Để chăn nuôi thành rường cột ngành nông nghiệp

9 tháng đầu năm 2016, chăn nuôi là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong ngành nông nghiệp, với mức tăng xấp xỉ 6%. Nếu không có biến động, nhiều khả năng cả năm 2016, chăn nuôi sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5%.

Nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc và định hướng dài hơi cho ngành chăn nuôi trong thời gian tới, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với các DN lớn trong ngành chăn nuôi cả nước.

Trao đổi cởi mở và thẳng thắn với Bộ trưởng, đông đảo DN trong ngành chăn nuôi đã phản ánh nhiều khó khăn vướng mắc, cũng như kiến nghị nhiều giải pháp cho ngành chăn nuôi, nhất là khó khăn về chính sách đất đai, vốn, chính sách hỗ trợ cho liên kết SX giữa DN và người chăn nuôi…

Hỗ trợ chưa đi vào thực tế

Một trong các khó khăn được đa số DN phản ánh, vẫn là vấn đề đất đai cho chăn nuôi.

Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội thừa nhận: Các DN có quy mô nhỏ như Cty ông hiện nay rất khó khăn trong việc tìm đất để mở rộng trang trại. Bên cạnh yếu tố giá thuê đất cao, thì việc thiếu quy hoạch và tính pháp lí trong thuê đất làm trang trại cũng khiến các DN chăn nuôi rất ngán, đồng thời không thể đi vay được vốn.

“Bản thân Cty chúng tôi hiện nay cũng chỉ dám liên kết với các hộ dân để chăn nuôi, chứ không dám thuê đất dài hạn. Bởi đầu tư vào trang trại rất lớn, nếu thuê dài hạn, không may bị dính vào quy hoạch, dính vào dự án bị thu hồi đất thì xem như vốn liếng đổ sông đổ biển”, ông Dũng nói.

Trong bối cảnh đất đai hạn chế, liên kết SX với nông hộ hoặc các DN nhỏ hơn đang là hướng mà các DN chăn nuôi lớn lựa chọn. Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty Cổ phần Tập đoàn Dabaco, mặc dù là tập đoàn chăn nuôi lớn, sở hữu các dây chuyền chăn nuôi tập trung công nghiệp lớn, tuy nhiên, một trong những định hướng mà Dabaco hướng tới, đó là liên kết với nông hộ thông qua hình thức hợp tác, trong đó DN đầu tư cho nông dân SX theo chuỗi, chứ không chỉ dừng lại ở hình thức chăn nuôi gia công.

Chăn nuôi sẽ phải gánh trọng trách trở thành rường cột của nền nông nghiệp cả nước

Ông So cho rằng, vẫn còn một số lượng lớn lao động nông thôn gắn với chăn nuôi, liên kết SX theo hướng HTX, gắn đầu tư và tiêu thụ với hạt nhân là các DN chăn nuôi lớn vẫn là hướng đi bền vững. Tuy nhiên, sẽ phải cần các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trong đó, cần phải tạo điều kiện cho các cá nhân và DN chăn nuôi nhỏ có điều kiện thuê đất dài hạn, đi đôi với hỗ trợ tiền thuê đất.

Theo đó, cần phải hỗ trợ cho các DN nhỏ và nông hộ 50% giá trị tiền thuê đất, thời gian thuê đất phải dài, cỡ 20-50 năm thì họ mới yên tâm SX và cải thiện được sức cạnh tranh. Về các chính sách khác, ông So đánh giá thực tiễn thời gian qua, nhiều chính sách cho chăn nuôi nông hộ chưa đi vào cuộc sống, điển hình là Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách khuyến khích chăn nuôi nông hộ.

Dù đã hơn 2 năm, nhưng chính sách này vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể. Nhất là chính sách hỗ trợ vốn vay rất khó triển khai vì được giao cho địa phương cân đối, trong khi trên thực tế, các địa phương rất khó có kinh phí để triển khai…

Liên kết SX: Khó vẫn phải làm

Ông So kiến nghị, cần phải có thêm nhiều chính sách nữa cho chăn nuôi nông hộ, ví dụ như xúc tiến trích lập quỹ rủi ro cho người chăn nuôi trong các chuỗi liên kết (do các DN lớn đóng góp), đồng thời cần triển khai ý tưởng xây dựng các kho đông lạnh để thu mua sản phẩm chăn nuôi dự trữ cho nông dân khi giá thị trường xuống thấp. Đây là chính sách mà nhiều nước đã làm, điển hình là Trung Quốc.

