ĐBSCL có mức tăng trưởng GDP ổn định

Ngày 18-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ tổ chức họp báo, đài quý 3/2016, thông tin tình hình kinh tế, xã hội trong khu vực ĐBSCL. Nông nghiệp đứng “bên lề” trong thu hút FDI

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, trong 9 tháng đầu năm, các tỉnh ĐBSCL có mức tăng tưởng GDP ổn định so với cùng kỳ. Một số tỉnh có mức tăng trưởng điển hình như Trà Vinh (8,12%), Tiền Giang (7,8%), Cần Thơ (7,22%) và Kiên Giang (6,06%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng trong 9 tháng đạt trên 16,25 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 12,95 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3,31 tỷ USD.

“Ngành chủ lực là nông-thủy sản bị giảm sút do biến động thị trường, rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm và thay đổi cơ cấu thị trường. Nhưng ngành may mặc, thủ công mỹ nghệ có chiều hướng gia tăng cho thấy doanh nghiệp đang có những thay đổi để hội nhập TPP”, ông Lam nhận định.

Lĩnh vực nông nghiệp, thế mạnh của ĐBSCL nhưng sức hấp dẫn đầu tư còn hạn chế.

Các tỉnh ĐBSCL có thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng không đều nhau, chỉ có 11/13 tỉnh, thành phố (trừ Cà Mau, Bạc Liêu) thu hút FDI với tổng số dự án đăng ký mới là 141 dự án, đạt trên 1,2 tỷ USD.

Các ngành tập trung thu hút là chế biến, chế tạo da giày, xây dựng (nhiệt điện, điện gió), trong khi lĩnh vực nông nghiệp (là thế mạnh của vùng) chỉ có 1 dự án quy mô thử nghiệm với số vốn đăng ký là 46.000 USD. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào ĐBSCL với số vốn là 500 triệu USD, kế đến là Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông. Các tỉnh thu hút FDI đứng đầu của khu vực này gồm: Tiền Giang, Trà Vinh, Long An, TP Cần Thơ.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/dbscl-co-muc-tang-truong-gdp-on-dinh-413130/