Để cứu lúa, đưa tôm nước lợ lên chiến lược

VietTimes -- Thiên tai gây thiệt hại, ngành nông nghiệp đưa ra giải pháp 6 tháng cuối năm lấy tôm bù lúa "cứu" tăng trưởng giảm, và sẽ đưa tôm thành mặt hàng chiến lược quốc gia. Liệu con tôm nước lợ có “gánh” nổi trọng trách quốc gia như được kỳ vọng ?

Thu hoạch vụ hè - thu tại Hậu Giang. Ảnh Lý Anh Lam

Tôm nước lợ lên ngôi... "thái tử"

Trước thực tế “tăng trưởng âm” của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm do thiên tai, Bộ NN-PTNT đã triệu tập cuộc họp bàn với các doanh nghiệp tìm giải pháp cho 6 tháng cuối năm và chiến lược lâu dài cho con tôm Việt Nam.

Bộ NN-PTNT đã đưa ra biện pháp đẩy mạnh sản xuất tôm nước lợ xem như giải pháp "cứu" ngành nông nghiệp, lấy lại tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2016.

Sáu tháng đầu năm 2016, ngành thủy sản gánh chịu những thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay. Sản xuất gặp thiên tai hạn, mặn nên thiệt hại khá nặng nề. Thị trường xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn vì một số thị trường lớn giảm nhu cầu, một số thị trường khác đưa ra yêu cầu kỹ thuật cao hơn trước, nhiều lô hàng bị cảnh báo chất lượng, đặc biệt là dư lượng thuốc kháng sinh.

Mặc dù vậy, xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm vẫn đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, mặt hàng tôm là chủ lực, gợi ý cho các nhà quản lý "giấc mơ" lấy tôm vực dậy đà tăng trưởng nông nghiệp đang tụt giảm.

Cả nước hiện có diện tích nuôi tôm nước lợ 680.000-700.000 ha; trong đó, ĐBSCL chiếm hơn 90% tổng diện tích, sản lượng 600.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD/năm, chiếm trên 40% giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản.

Nhưng thiên tai, hạn, mặn cuối 2015, đầu 2016 đã làm thiệt hại 81.000 ha diện tích nuôi tôm ở 8 tỉnh ĐBSCL, nó không chỉ làm nhiều hộ nuôi tôm "đứt vốn", mà còn gây tâm lý lo sợ khiến diện tích nuôi cuối năm 2016 bị thu hẹp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo Tổng cục Thủy sản rà soát diện tích nuôi tôm nước lợ có thể tăng từ đây đến cuối năm, đối tượng nuôi và địa bàn nuôi; rà soát nhu cầu con giống, các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất tôm giống để nắm chắc cung-cầu; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia mở rộng kênh tuyên truyền chuyên sâu để phổ biến qui trình nuôi tôm an toàn. Đề nghị Cục Thú y kiểm soát chặt chẽ vật tư, nhất là kháng sinh trên thủy sản. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thị trường nhập khẩu cảnh báo dư lượng kháng sinh trả hàng về như vừa qua, nhất là những tháng cuối năm sản lượng tôm nguyên liệu tăng đột biến (năm 2015 có hơn 600 lô hàng thủy sản bị "mối ruột" nước ngoài trả về vì nhiễm chất cấm và vi sinh).

Bộ NN-PTNT quyết tâm về lâu dài sẽ làm việc với Bộ KH-CN và Hội đồng Chính sách khoa học quốc gia đưa tôm nước lợ vào mặt hàng chiến lược của Vịệt Nam. Sẽ xây dựng ngành tôm Việt Nam không chỉ không có biết nuôi và chế biến mà còn sản xuất vật tư con giống, thức ăn thiết bị chế biến phụ trợ. Tổng cục Thủy sản đã đề nghị sớm đưa tôm nước lợ vào sản phẩm xuất khẩu chiến lược như cá tra để tập trung "tổng lực" đầu tư. Như vậy, tôm nước lợ đã lên ngôi "thái tử" của các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Lấy tôm cứu lúa

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã "phát" rằng: Vụ tôm ĐBSCL mới bắt đầu, thị trường xuất khẩu tôm đang rất thuận lợi nên còn dư địa đem lại cứu cánh cho ngành nông nghiệp 2016; 1kg tôm giá trị bằng 20kg lúa. Vụ đông-xuân sản lượng lúa cả nước tụt giảm 1 triệu tấn, tương đương 60.000 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm nay, sản lượng tôm sụt giảm 8.000 tấn, tương đương 160.000 tấn lúa.

Từ nay đến cuối năm, nếu chúng ta tăng được 60.000 tấn tôm so với năm 2015 thì có thể lấy lại được giá trị toàn ngành đang bị tụt giảm. Bộ trưởng Phát còn nhấn mạnh: Muốn tôm cứu được lúa thì từ đây đến cuối năm ngành thủy sản phải giữ vững được thị trường xuất khẩu.

