Đề án Bệnh viện vệ tinh: 'Thay máu' cho tuyến dưới

Đề án Bệnh viện vệ tinh đã làm các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi ngày càng phát triển về chiều rộng và chiều sâu.

Nhiều thiết bị máy móc kỹ thuật cao được ứng dụng phục vụ người bệnh tại BVĐK Phú Thọ.

Nhiều thiết bị máy móc kỹ thuật cao được ứng dụng phục vụ người bệnh tại BVĐK Phú Thọ.

Nếu như trước đây mỗi khi bị bệnh nặng cần phải phẫu thuật thì những người dân ở khu vực miền núi sẽ phải lặn lội xuống Hà Nội để được điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, khi chủ trương của Chính phủ và ngành y tế bằng một loạt các biện pháp như thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT), Đề án 1816 là hướng về cơ sở, giảm quá tải bệnh viện thì những người dân ở địa phương này đã được thụ hưởng nhiều kỹ thuật cao ngay tại quê hương mình.

Làm chủ nhiều kỹ thuật khó ở tuyến tỉnh

Đề án BVVT đã làm các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi ngày càng phát triển về chiều rộng và chiều sâu. Theo đó, nhờ được tham gia vào Đề án BVTV, nhiều bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến tỉnh ở khu vực miền núi đã và đang khẳng định chỗ đứng của mình với nhân dân trên địa bàn như BVĐK Phú Thọ, BVĐK Lào Cai, BVĐK Lai Châu, BVĐK Hà Giang, BVĐK Tuyên Quang…

Nhờ được tiếp nhận thành công kỹ thuật mổ u não (phương pháp mổ mở lấy u) từ các bác sĩ BV Việt Đức, các bác sĩ BVĐK tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện thành công ca bệnh mổ u não đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Mổ u não là kỹ thuật không có quá khó đối với các bác sĩ ở BV tuyến Trung ương, nhưng với một BVĐK tuyến tỉnh, lại ở miền núi như Tuyên Quang để làm được điều này không phải là dễ dàng.

Bệnh nhân T.T.Th 53 tuổi ở xã Thái Long, TP. Tuyên Quang vô cùng vui mừng vì với căn bệnh của bà như trước đây chắc chắn phải xuống Hà Nội và chi phí là vấn đề rất nặng đối với một người bệnh nghèo, gia đình khó khăn ở miền núi khó nhưng nay được phẫu thuật ngay tại bệnh viện, số tiền bệnh nhân phải chi trả đã giảm rất nhiều.

Cũng giống như Tuyên Quang, Phú Thọ là một bệnh viện miền núi rất thành công trong việc tiếp nhận các kỹ thuật cao từ BV hạt nhân để phục vụ bà con nhân dân trong tỉnh và các địa phương lân cận. BVĐK Phú Thọ cũng là BV tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện thành công ca ghép thận vào năm 2015. Đến nay, BV đã triển khai 100% các dịch vụ kỹ thuật loại I và trên 40% các dịch vụ loại đặc biệt, kể cả nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa sâu thuộc nhiều lĩnh vực như: Ung bướu, tim mạch, ngoại khoa, huyết học truyền máu... Trung bình mỗi năm, Bệnh viện triển khai khoảng 40-45 kỹ thuật mới. Nhiều kỹ thuật khó như: Phẫu thuật cắt bỏ các khối u nằm sâu trong ổ bụng (trong điều trị ung thư); cấp cứu tim mạch và can thiệp tim mạch (trong lĩnh vực tim mạch); phẫu thuật sọ não, cột sống, thay khớp nhân tạo, ghép thận (trong lĩnh vực ngoại khoa)... đã được đội ngũ y, bác sĩ BVĐK Phú Thọ thực hiện thành công. Theo đó, tỉ lệ chuyển tuyến của BVĐK Phú Thọ chỉ còn 1%.

BVĐK Lào Cai cũng rất thành công trong phát triển kỹ thuật ngoại khoa như phẫu thuật cắt gan, khâu nối cho bệnh nhân vỡ tạng, phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật mổ máu tụ trong não, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng tia laser…

Phẫu thuật thay khớp háng ở tuyến huyện

Mặc dù chưa được tham gia vào Đề án BVVT, nhưng một thành quả của Đề án 1816 là đã giúp các BV tuyến huyện miền núi được khoác lên mình chiếc áo mới, qua đó người dân có thể thụ hưởng những kỹ thuật được chuyển giao ngay tại quê hương mình.

