chính vì vậy, cần đề cao công tác quản lý từ gốc, từ các nhà mạng, thậm chí, cần xử phạt nghiêm với chính các nhà mạng khi buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho loại tội phạm sử dụng công nghệ để phạm tội” – ông Sơn “hiến kế”.

Trong một diễn biến liên quan, tối 19.8, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt đối với ông Đào Tấn Cường (ở thành phố Đà Nẵng) để điều tra về hanh vi đe doạ giết người. Tài liệu điều tra thể hiện, ông Cường đã có hành vi sử dụng điện thoại nhắn tin tới số sim cá nhân của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, với nội dung đe doạ giết ông Thơ và thân nhân. Trong một diễn biến liên quan, hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố Nguyễn Trọng Phương (SN 1980, ở quận Ba Đình, Hà Nội) về hành vi khủng bố. Ông Phương được cho đã dùng sim điện thoại nhắn tin đe doạ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu lãnh đạo tỉnh này “để yên” cho các dự án khai thác cát ở địa phương.

Bảo Thắng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/de-doa-can-bo-cao-cap-bang-sim-rac-nha-mang-phai-lien-doi-550331.ldo