Để cạnh tranh với Amazon và Alibaba, công ty Nhật Bản này đã bắt toàn bộ nhân viên phải học tiếng Anh

Rakuten còn muốn bắt kịp các đại gia toàn cầu trong ngành như Amazon và Alibaba. Nhằm hiện thực hóa tham vọng trên, Rakuten đã đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức trong toàn công ty.

Rakuten là công ty thương mại điện tử số một Nhật Bản. Nhưng điều đó là chưa đủ cho tham vọng của công ty này. Rakuten còn muốn bắt kịp các đại gia toàn cầu trong ngành như Amazon và Alibaba. Nhằm hiện thực hóa tham vọng trên, Rakuten đã đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức trong toàn công ty.

Công ty có trụ sở ở Tokyo này là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nhật Bản, sở hữu 1/4 giao dịch trực tuyến trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và dân số già hóa ở Nhật Bản, Rakuten cần mở rộng ra nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng, Hiroshi Mikitani, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty cho biết.

Trong nỗ lực trở thành đại gia công nghệ toàn cầu ở tầm cỡ Amazon hoặc Alibaba, Rakuten đã mua một loạt các start-up Mỹ, bao gồm công ty mua sắm trực tuyến Ebates, và đầu tư vào các ứng dụng mới nổi như Lyft và Pinterest.

Nhưng để mở rộng ra toàn cầu, Rakuten sẽ cần quốc tế hóa văn hóa nội bộ của mình. Vì thế, vào năm 2011, Rakuten đã đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức của công ty và yêu cầu toàn bộ nhân viên sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và văn bản. Năm ngoái, công ty này đã khai trương trụ sở mới ở Tokyo với các tiện ích giống như những công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon.

Mới đây, Mikitani đã chia sẻ với tờ Wall Street Journal (WSJ) về những thay đổi mà Rakuten thực hiện, nhằm giúp công ty thu hút nhân tài nước ngoài và mở rộng tăng trưởng. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

WSJ: Vào năm 2011, anh đã triển khai quy trình biến tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thức của Rakuten. Điều này quan trọng thế nào với công ty?

Mikitani: Do dân số già hóa, thị trường tiêu dùng Nhật Bản sẽ không thể tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Muốn tăng trưởng, chúng tôi phải tiến ra nước ngoài. Đề làm như thế, chúng tôi cần bổ sung nhân tài nước ngoài và có một phương thức giao tiếp chuẩn. Đó là tiếng Anh. Vì thế, đội ngũ nhân viên người Nhật cần giao tiếp được bằng tiếng Anh để nhân viên người nước ngoài có thể hòa nhập được với họ.

Chính sách này đang tiến triển rất tốt. Gần 40% kỹ sư của chúng tôi ở Nhật Bản là người nước ngoài. Chúng tôi tuyển họ từ khắp nơi trên thế giới. Hiện nay, đội ngũ thương mại điện tử của chúng tôi có thể nói chuyện với nhóm Ebates mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. 5 năm trước, điều đó gần như là bất khả thi. Khi ấy, chúng tôi lúc nào cũng cần phiên dịch.

WSJ: Trở ngại lớn nhất trong quá trình trên là gì?

Mikitani: Đó là việc đột ngột yêu cầu 8.000 nhân viên người Nhật phải học tiếng Anh. Họ không phải là sinh viên. Một số người đã gần 60 tuổi. Nhưng tôi cảm kích vì họ đã thực sự nỗ lực. Tôi không muốn chia tách công ty thành một bên nói tiếng Anh và một bên không nói tiếng Anh.

Việc biến tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thức không chỉ có ý nghĩa với Rakuten. Nếu chúng tôi có thể thực hiện thành công chính sách này, chúng tôi có thể tạo cảm hứng cho cả xã hội Nhật.

WSJ: Anh làm gì với những nhân viên không đáp ứng được yêu cầu mới?

Mikitani: Quan điểm của chúng tôi là chìa tay ra và cố giúp những người chậm tiến bằng hết khả năng. Vì thế, với một vài nhân viên, chúng tôi nói: “Được, anh không cần làm việc vào buổi sáng. Anh có thể học tiếng Anh vào buổi sáng và bắt đầu làm việc từ trưa”. Chỉ có một số rất nhỏ không thể theo kịp và bỏ cuộc.

WSJ: Anh từng nói muốn biến Tokyo thành Thung lũng Silicon của Châu Á, và đã xây trụ sở theo phong cách hiện đại như ở Thung lũng Silicon. Tại sao điều đó lại quan trọng?

Mikitani: Tôi không thật sự bắt chước trụ sở của Google hay Facebook. Tôi chỉ muốn biến nó trở nên cởi mở và thoải mái để nhân viên của chúng tôi có thể thỏa sức làm việc và sáng tạo. Dĩ nhiên, tôi đã tham khảo một vài ý tưởng về xây dựng trụ sở từ các công ty Internet ở Mỹ. Văn phòng của chúng tôi cởi mở hơn bất kỳ công ty Internet nào ở Nhật Bản.

Chúng tôi cũng cố gắng thân thiện với nhân viên nhiều nhất có thể. Chúng tôi xây một nhà trẻ và một trung tâm châm cứu. Chúng tôi cung cấp bữa sáng, bữa trưa và bữa tối miễn phí. Đó là cách chúng tôi tạo cảm hứng cho nhân viên. Một điều chúng tôi làm giống với các công ty Internet Nhật Bản khác là đặt trụ sở không quá xa trung tâm Tokyo, để nhân viên không phải đi lại vất vả.

Nam Nguyễn

Theo Trí Thức Trẻ/WSJ

Nguồn CafeBiz: http://cafebiz.vn/de-canh-tranh-voi-amazon-va-alibaba-cong-ty-nhat-ban-nay-da-bat-toan-bo-nhan-vien-phai-hoc-tieng-anh-20161019153416097.chn