Đề án Xây dựng cầu treo tại Sơn La: Người dân hết lo cảnh bị cô lập

“Với một tỉnh nhiều khó khăn như Sơn La, nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh của Bộ GTVT rất quý báu” - ông Đào Văn Chương-Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng, Sở GTVT tỉnh Sơn La bộc bạch.

“Dân bản Kéo – Lọng Mòn như có thêm đôi cánh”

Bản Kéo là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Con đường huyết mạch duy nhất nối bản Kéo với bản Lọng Mòn – nơi cư trú của bà con dân tộc Khơ Mú bao đời qua luôn bị gián đoạn bởi mùa mưa lũ do con suối lớn chia cắt hai bản. Giữa con suối ấy, đã hàng chục lần người dân hai bản oằn lưng góp sức cùng Nhà nước tu sửa, làm mới cầu treo nhưng do nguồn lực ít ỏi nên vẫn chỉ là cầu tạm và luôn bị nước lũ cuốn trôi. Anh Lò Văn Thôn, dân bản Lọng Mòn kể: “Nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa là chúng tôi lo lắm bởi hầu như năm nào nước lũ cũng cướp mất cây cầu duy nhất nối hai bản chúng tôi”.

Những cây cầu treo vững chãi bắc qua suối của đề án cầu treo dân sinh giúp người dân bản Cang, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản mỗi khi
vượt suối. Ảnh: K.T

Năm 2014, “Đề án Xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông” thuộc 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã đầu tư cho Sơn La 14 cây cầu tại 6 huyện, mang lại cho người dân nhiều thuận lợi trong giao thông, sinh hoạt.

Nhưng đó chỉ là những câu chuyện về ký ức. Còn bây giờ, một chiếc cầu treo vững chãi với sức chịu đựng lớn hơn nhiều lần những chiếc cầu treo mà người dân tự bắc qua suối trước đây đã hiện diện, nối hai bản Kéo và Lọng Mòn lại với nhau. Anh Cút Văn Khoa, dân bản Kéo, vui vẻ: “Năm 2014, Nhà nước làm cho chúng tôi cái cầu mới to hơn, dài hơn, mặt cầu rộng hơn và rất chắc chắn. Đã qua mấy mùa mưa với hàng chục cơn lũ, nhưng cây cầu vẫn không bị ảnh hưởng. Từ ngày có cây cầu này, dân bản chúng tôi như có thêm đôi cánh. Con trẻ không đứt buổi học, người lớn không dở buổi đi làm. Xe đạp, xe máy, xe cải tiến… chở người, chở hàng qua cầu như đi trên mặt đất”.

Mong nơi nào cũng có cây cầu tốt

Đến với những người dân vùng sâu, vùng xa như Bản Huổi Làn – Huổi Áng thuộc xã Mường Lèo huyện Sốp Cộp hay bản Lọng Bó (Chiềng Công), bản Chông (Chiềng Hoa) thuộc huyện Mường La, bản Suối Ngà – Pắc Ngà (xã Pắc Ngà) thuộc huyện Bắc Yên… cũng thấy những cây cầu treo được đầu tư vững chãi. Ông Chương cho biết thêm: Năm 2014, “Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông” thuộc 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã đầu tư cho Sơn La 14 cây cầu tại 6 huyện, mang lại cho người dân nhiều thuận lợi trong giao thông, sinh hoạt, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng người dân khi mùa mưa lũ đến. Năm 2016, hợp phần xây dựng cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP của Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục đầu tư cho Sơn La thêm 28 cây cầu nữa. Đợt đầu tư này đều là cầu cứng nên hiệu quả sử dụng rất cao, không chỉ đảm bảo giao thông an toàn mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…

Trên cây cầu bắc ngang suối Nậm Pừng nối hai bản Pu Sút và Nậm Pừn thuộc xã Sam Kha huyện Sốp Cộp, chúng tôi gặp nông dân Lò Văn Pành đang chở những bó lúa mới gặp về nhà. Chỉ vào cây cầu bắc ngang suối, anh Pành bảo: “Ngày xưa chưa có cây cầu tốt, dân khổ lắm. Vì thế, tôi cũng mong muốn những vùng quê nghèo khác trong tỉnh, trong huyện sẽ được Nhà nước quan tâm đầu tư cho những cây cầu như của chúng tôi”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/de-an-xay-dung-cau-treo-tai-son-la-nguoi-dan-het-lo-canh-bi-co-lap-720661.html