Để biến lợi thế tài nguyên thành sức mạnh kinh tế

“Lợi thế về tài nguyên chỉ là lợi thế ban đầu và sự chuyên biệt hóa của giới trí thức, chuyên biệt hóa của công nghệ, mới có thể biến lợi thế đó thành sức mạnh kinh tế. Không có sự chuyên biệt hóa của công nghệ, của trí thức, thì tài nguyên cũng chỉ mãi là đất và nước”, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ khẳng định như vậy bên lề hội thảo “Về sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Làm sao để biến tài nguyên thành sức mạnh kinh tế. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa - thế mạnh của ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Tại hội thảo diễn ra hôm nay 19-11 ở Cần Thơ, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng khu vực ĐBSCL đang chịu hai thách thức mang tính toàn cầu là xu hướng toàn cầu hóa và tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo ông Hiệp, ngoài hai thách thức trên, thì những vấn đề nội tại của ĐBSCL như cơ sở hạ tầng yếu kém, dù có khởi sắc hơn trước; thách thức từ nông nghiệp truyền thống chuyển sang nông nghiệp thông minh, hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập…, cũng là những hạn chế của vùng.

Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng những hạn chế, thách thức nêu trên nhìn ở một khía cạnh nào đó cũng là cơ hội, nếu khu vực ĐBSCL biết tận dụng để phát triển.

Khi kêu gọi đầu tư, theo ông Hiệp, bên cạnh những cái chung nằm trong quy hoạch của trung ương, thì mỗi địa phương trong vùng phải biết cái gì là thế mạnh để ưu tiên phát triển. “Cần Thơ có thế mạnh riêng, Cà Mau cũng có thế mạnh riêng. Như vậy, mỗi địa phương ngoài chính sách chung, định hướng chung của trung ương thì cũng nên có cái ưu tiên trên cơ sở rà soát, đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình để có ưu đãi đầu tư phù hợp”, ông Hiệp nói.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo, ông Võ Hùng Dũng cho rằng trên cơ sở xác định lợi thế của từng khu vực trong vùng ĐBSCL, thì vùng ven biển có lợi thế về nuôi tôm; dọc sông Tiền, sông Hậu có lợi thế nuôi cá tra; khu vực trung tâm tiêu thụ hàng hóa, khu dịch vụ logistics thì có Cần Thơ, Long An và Tiền Giang...

"Những lợi thế như trên dù muốn hay không cũng đã hình thành và chúng ta cần làm cho rõ hơn những lợi thế đó để nhà đầu tư dễ thấy và quan trọng là chính sách phát triển những lợi thế đó là cái gì”, ông Dũng nêu vấn đề.

Cũng theo ông Dũng, những lợi thế khác biệt như nêu trên phải được đặt trong một tổng thể chung của vùng và Cần Thơ sẽ giữ vai trò “đầu tàu”, kéo những khu vực có những lợi thế khác biệt cùng đi lên. “Cần Thơ phải là khu vực “đầu tàu" thì mức độ kết hợp với TPHCM mới cao, bởi tận dụng được lợi thế của thủ phủ vùng ĐBSCL với 18 triệu dân, đối trọng với TPHCM. Mặt khác, nó sẽ lôi kéo được các khu vực xung quanh trong vùng đi lên nhờ công nghệ, hậu cần, logistics”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, với ý nghĩa như trên, phát triển khu vực trung tâm (Cần Thơ) cũng nên có sự chuyên biệt, chỉ nên tập trung vào phát triển logistics, công nghệ thông tin, nghiên cứu thị trường, chứ không làm dàn trải.

Với cách tiếp cận như vậy, thì các trường đại học - nơi đảm nhận đào tạo nhân lực - cũng nên chuyển từ đào tạo theo mô hình đại học tổng hợp, không chuyên sâu, sang mô hình đào tạo chuyên sâu, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL.

“Các tỉnh ở vùng Cà Mau, Kiên Giang, mạnh nhất về thủy sản biển và du lịch biển đảo thì nên đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Bạc Liêu, Sóc Trăng, đặc biệt là vùng ven biển phía Đông thì nên đào tạo chuyên sâu về điện gió, ngành tôm nước lợ. An Giang, Đồng Tháp mạnh về trồng lúa, Tiền Giang mạnh về cây ăn trái. Cần Thơ mạnh công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, dịch vụ logistics, hạ tầng…, thì nên đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu vào những lĩnh vực này”, ông Dũng đề xuất.

Theo ông Dũng, có thể số lượng người theo học ít hơn hiện nay nhưng những người đó phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu.

Ông đề xuất phải phân chia như vậy thì mới có thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi lợi thế về tài nguyên (đất, nước) phải tương thích với nguồn nhân lực, thì mới tạo ra đột phá về kinh tế, chứ chỉ có tài nguyên thôi, thì không đủ.

“Lợi thế về tài nguyên chỉ là lợi thế ban đầu và sự chuyên biệt hóa của giới trí thức, chuyên biệt hóa của công nghệ, mới có thể biến lợi thế đó thành sức mạnh kinh tế. Không có sự chuyên biệt hóa của công nghệ, của trí thức, thì tài nguyên cũng chỉ mãi là đất và nước”, ông Dũng khẳng định.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154080/de-bien-loi-the-tai-nguyen-thanh-suc-manh-kinh-te.html/