Cùng quan điểm như ông So, ông Trần Công Chiến – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu khẳng định, liên kết với nông dân để SX lớn vẫn sẽ là hướng đi hiệu quả và bền vững nhất hiện nay, vừa đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội. Thực tiễn tại Mộc Châu, mô hình này đã được Cty duy trì hiệu quả với trên 500 hộ nông dân liên kết với Cty để nuôi bò sữa.

“Nhà nước không thể cắt đất của dân để giao tập trung cho ông Cty nuôi bò và thu lợi nhuận về. Họ vẫn có thể trồng ngô để nuôi bò và bán sữa cho Cty, hoặc chỉ cần trồng ngô bán làm thức ăn cho bò sữa cũng có lãi gấp 1,5 lần so với lấy hạt như trước” – ông Chiến thẳng thắn.

Về triển vọng của ngành chăn nuôi trong bối cảnh mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, trong vòng 20 năm gần đây, chăn nuôi là lĩnh vực có bước tiến rất lớn. Đến nay, một số khâu SX của chăn nuôi nước ta rất tiến bộ, trình độ SX đã tiệm cận tới mặt bằng chung của SX hiện đại trên thế giới. Vì vậy, chăn nuôi sẽ phải gánh trọng trách trở thành rường cột của nền nông nghiệp cả nước.

Chăn nuôi sẽ phải gánh trọng trách trở thành rường cột của nền nông nghiệp cả nước

Về hình thức SX, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Liên kết SX hiện là vấn đề đang khó khăn, bởi khi liên kết, DN phải xác định giá thành sẽ cao hơn so với việc SX tập trung quy mô lớn, việc chỉ đạo điều hành SX cũng khó khăn.

Tuy nhiên, đây là việc mà các DN chăn nuôi lớn trong ngành chăn nuôi Việt Nam dù khó cũng phải làm, bởi điều này thể hiện trách nhiệm và tính nhân văn của DN, nhất là trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ còn lớn. “Hiện chăn nuôi trong nước cũng đã có thuận lợi, hình thành được các DN lớn đóng vai trò hạt nhân đầu tàu. Vì vậy làm liên kết SX ban đầu dù khó, nhưng phải làm, và không có nghĩa không làm được” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, khâu tổ chức thị trường ngành chăn nuôi đang rất yếu

Tiềm năng chăn nuôi chúng ta còn lớn, nhưng lớn tới đâu là tùy vào ý chí và quyết tâm của cả ngành nông nghiệp, nếu không đồng lòng thì không chỉ không khai thác được tiềm năng mà còn tụt hậu. Mục tiêu, phương châm chung tới đây của chăn nuôi là phải tiếp cận SX hiện đại, dù sẽ khó khăn do vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán. DN của ngành chăn nuôi phải đạt ở đẳng cấp thế giới về mặt quản trị, công nghệ… Trong đó lấy động lực SX là thị trường, không chỉ là thị trường trong nước mà phải vươn ra thị trường 7 tỉ dân của thế giới…

Thời gian tới, phải tập trung tiếp tục cho việc quy hoạch, quản lí quy hoạch chăn nuôi một cách đến nơi đến chốn. Cái này lâu nay làm chưa tốt, dẫn tới định hướng SX loay hoay.

Thứ hai, phải xây dựng được một ngành công nghiệp phụ trợ cho chăn nuôi. Không thể trở thành cường quốc chăn nuôi khi mà một cái chuồng nuôi, cái máng ăn, cái bóng đèn ấp… đều phải đi NK. Nếu không giải quyết được trang thiết bị cho ngành chăn nuôi trong nước, giá thành sẽ vẫn bị đội lên, không chủ động được SX.

Thứ ba là nghiên cứu và ứng dụng khoa học cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chăn nuôi. Chủ trương Bộ sẽ quan tâm tới mảng nghiên cứu cơ bản, đồng hành cùng DN. Bản thân DN cũng phải xây dựng riêng cho mình các trung tâm nghiên cứu để phối hợp với nhà nước.

Về thị trường, ở trong nước trước hết phải là SX an toàn, theo chuỗi. Bên cạnh chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn phải có nhóm sản phẩm đặc sản, gắn với tuyên truyền quảng bá ẩm thực. Hình thức phân phối, tổ chức thị trường và phân phối của ngành chăn nuôi đang rất yếu.

Thực tiễn cho thấy chỉ khi anh tổ chức tiêu thụ, phân phối tốt mới tổ chức được SX tốt. Phải mở cửa tổ chức thị trường trước, rồi mới quay lại tổ chức SX theo nhu cầu thị trường, chứ không phải cứ SX phứa ra rồi mới chạy đi tìm nơi tiêu thụ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/de-chan-nuoi-thanh-ruong-cot-nganh-nong-nghiep-post177159.html