Để dân yêu xe buýt

Phát triển xe buýt đang được tính đến là phương án để giúp các thành phố như Hà Nội hạn chế dần xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng hành khách đi xe buýt liên tục sụt giảm do nhiều bất cập về chất lượng, dịch vụ, hạ tầng, lộ trình…

Người dân chê xe buýt

Xe buýt đã không còn lựa chọn của nhiều sinh viên như trước. Bạn Nguyễn Đức Thắng, sinh viên Trường Đại học Hà Nội thời gian gần đây đã chuyển hẳn sang đi xe máy thay vì đi xe buýt. “Nhiều điểm dừng đỗ xe buýt bị chiếm dụng, thậm chí mất vệ sinh và không an toàn… Trong khi đó, chất lượng dịch vụ của xe buýt ngày càng đi xuống: hành khách đông, thậm chí có nhiều tệ nạn xã hội như trộm cắp, thời gian di chuyển bằng xe buýt quá chậm, ảnh hưởng đến giờ học…”.

Việc đầu tư cho hạ tầng sẽ tạo điều kiện cho xe buýt phát triển.

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật, Hà Nội hiện có 96 tuyến xe buýt với trên 1.500 xe; với 2.210 điểm dừng đỗ, 370 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển. Các điểm dừng đón trả khách so với nhu cầu vẫn đang thiếu nhiều, trung bình khoảng 700 - 800 m mới có một điểm, trong khi đó việc xây dựng nhà chờ luôn bị các hộ nhà mặt phố cản trở. Thêm vào đó, hầu hết các tuyến buýt hiện chưa có làn đường riêng (hiện mới có 1,3 km đường dành riêng cho xe buýt)… Thực tế này là nguyên nhân khiến lượng khách liên tục sụt giảm: Năm 2014 đạt gần 470 triệu lượt khách, năm 2015 chỉ còn khoảng 430 triệu. Riêng 7 tháng của năm 2016 lượng hành khách đi xe bút đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thành phố Hà Nội hiện có 550.000 ô tô, trên 20.000 xe taxi, trên 5 triệu xe máy, nhưng xe buýt công cộng chỉ chưa đến 1.500 xe. Xe buýt vẫn “lép vế” so với các loại hình vận tải cá nhân.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Hà Nội cho biết thêm: Những năm gần đây do ngân sách khó khăn, mức trợ giá cho xây dựng kế hoạch dịch vụ xe buýt giảm dần hàng năm, nên chất lượng dịch vụ xe buýt cũng bị ảnh hưởng. Xe buýt bị cắt giảm tần suất chuyến lượt, làm cho chất lượng dịch vụ giảm hấp dẫn và năng suất khai thác phương tiện thấp chỉ bằng 70-80% định mức của thành phố.

Mặt khác, trong khi phương tiện xe cá nhân phát triển quá nhanh thì xe buýt trở nên chậm chạp và thời gian thậm chí không nhanh hơn được xe đạp là bao. Quan trọng nhất, hạ tầng dành cho người đi bộ, yếu tố thiết yếu cho việc phát triển xe buýt đang bị lấn chiếm cũng làm giảm số lượng hành khách sử dụng xe buýt. Tựu chung, xe buýt không thể cạnh tranh được với phương tiện cá nhân về độ tiện dụng, thời gian đi lại, tính cơ động…

Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải thừa nhận: Dịch vụ xe buýt đang bị xáo trộn, thiếu ổn định, không hấp dẫn và không thuận tiện cho hành khách. Đến nay, buýt Hà Nội đã có trên 4.000 vị trí điểm dừng phải điều chỉnh thông tin và vị trí, 80 lần điều chỉnh luồng tuyến, làm giảm đáng kể số lượng hành khách thường xuyên. Việc lộ trình tuyến chưa thật sự hợp lý, cộng với ùn tắc giao thông đã khiến thời gian di chuyển của hành khách kéo dài, từ đó giảm tính hấp dẫn của dịch vụ buýt.

