Để đạt được mục tiêu, không thể chỉ 'hô hào'

Hội nghị xúc tiến du lịch năm 2017 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức diễn ra trong bối cảnh ngành du lịch đứng trước những vận hội, thách thức lớn, đặc biệt khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng 13 triệu khách quốc tế cho năm 2017 và 20 triệu khách quốc tế năm 2020. Đây là những cột mốc không dễ chạm tới, nếu như chúng ta chưa đưa ra được chiến lược quảng bá, xúc tiến đúng tầm.

Đề xuất tái lập cơ quan xúc tiến quốc gia

Từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam thu hút hơn 7,25 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28,8% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách quốc tế đạt gần 307.000 tỷ đồng, tăng 26%. Đạt được kết quả đó "bắt nguồn" từ sự thành công của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút du khách tới Việt Nam. Tuy nhiên, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của chúng ta còn nhiều bất cập, khó khăn. Đơn cử, nếu đi một hội chợ du lịch quốc tế sẽ thấy gian hàng của chúng ta còn nhiều hạn chế so với các bạn. Riêng về diện tích, dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong hội chợ ITB được tổ chức tại Đức đầu năm 2017, gian hàng của chúng ta chỉ có diện tích 200m 2 , khó trình bày cho "ra tấm ra món". Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khó khăn lớn đối với hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch là kinh phí xúc tiến du lịch Nhà nước cấp gần như không tăng, thậm chí còn giảm. Hiện ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam là 2 triệu USD/năm, thấp nhất trong các nước ASEAN. Trong khi mỗi năm In-đô-nê-xi-a chi 200 triệu USD cho công tác quảng bá xúc tiến, thu về hơn 10 triệu lượt khách quốc tế; Thái Lan chi gần 70 triệu USD và thu về hơn 30 triệu lượt khách...

Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đề xuất, với 2 triệu USD, Việt Nam mới chỉ “dạo chơi” với quảng bá, xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó còn rào cản là việc chậm giải ngân. Do đó, muốn xúc tiến du lịch phải có bộ máy chuyên nghiệp. Nên tái lập Cục Xúc tiến du lịch hoặc cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia, từ đó xác định quỹ xúc tiến là chỉ chi cho xúc tiến, người làm được quyết định sử dụng như thế nào và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đồng tình với việc thành lập một cơ quan xúc tiến mang tầm quốc gia, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist cho rằng: "Chúng ta không thể lấy chương trình quảng bá xúc tiến ở thị trường này mang sang thị trường khác mà phải có nghiên cứu chuyên sâu từng thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đưa ra sớm kế hoạch, chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, bảo đảm đồng bộ, tránh trùng lắp. Muốn vậy phải có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia để tập hợp các doanh nghiệp, định hướng nhóm thị trường, có cơ sở dữ liệu đẩy mạnh quảng bá xúc tiến... Cơ quan này cần tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả và độc lập, mà không phụ thuộc quá nhiều vào kinh phí.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Huỳnh Vĩnh Ái, cho biết: "Bộ đang xây dựng nghị định về cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch, trong đó đang xây dựng đề xuất thành lập Cục Xúc tiến du lịch hoặc Trung tâm xúc tiến du lịch quốc gia. Cơ quan này sẽ khắc phục những bất cập trong xúc tiến du lịch như thời gian chậm, không tập trung, khó khăn trong giải ngân...".

Du khách tham quan Hội An, Quảng Nam.

Đề cao vai trò doanh nghiệp

Bàn về số tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch, đa số ý kiến tại hội nghị đồng tình rằng, ngoài ngân sách Nhà nước, hoàn toàn có thể vận động được sự đóng góp của doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, thì một trong những thành công hiện nay là Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã thành lập được Câu lạc bộ doanh nghiệp đầu tư du lịch, bước đầu thu hút hơn 10 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 5 doanh nghiệp lớn, mỗi năm đóng góp khoảng 5 tỷ đồng. Với tiềm lực của các nhà đầu tư chiến lược và các nhà kinh doanh, tin rằng mô hình liên kết công-tư này sẽ hoạt động hiệu quả. Hy vọng cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục là động lực và chủ động hơn nữa trong công tác xúc tiến quảng bá để du lịch Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch kiến nghị: "Thành lập Hội đồng Quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia để quản lý và vận hành Quỹ Xúc tiến du lịch trên nền tảng hợp tác công-tư. Nhằm đồng hành cùng Chính phủ để thúc đẩy ngành du lịch phát triển bằng liên kết công-tư, khối các doanh nghiệp du lịch TAB cam kết từ nay đến năm 2020 đóng góp 70 tỷ đồng vào Quỹ Quảng bá xúc tiến du lịch; tham dự vào Hội đồng Xúc tiến du lịch quốc gia; tham gia tích cực vào quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế... Tuy nhiên, mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp là số tiền đóng góp phải được sử dụng hiệu quả, minh bạch, có kế hoạch rõ ràng và có định hướng cụ thể".

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Vietravel cho rằng: "Kinh nghiệm xúc tiến ở nước ngoài cho thấy, ngoài quảng bá chung, không thể bỏ qua kênh quảng bá xúc tiến với các công ty du lịch ở các nước vì họ chính là người bán hàng trực tiếp. Cần xác định một số công ty có thực lực để đồng hành thì việc xúc tiến sẽ thiết thực hơn và góp phần chia sẻ kinh phí cho chúng ta. Điều đáng nói là doanh nghiệp địa phương ở các nước thường quan tâm những sản phẩm và chính sách cụ thể. Nếu không thu hút được họ thì hiệu quả của quảng bá xúc tiến chỉ dừng lại ở mức thông tin mà thôi".

"Mục tiêu 13 triệu khách trong ngắn hạn hay 20 triệu trong dài hạn đều không thể đạt được nếu chúng ta chỉ "hô hào". Cùng với chính sách, chúng ta phải làm thật quyết liệt thì mới có thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn"-Ông Vũ Thế Bình, nhận định.

HUY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/de-dat-duoc-muc-tieu-khong-the-chi-ho-hao-514292