Đề án ngoại ngữ 2020: Nửa đường vẫn ngổn ngang

Dù đã qua hơn nửa chặng đường, nhưng kết quả đạt được so với mục tiêu đặt ra vẫn còn khá vời.

Nếu tính theo mục tiêu của Đề án ngoại ngữ 2020, năm học 2015-2016 có khoảng 70% học sinh (HS) phổ thông được học tiếng Anh hệ 10 năm theo hình thức bắt buộc bắt đầu từ lớp 3 và thời lượng bắt buộc của HS tiểu học đối với môn tiếng Anh phải bảo đảm 4 tiết/tuần. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GDĐT, đến hết năm học 2015-2016 mới có khoảng 49% số lượng HS trong tổng số HS lớp 3, 4, 5 học tiếng Anh trên cả nước học ngoại ngữ này với thời lượng 2 tiết/tuần.

Nguyên nhân được xác định là do không có đủ giáo viên (GV). Ước tính sơ bộ, để đảm bảo đủ 4 tiết/tuần tiếng Anh theo quy định, các trường tiểu học trên cả nước phải bổ sung khoảng 7.700 GV. Do vậy, đến nay cả nước vẫn còn hơn 700 nghìn HS lớp 3, 4, 5 chưa được học tiếng Anh.

Đề án ngoại ngữ 2020 vẫn còn nhiều ngổn ngang.

Hà Nội là một trong những thành phố lớn cũng đang phải đối mặt với việc thiếu GV để có thể dạy học đủ 4 tiết tiếng Anh/tuần ở cấp tiểu học. Tính đến năm học 2015-2016, khoảng 80% số trường tiểu học trên địa bàn TP dạy đủ 4 tiết tiếng Anh/tuần cho HS, khu vực các huyện ngoại thành vẫn còn hạn chế về điều kiện phát triển nên chưa thu hút GV.

Không chỉ về số lượng, chất lượng đội ngũ GV dạy tiếng Anh tại các nhà trường cũng đang là vấn đề đáng suy nghĩ. Tính đến cuối năm học 2015-2016, tỷ lệ GV tiếng Anh tiểu học của cả nước đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung ngôn ngữ 6 bậc của Bộ GDĐT ban hành mới chiếm khoảng 31%, cấp THCS đạt 36% và cấp THPT mới đạt 26%.

Hà Nội đang là địa phương có tỷ lệ GV đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ ở cả ba cấp học đều đạt trên 70% - cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới, đó vẫn là một khó khăn không nhỏ.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, dù có điều kiện thuận lợi nhưng thách thức lớn nhất với Hà Nội trong quá trình triển khai Đề án vẫn là chất lượng đội ngũ GV. Hiện nay, hai nội dung đặc biệt coi trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV là nâng cao năng lực và phương pháp giảng dạy tiếng Anh. Thời gian tới HN sẽ tập trung nâng cao phương pháp giảng dạy cho GV ở cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết, trong đó 2 kỹ năng nghe - nói được đặc biệt lưu tâm hơn bởi đây là điều còn yếu trong hầu hết HS hiện nay.

Ngoài ra, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng giờ dạy tiếng Anh nhằm bảo đảm tính nghiêm túc, thực chất trong đánh giá GV qua kết quả học tập của HS.

Trong năm học 2016-2017, Hà Nội sẽ kiểm tra đánh giá độc lập 20% số HS các lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9 và lớp 12) làm căn cứ để các cấp quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả, kịp thời điều chỉnh trong quá trình thực hiện Đề án./.

Tuấn Minh (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/de-an-ngoai-ngu-2020-nua-duong-van-ngon-ngang-211788.html