Cần tạo cơ chế đột phá

Để lấy lại đà tăng trưởng cho xe buýt, phấn đấu đạt mục tiêu VTHKCC đáp ứng được từ 20 - 25% nhu cầu đi lại trong đô thị, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang phối hợp với Transerco thực hiện các giải pháp đột phá ưu tiên cho phát triển xe buýt về hạ tầng, trợ giá, chất lượng dịch vụ, công nghệ, kết hợp phát triển các tuyến vận tải khối lớn. Theo đó, Hà Nội sẽ điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, mở rộng ra khu vực ngoại thành, đổi mới đoàn phương tiện để nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống và hình thành các điểm trung chuyển lớn, mở làn đường riêng cho xe buýt, hiện đại hóa hệ thống điều hành xe…

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong ngắn hạn, thành phố ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ xe buýt bằng cách dành quỹ đất xây dựng vỉa hè cho người đi bộ để tiếp cận xe buýt, tổ chức một số đoạn tuyến dành riêng cho xe buýt, những đường phố nhỏ hẹp đang có tuyến buýt chạy sẽ phân luồng một chiều để cho xe buýt tiếp cận hành khách nhiều hơn, rồi nhân rộng ra các trục đường khác. Sở cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống buýt nhanh.

Đại diện các doanh nghiệp xe buýt thì cho rằng, để VTHKCC lấy lại hình ảnh trước nguy cơ sụt giảm hành khách, thành phố và các cơ quan hữu quan cần thực hiện trợ giá bình đẳng, đồng hạng giá vé buýt, phát hành rộng rãi vé tháng, vé bán trước, vé liên thông trên các tuyến buýt cho mọi đối tượng đi xe buýt…

Từ tháng 9/2016, Transerco đã khai trương 2 tuyến buýt thí điểm số 84 Mỹ Đình I - Linh Đàm và số 85 Công viên Nghĩa Đô - Văn Phú. Đây là 2 tuyến buýt đầu tiên áp dụng nhận diện thương hiệu mới của xe buýt Hà Nội, được trang bị xe cỡ nhỏ 30 chỗ, tiêu chuẩn khí thải EURO III, sàn bán thấp, đèn Led trước, sau, có thông báo vị trí điểm dừng, các tuyến kết nối và trang bị wifi miễn phí phục vụ hành khách. Hai tuyến buýt này đều được thực hiện theo mô hình tuyến buýt gom, mở rộng vùng phục vụ dân cư đến các đô thị mới, khu vực ngoại vi thành phố. Để hành khách dễ nhận biết, Transerco đã đề xuất sử dụng màu sơn khác nhau đối với từng loại hình tuyến buýt.

Rõ ràng, bức tranh VTHKCC bằng xe buýt của Thủ đô phải có được các cơ chế đột phá mới có thể tạo ra sức cạnh tranh và thúc đẩy phát triển.

Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Hoàng Trung: Cần học cách làm hài lòng khách

Phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, vai trò của lái phụ xe buýt, xử lý các vấn đề phát sinh trong phục vụ hành khách và tiêu chuẩn 6C (Chủ động - chào - cười - chăm sóc - cảm ơn - cam kết) là 5 nội dung sẽ được Transerco phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo cho 80 lớp học, với gần 4.000 lái xe và nhân viên bán vé của 11 đơn vị hoạt động buýt thuộc Transerco triển khai từ năm 2016 để nâng cao chất lượng phục vụ cho đội ngũ lái xe và nhân viên bán vé. Học làm hài lòng hành khách là chủ trương của thành phố về nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Tạo điều kiện cho hành khách mang theo nhiều hành lý

Điều dễ nhận thấy là phần nhiều hành khách đi buýt đều “tay xách nách mang” hành lý, trong khi đây là điều kiện không dành cho xe buýt. Vì vậy, các doanh nghiệp buýt cần sớm có kế hoạch thiết kế khoang hành lý khi đầu tư xe, nhằm cải thiện chất lượng phục vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách. Thực tế, xe buýt thông thường chỉ có 30% hành khách có ghế ngồi, còn 70% phải đứng. Nếu xe buýt đảm bảo 100% hành khách lên xe đều có chỗ ngồi, thì sẽ càng thu hút thêm nhiều người sử dụng. Do đó, việc thiết kế khoang chứa hàng là hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ: Hướng đến buýt liên tỉnh

Cơ chế, chính sách đối với VTHKCC hiện nay đầy đủ và thông thoáng, các địa phương phải tạo điều kiện để khuyến khích, kích cầu để doanh nghiệp tham gia đầu tư mở tuyến khai thác. Đi vào xu thế chung sẽ không có chuyện tăng số chuyến đối với vận tải hành khách cố định liên tỉnh mà sẽ giảm, đồng thời VTHKCC liên tỉnh sẽ tăng lên. Việc mở một tuyến VTHKCC mới, các địa phương, nên có những cơ chế khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia. Theo đó, cơ quan chức năng quản lý ở từng địa phương phải tạo điều kiện về tổ chức kinh doanh, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và kể cả những giải pháp để kích cầu.

Đăng Sơn

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/de-dan-yeu-xe-buyt-20161005223044142.htm