ĐBSCL sụt lún do con người khai thác nước ngầm quá mức

Đó là ý kiến của Giáo sư Piet Hoekstra đến từ Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) tại hội thảo 'Vấn đề sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Thách thức và giải pháp tương lai ' do Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Utrecht tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 21-3.

Giáo sư Piet Hoekstra cho biết: “Qua kết quả nghiên cứu từ dự án “Rise anh Fall” cho thấy, ĐBSCL bị sụt lún từ 10-20 mm/năm, có nơi đến 40 mm/năm. Một trong những nguyên nhân lớn gây sụt lún do con người khai thác nước ngầm quá mức”.

Theo ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2013 đến nay, nông dân tại một số huyện, thị như: Long Phú, Trần Đề, Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu khoan giếng khai thác nước dưới đất tưới lúa và nuôi thủy sản. Mực nước dưới đất của tỉnh có khuynh hướng hạ thấp hàng năm. Mực nước hạ thấp trung bình ở các tầng chứa nước dao động từ 0,31-0,81 m/năm. Trong đó, tầng chứa nước có mực nước hạ thấp nhanh nhất 0,81 m là tầng Pliocen giữa và 0,41 m là tầng Pleistocen trên. Từ năm 2013 đến nay, nông dân khoan giếng khai thác nước dưới đất tưới lúa và nuôi thủy sản.

Sạt lở ăn sâu vào đất liền, cuốn sập tường rào nhà dân ở Vĩnh Long.

GS Piet Hoekstra cho rằng, để hạn chế sụt lún đất thì việc nên làm là hạn chế khai thác nước ngầm và tái cấp nước cho tầng ngầm. Đồng quan điểm, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác BĐKH TP Cần Thơ cũng đồng tình việc nghiên cứu trữ nước ở tầng ngầm. Vì hiện nay nước ngầm cạn kiệt, nếu không làm thì sụt lún gia tăng. Việc bổ cập nước ngầm vừa giúp có nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô và có thể nâng độ cao mặt đất trở lại.

Như Anh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/bo-cap-nuoc-ngam-han-che-sut-lun-dat-cho-dbscl-433412/