Anh Hà Văn Nua, 48 tuổi ở xã Nà Mường, Mộc Châu, Sơn La bị đau chân không thể đi lại bình thường, ngay cả đại tiện cũng không thể tự mình làm được. Vợ anh, chị Đinh Thị Thuận đã đưa chồng bằng xe máy vượt 45 km để xuống BVĐK huyện Mộc Châu khám. Tại đây các bác sĩ kết luận anh Nua bị thoái hóa hoàn toàn hai khớp và chỉ định thay khớp nếu không anh sẽ vĩnh viễn không đứng được. Nhưng nếu xuống Hà Nội thì gia đình không có tiền vì hai vợ chồng chỉ làm ruộng và chồng ốm yếu quanh năm, vì vậy chị Thuận đã không cho chồng xuống Hà Nội mà quyết định quay về nhà điều trị thuốc nam nhưng không đỡ. Sau đó, BV gọi điện và thông báo có bác sĩ của bệnh viện Việt Đức về hỗ trợ các bác sĩ ở BV huyện mổ cho những trường hợp này. Anh Nua được phẫu thuật thay hoàn toàn 2 khớp háng và hiện tại đã đi lại như bình thường, nhờ được phẫu thuật ngay tại BV huyện nên số tiền phải chi trả giảm xuống rất nhiều. Đây là một trong rất nhiều niềm vui của bà con miền núi Mộc Châu khi những kỹ thuật cao đã được đưa về tuyến cơ sở, giúp người dân được tiếp cận với nền y tế kỹ thuật cao ngay tại quê nhà.

BS. Vũ Giang An, Phó Giám đốc BVĐK huyện Mộc Châu cho biết, trước đây với những bệnh lý như thế này các bác sĩ chỉ còn cách chuyển người bệnh xuống Hà Nội vì BV không đủ năng lực thực hiện. Các bác sĩ đã chứng kiến nhiều bệnh nhân xin nằm lại để điều trị giảm đau vì không có điều kiện xuống Hà Nội chữa trị. Vì vậy, mục tiêu phấn đấu chung của BV là áp dụng được nhiều kỹ thuật mới, giảm số bệnh nhân phải chuyển tuyến. Được biết, trong 2 năm khi tham gia đề án giảm quá tải BV và đề án 1816, nhiều kỹ thuật ngoại khoa mới đã được ứng dụng tại BV như phẫu thuật cắt hạ phân thùy gan, cắt lách do chấn thương, phẫu thuật nối mạch máu, thần kinh, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng gân tự thân…

Thêm 5 chuyên ngành tham gia giảm tải

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có 22 bệnh viện hạt nhân với 98 BVVT nằm trong Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2016-2020.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải thực hiện tốt công tác xây dựng dự án và lập kế hoạch triển khai để đem lại lợi ích thiết thực cho các BVVT, đặc biệt là lợi ích cho nhân dân các địa phương được thụ hưởng dự án.

Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các bệnh viện. Đồng thời, đề nghị các BV hạt nhân có trách nhiệm tự rà soát đề xuất của BVVT, thống nhất nội dung, danh mục hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới, bổ sung và hoàn thiện dự án giai đoạn 2016-2020 và BVVT có nhiệm vụ rà soát thực trạng BV, xây dựng và hoàn thiện, thống nhất nội dung, danh mục hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật với BV hạt nhân và hoàn chỉnh dự án BVVT giai đoạn 2016-2020 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt bổ sung thêm chuyên khoa ưu tiên và danh sách BV tham gia đề án BVVT giai đoạn 2016-2020 (đợt 2). Như vậy, ngoài 5 chuyên ngành đã và đang thực hiện giảm tải đợt 1 là ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi, đến giai đoạn 2016-2020 sẽ có thêm 5 chuyên ngành là nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc, đưa tổng số các chuyên ngành cần giảm tải lên 10 chuyên ngành. Trong đó, BV Bạch Mai có số BVVT nhiều nhất là 23 bệnh viện. Bộ Y tế đã bổ sung thêm BV nội tiết Trung ương, BV Thống Nhất, BV Đại học Y dược TPHCM, BV Đại học Y Hà Nội tham gia thực hiện nhiệm vụ của bệnh viện hạt nhân theo Đề án của BVVT giai đoạn 2013-2020.

Minh Hồng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/de-an-benh-vien-ve-tinh-thay-mau-cho-tuyen-duoi/291196.vgp