Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020: Giấc mơ viển vông và gánh nặng học đường

Sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh 8 nội dung cần tập trung thực hiện để Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 phát huy hiệu quả, nhiều người vẫn đánh giá Đề án là không khả thi. Bởi dạy và học ngoại ngữ cần gắn liền với nhu cầu từng người, yêu cầu ngành nghề cũng như số lượng giáo viên có thể đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy môn đó.

Mục tiêu học ngoại ngữ không rõ ràng

Để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD&ĐT đã đưa ra Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020). Hiểu đơn giản, đề án được đầu tư 9.378 tỷ đồng này nhằm thay đổi chương trình dạy và học tiếng Anh hệ 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12) sang hệ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12).

Tuy nhiên, sau khi GD&ĐT Bộ triển khai đề án trong giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 trong hội nghị trực tuyến ngày 17/9, nhiều người đã cho rằng rất khó để thực hiện đề án. Thậm chí đã có người phản ứng rất gay gắt, chỉ ra từng điểm bất đồng ở mỗi mục tiêu mà Đề án đưa ra và không đồng ý “mang con cái chúng tôi ra làm thí nghiệm” đối với chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, Trung từ lớp 3 đến lớp 12 (chương trình được xây dựng thuộc Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020).

Mục tiêu học ngoại ngữ không rõ ràng khiến học sinh thiếu động lực, việc học trở nên nặng nề vì bị “ép buộc”

Một trong những nguyên nhân chính là mục tiêu học ngoại ngữ không rõ ràng, khiến động lực học tập của học sinh, sinh viên không cao. Hơn nữa, không phải tất cả ngành nghề đều cần một trình độ tiếng Anh giống nhau, điều kiện học và tiếp cận với tiếng Anh ở các vùng miền là như nhau để “bắt buộc” toàn dân phải đáp ứng một tiêu chí chung về ngoại ngữ. Do đó đề án đã đặt ra mục tiêu cao hơn so với khả năng thực hiện.

Theo TS Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam: “Điều dở nhất của đề án 2020 là mục tiêu quá lớn, quá tham vọng, lại thực hiện trong thời gian rất ngắn. Điều đáng nói là đề án triển khai đồng bộ trên cả nước với 63 tỉnh thành, nhưng không xem xét đến điều kiện các địa phương rất khác nhau”.

Số liệu thống kê cho thấy, đến năm 2016, mới có gần 1/5 số học sinh lớp 3,4,5 được học 4 tiết tiếng Anh/tuần. Còn lại chỉ được học với thời lượng 2 tiết/tuần theo dạng “làm quen”. Đến năm 2016, mới có trên 20% học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm. Mà mục tiêu đến năm 2020 chương trình tiếng Anh hệ 10 năm được phổ cập cho 100% học sinh khối này là điều bất khả thi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận những bất cập, hạn chế của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Ông nói: “Khi xây dựng đề án, chúng ta đã đưa ra mục tiêu quá cao so với điều kiện thực tế nên hiệu quả chưa tốt, chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn thấp”. Thêm nữa, ông cũng đánh giá về sự yếu và thiếu của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ trên cả nước và đưa ra hướng giải quyết là tập trung xây dựng một số trung tâm đào tạo ngoại ngữ đủ mạnh để quản lý tiêu chuẩn đầu ra một cách thống nhất.

Kế hoạch xa vời thực tiễn

Giáo dục là nền tảng để đột phá trong phát triển. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn dân là điều quốc gia nào cũng quan tâm thực hiện, không chỉ riêng Việt Nam. Nhưng những đề án giáo dục nói chung, đề án ngoại ngữ quốc gia nói riêng cần được xây dựng một cách hợp lý, gắn với thực tiễn đất nước, nếu không sẽ cho ra đời những đề án, bản kế hoạch khó như “một bước lên mây”.

Có thể thấy, 8 nội dung Đề án này đang tập trung là: Đội ngũ giáo viên, người học, học liệu, khảo thí, tài chính, cơ chế chính sách, truyền thông và cơ sở dữ liệu, tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý.

GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết phản bác: “Cá nhân tôi đọc đi đọc lại 8 nội dung này, không tìm thấy phần trách nhiệm của Bộ GD&ĐT - cơ quan soạn thảo đề án và tổ chức triển khai thực hiện, sau khi đề án được thông qua. Nói cách khác, vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT đối với đề án này rất mờ nhạt và là nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập hiện nay”.

Bất cập đầu tiên, Bộ GD&ĐT độc lập triển khai Đề án mà không liên kết với chương trình đổi mới sách giáo khoa phổ thông. Điều này sẽ khiến các trường học lúng túng trong việc giảng dạy thế nào để đáp ứng tiêu chí của 2 đề án trong cùng 1 chương trình học. Đi cùng với đó, những sự thay đổi này lại tiếp tục hút từ ngân sách hàng ngàn tỉ đồng cho in ấn các loại SGK, sách tham khảo, vô cùng tốn kém.

Về chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3 đến lớp 12 vào năm học tới là vô cùng bất hợp lý bởi nó mâu thuẫn với mục đích giảm tải giáo dục. Thêm nữa, việc học ngoại ngữ đó có đáp ứng được nhu cầu, mong muốn và sở thích của người học hay không cũng là điều Bộ GD&ĐT nên xem xét lại.

Bài viết của Xinh Truong An

Phản ứng mạnh nhất từ phía phụ huynh học sinh là bài viết của một bà mẹ có nickname Xinh Truong An có con đang học cấp 1. Tính đến thời điểm này, bài viết đã nhận được hơn 80.000 like, 31.694 lượt chia sẻ và 8.522 bình luận chứng tỏ mối quan tâm chung của các bậc phụ huynh cũng như xã hội với một phần cải cách giáo dục này.

Mở đầu bài viết, Xinh Truong An đưa ra tuyên bố khá đanh thép: “Nếu trường con tôi học đăng ký "thí điểm" tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con chuyển trường. Nếu các trường học ở Vn đều dạy "thí điểm" tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con nghỉ học hoặc du học!” Sau đó bài viết đưa ra những lập luận về những lý lẽ viển vông mà Bộ vẽ ra đang đe dọa đến tương lai của con mình.

Đây chỉ là nỗi lòng của một bà mẹ trong vô số bà mẹ đang muốn những đứa trẻ được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, được học những gì cần thiết, thích hợp với sở thích, khả năng, mong muốn và nhu cầu của bản thân.

Trước sự “lên án” mạnh mẽ từ dư luận, hôm 22/9 Bộ GD&ĐT cho biết sẽ không bắt buộc học sinh học tiếng Nga, tiếng Trung. Tuy nhiên tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Anh vẫn là 4 ngoại ngữ được lựa chọn để giảng dạy làm “ngoại ngữ thứ nhất”. Học sinh được chủ động chọn “ngoại ngữ thứ nhất” để học. Nếu có nhu cầu và sở thích, học sinh sẽ học “ngoại ngữ thứ hai”, là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Những môn “ngoại ngữ thứ hai” học sinh có thể chọn là: tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Anh.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-giao-duc/de-an-ngoai-ngu-quoc-gia-2020-giac-mo-vien-vong-va-ganh-nang-hoc-duong