Đề án 52 sau 4 năm triển khai: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển

GiadinhNet - Sau 4 năm triển khai Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (gọi tắt là Đề án 52), người dân tại các vùng thuộc phạm vi Đề án đã có sự chuyển biến nhận thức rõ rệt về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản cho bản thân, gia đình nói riêng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực biển.

Cán bộ dân số cơ sở tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế xuống tận các ghe, thuyền để truyền thông làm mẹ an toàn, chăm sóc SKSS. Ảnh: V. T

Nhận thức của ngư dân chuyển biến rõ rệt

Bác sĩ Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Cà Mau chia sẻ: Đề án 52 được triển khai tại 47 xã ven biển đã tạo một luồng sinh khí mới cho vùng đất này. Nếu trước đây, cán bộ dân số và y tế phải chủ động đến tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), khám quản lý thai thì giờ đây phần lớn người dân đã hiểu biết và chủ động đến với cán bộ để được tư vấn áp dụng biện pháp tránh thai thích hợp.

Tại huyện biển Gio Linh (Quảng Trị), ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết: Từ khi huyện Gio Linh triển khai Đề án, chất lượng dân số của 8 xã, thị trấn ven biển đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Người dân ý thức được việc mỗi gia đình nên sinh từ một đến hai con. Gia đình ít con, chất lượng dân số được nâng cao, con cái được chăm sóc tốt, nhờ vậy kinh tế đã phát triển hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng mạnh; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm từ 1,02% xuống còn 0,99%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm rõ rệt từ 32,4% xuống còn 20,5%. Số thôn phát động làng không sinh con thứ 3 trở lên từ 7 lên đến 15 thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, hiện còn 18,25% (theo tiêu chí mới).

Sự vào cuộc hết mình của các ban, ngành

Theo ông Phạm Hồng Quân, Phó giám đốc Ban quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia (Tổng cục DS-KHHGĐ), trong năm 2013, ngoài kinh phí thực hiện Đề án được Trung ương cấp, đã có 9 tỉnh, thành phố ven biển hỗ trợ thêm kinh phí địa phương nhằm thực hiện hiệu quả nhất Đề án 52.

Tuy nhiên, việc triển khai công tác DS-KHHGĐ tại các vùng biển, đảo và ven biển còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cấp xã còn thiếu, nhiều xã ven biển chưa có trạm y tế. Có đến 34% trạm y tế xã chưa có bác sĩ. Những khó khăn này là một trong những nguyên nhân khiến 13/28 tỉnh, thành ven biển chưa đạt mức sinh thay thế và 17/35 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao (trên 110 bé trai/100 bé gái) là các tỉnh ven biển…

Tại huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp Ban quản lý các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ cùng Bệnh viện 7 (Quân khu 3) triển khai tư vấn và khám sức khỏe cho phụ nữ từ 15 - 49 tuổi, bà mẹ mang thai, trẻ em. Năm nay, chương trình được triển khai tại 3 xã: Vạn Yên, Đài Xuyên, Bình Dân. Với mục đích để người dân các xã nghèo được tiếp cận những dịch vụ khám, chữa bệnh tốt nhất, Thượng tá Lương Quang Sinh, Trưởng đoàn công tác Bệnh viện 7 cho biết: “Bệnh viện 7 đã lập đoàn công tác gồm các y, bác sĩ có kinh nghiệm, tay nghề cao trên các lĩnh vực chuyên khoa, nội chung, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vân Đồn cho biết: “Chương trình giúp người dân hiểu sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của việc chăm sóc SKSS; đánh giá được nhận thức của người dân, nhất là phụ nữ từ 15 – 49 tuổi. Qua đợt triển khai, Chương trình đã khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 1.678 trường hợp tại 3 xã với tổng chi phí 605 triệu đồng”.

Tại Huế, năm 2013, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ triển khai đợt tăng cường truyền thông dân số tại 56 xã, phường, thị trấn thuộc Đề án 52. Trong Chiến dịch, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức tư vấn cộng đồng cho ngư dân tại 101 xã với sự tham gia của đông đảo nam nông dân (từ 20-40 nam/buổi). Triển khai thí điểm xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Nam nông dân không sinh con thứ 3 trở lên” tại 10 xã thuộc Đề án 52 của huyện Phong Điền và Phú Lộc; phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông dân với công tác DS- KHHGĐ.

Chỉ huy các đồn biên phòng tại Cà Mau đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã ven biển quan tâm đầu tư nguồn lực triển khai có hiệu quả Đề án 52. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng Cà Mau còn phối hợp với ngành y tế, tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, cấp phát các phương tiện tránh thai miễn phí, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ các xã ven biển.

Những kết quả quan trọng

Bác sĩ Nguyễn Cao Hùng cho biết, tại Cà Mau, qua 4 năm thực hiện Đề án 52, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 80%; tổng tỷ suất sinh 2% (đạt mức sinh thay thế); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 5,45%. Đề án cũng góp phần nâng cao chất lượng dân số khi sinh thông qua chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đến nay, 100% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh bằng siêu âm chẩn đoán hình thái học. Có 4 bệnh viện đa khoa trong vùng Đề án được triển khai sàng lọc sau sinh thuộc các huyện: Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Năm Căn và U Minh.

Tại Hải Phòng, 4 năm qua đã thành lập 10 đội lưu động, tuyên truyền tư vấn 3.182 buổi; số người tham dự truyền thông, tư vấn 82.374 người; khám phụ khoa cho 69.485 đối tượng; cấp thuốc điều trị cho 28.743 đối tượng; đặt dụng cụ tử cung cho 29.049 đối tượng; tiêm thuốc tránh thai cho 1.134 đối tượng; cấy thuốc tránh thai cho 134 ca. Với kết quả trên, Đề án đã góp phần vào việc duy trì ổn định mức sinh và nâng cao chất lượng dân số tại các địa bàn biển đảo của thành phố.

Tại Huế, bằng nguồn ngân sách địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì các hoạt động của 7 đội tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại các xã ven biển với 70 cộng tác viên tham gia tuyên truyền.

Thu Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/dan-so/de-an-52-sau-4-nam-trien-khai-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-bien-20131111095247437.htm