Đế chế truyền thông Time Warner chấp nhận cho AT&T thâu tóm để cùng tồn tại

Time Warner Inc và AT&T là những kẻ sống sót qua cuộc cách mạng của TV màu và truyền hình cáp trong những thế kỷ qua. Hiện tại, cả 2 sáp nhập với nhau nhằm chuẩn bị cho một cuộc cách mạng công nghệ mới: smartphones và streaming mà mục đích duy nhất chính là để tồn tại.

Áp lực thay đổi

Ngày càng có nhiều khách hàng tìm tới các kênh giải trí online từ Netflix Inc và xem phim trên iPhone của mình thay vì TV. Điều này tạo nên áp lực cho những công ty giải trí truyền thống và các nhà cung cấp dịch vụ TV trả phí.

Đối với rất nhiều công ty, việc sở hữu đội ngũ sản xuất nội dung truyền hình hay dịch vụ truyền hình cáp là không đủ để sống sót trong bối cảnh hiện tại.

“Bạn cần phải làm được cả hai thứ trên”, Chris Marangi, đồng giám đốc đầu tư tại Gamco Investors Inc, người sở hữu cổ phiếu tại cả AT&T và Time Warner cho biết.

Cũng chính logic này đã thúc đẩy AT&T tiến hành mua lại Time Warner, tạo nên câu chuyện về hai công ty buộc phải thích nghi và tái định hình lại ngành công nghiệp giải trí trong năm 2016.

AT&T, được sáng lập năm 1885, đã đồng ý mua lại Time Warner, công ty mẹ của hãng phim 93 tuổi Warner Bros, với giá 107,5 USD/cổ phiếu, đồng nghĩa với giá trị thị trường của Time Warner ở mức 85,4 tỷ USD, theo thông báo chính thức đưa ra ngày 22/10.

Với AT&T, Time Warner, vốn sở hữu CNN và HBO, là một mục tiêu đầy tiềm năng để thâu tóm. Time Warner sở hữu hàng loạt các chương trình truyền hình, phim và thư viện tài liệu khổng lồ, với các tên tuổi nổi tiếng như “Harry Potter”, Game of Thrones”, cùng hàng loạt các nhà sản xuất đình đám của Hollywood. Doanh thu hàng năm của Công ty vào khoảng 28 tỷ USD.

Thương vụ này sẽ có giá trị 108,7 tỷ USD, bao gồm cả các khoản nợ hiện tại của Time Warner. Một khi thỏa thuận này hoàn thành, cổ đông của Time Warner sẽ sở hữu 14,4% tới 15,7% cổ phiếu của AT&T. AT&T kỳ vọng vụ M&A này, cái giá mà Công ty phải bỏ ra sẽ nhanh chóng mang lại hiệu quả tích cực trong năm đầu tiên và có thể mang lại thêm 1 tỷ USD doanh thu trong 3 năm sau đó.

Các công ty cung cấp dịch vụ TV trả phí như AT&T, công ty mẹ của DirectTV, đang cố gắng ngăn cản việc số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ giảm xuống, trước sự cạnh tranh của các kênh online khác với chi phí rẻ hơn.

Mục tiêu của AT&T là sở hữu riêng nội dung để có thể cung cấp mọi thứ khách hàng muốn, cho dù đó là nội dung trực tuyến hay chương trình truyền hình thực tế.

Một số thương vụ M&A lĩnh vực truyền thông, giải trí những năm gần đây

Một trong những đối thủ hàng đầu của AT&T là Verizon Communications Inc cũng đang cố vật lộn để sinh tồn nhưng theo một cách khách. Verizon chọn lựa thiết kế các chương trình nguyên bản đặc biệt dành cho việc xem trên thiết bị di động, thông qua bộ phận sản xuất video mobile mang tên Go90. Thậm chí, Verizon đã mua lại các công ty như AOL và Yahoo!Inc để trở thành người chơi chính trên thị trường quảng cáo trên di động.

Buộc phải bán mình

2 năm trước, Time Warner từng từ chối lời đề nghị mua lại công ty từ 21 st Century Fox Inc. Vậy nhưng, tới thời điểm hiện tại, Công ty buộc phải chấp nhận bán mình cho AT&T bởi áp lực trong ngành công nghiệp giải trí ngày càng lớn.

Time Warner, Walt Disney Co và rất nhiều các công ty giải trí khác, như Viacom Inc, đều đang đứng trước những mối nguy cơ giống nhau: tỷ lệ xem truyền hình giảm xuống, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình cáp cũng lao dốc bởi người tiêu dùng tìm tới các kênh giải trí online khác.

“Time Warner cho biết, có những giới hạn nhất định mà họ không thể vượt qua để tiến xa hơn trong ngành công nghiệp giải trí khi họ tồn tại như một thực thể độc lập. Một thỏa thuận giữa Công ty với AT&T có thể là giải pháp phù hợp làm vững chắc hơn nữa nền tảng của một nhà sản xuất nội dung”, Marangi cho biết.

Gã khổng lồ ngành truyền thông sắp hình thành với thương vụ 86 tỷ USD

Nhiều công ty khác trong ngành công nghiệp giải trí cũng đang trong xu hướng tìm tới với nhau. Chẳng hạn, CBS Corp và Viacom Inc, được điều hành bởi tỷ phú Summer Redstone và con gái ông Shari, đang cân nhắc việc tái hợp sau hơn một thập kỷ chia tách thành hai công ty riêng.

Trong tháng 6/2016, Lions Gate Entertainment Corp, xưởng phim sản xuất “Mad Men” và “The Hunger Games”, đã đồng ý mua lại nhà cung cấp truyền hình cáp Starz, đánh bại đối thủ cũng có tham vọng mua lại Starz khi đó là AT&T.

Thực tế, cả AT&T và Time Warner đều thay đổi chính mình nhằm đáp ứng nhu cầu xem nhiều phim và chương trình truyền hình online hơn của khách hàng. T&T đang lên kế hoạch công bố một web dịch vụ truyền hình mang tên DirecTV Now.

Đây là nơi hàng tá kênh truyền hình cáp được chiếu trên internet phục vụ người xem. Trong khi đó, năm ngoái, kênh HBO của Time Warner đã giới thiệu phiên bản online của kênh truyền hình này cho những người xem không muốn sử dụng dịch vụ cáp.

AT&T đứng đầu thị trường trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ TV trả phí về số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ

Với Time Warner, AT&T đã trở thành một nhà sản xuất và phân phối ở dạng thức hoàn toàn đặc biệt so với ngành giải trí truyền thống, tạo nên những sự lựa chọn mới mẻ cho người tiêu dùng. AT&T, nhà cung cấp dịch vụ mạng, vốn đang sở hữu hệ thống mạng không dây lớn thứ hai nước Mỹ và là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất nước Mỹ.

Sau khi mua lại Time Wanrner, AT&T sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất nội dung giải trí lớn nhất nước Mỹ.

Với sức mạnh như vậy, AT&T hoàn toàn có khả năng thay đổi ngành công nghiệp giải trí hiện tại.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/de-che-truyen-thong-time-warner-chap-nhan-cho-att-thau-tom-de-cung-ton-tai-167807.html