Tập trung nguồn con giống sạch bệnh, thả nuôi tôm giống cỡ lớn đã ươm 15-30 ngày tuổi để rút ngắn thời gian nuôi và thả nuôi mật độ thưa để giảm thiệt hại. Kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh không để bị cảnh báo.

Xuất khẩu tôm Việt Nam có tiềm năng đạt 6 tỷ USD, nhưng hiện mới khai thác và đạt hơn 4 tỷ USD. Trong đó, tôm sú là mặt hàng mà Việt Nam gần như độc quyền trên thị trường thế giới nên là đối tượng nuôi còn dư địa rất lớn.

Thế nhưng, các lĩnh vực trọng yếu để phát triển ngành tôm, đem lại lợi nhuận còn cao hơn là sản xuất thức ăn, thuốc thú y và con giống… lại lệ thuộc nước ngoài gần như 100% để cho doanh nghiệp nước ngoài thống lĩnh thị trường, áp đặt giá cả, thu lợi nhuận cao trên mồ hôi nước mắt nông dân.

Thực trạng này đã kéo dài từ lúc nông dân Việt Nam biết nuôi tôm thương mại đến nay. Mới đây, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản có đề án riêng cho tôm nước lợ tại vùng ĐBSCL. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 chủ động sản xuất trên 50% nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng và 70% nhu cầu tôm sú sạch bệnh.

Mục tiêu này liệu có thành hiện thực khi mà mấy chục năm qua lực lượng các nhà khoa học hùng hậu nhất Đông Nam Á của Việt Nam đã có mấy chục đề tài nghiên cứu trên các lĩnh vực đầu vào của ngành tôm, từ con giống đến thức ăn, thuốc thú y thủy sản nhưng chưa một đề tài nào được đưa vào sản xuất thương mại.

Trên lĩnh vực sản xuất, nếu như tôm thẻ chân trắng được đầu tư nuôi thâm canh cao nhưng vẫn thường xuyên bị thiệt hại vì dịch bệnh hay thời tiết, còn tôm sú nuôi quảng canh được xem là mô hình phát triển bền vững thì năng suất lại rất thấp,chỉ đạt 200-250kg/ha.

Thiên tai hạn, mặn vừa qua còn làm nảy sinh một đại nạn mới, đáng lo ngại cho các nhà máy chế biến, đó là thiếu nguồn lao động trầm trọng. Hạn, mặn làm sản xuất thua lỗ, nhà máy chế biến thiếu việc làm nên lực lượng lao động phải kéo nhau đổ về các KCN ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai kiếm việc làm.

Hơn 100 nhà máy thủy sản khan hiếm nguồn lao động. Mỗi nhà máy trước đây có từ vài ngàn đến trên chục ngàn công nhân thì nay nhiều nhất cũng chỉ còn 1.000-1.500 công nhân, phần nhiều chỉ có 200-300 công nhân/nhà máy.

Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Minh Quang cho biết, trước thiên tai, Minh Phú luôn có lực lượng lao động hùng hậu 14.000-15.000 công nhân, nay chỉ còn 9.000 công nhân. Minh Phú phải đưa cán bộ về các địa phương tuyển lao động, treo thưởng mỗi công nhân được tuyển dụng thưởng 100.000đ và nhiều ưu đãi cho người lao động nhưng vẫn tuyển được rất ít so với nhu cầu.

Thiếu lao động còn dẫn đến một nghịch lý chưa từng có là làm cho nguồn tôm nguyên liệu tại các nhà máy chế biến tồn kho số lượng lớn vì không nhân công, hàng loạt nhà máy chế biến phải giảm công suất. Vì vậy, doanh nghiệp không dám mua thêm tôm nguyên liệu dẫn đến giá tôm trong nước thấp, trong khi giá tôm thế giới đang rất cao.

Những doanh nghiệp lớn như Minh Phú đã phải chuyển hướng sản xuất từ mặt hàng tôm lột vỏ đòi hỏi nhiều lao động sang mặt hàng tôm nguyên con và đặt hàng nhập khẩu dây chuyền tuyển chọn tôm đông lạnh thay cho nhân công…

Với một thực trạng sản xuất và chế biến như vậy, trong khi thời gian từ nay đến năm 2020 chỉ còn chưa đến 10 vụ tôm thì mục tiêu đưa con tôm nước lợ lên "đẳng cấp" chiến lược để phủ đầy dư địa xuất khẩu 6 tỷ USD tôm của Việt Nam sẽ thành hiện thực hay chỉ là giấc mơ.

Viettimes.vn

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/kinh-doanh/thi-truong/de-cuu-lua-dua-tom-nuoc-lo-len-chien-luoc-68123.html