'ĐBQH phải coi việc tiếp xúc với báo chí là trách nhiệm'

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương.Ảnh: Q.H

Cần triệt tiêu ngay tư tưởng “im lặng là vàng”

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, quan hệ giữa báo chí và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là mối quan hệ tương tác. Trong đó điều quan trọng nhất là phải xây dựng được lòng tin giữa báo chí và ĐBQH để khắc phục tình trạng e dè, ngại ngùng của các ĐBQH khi tiếp xúc với báo chí. Ông Trường cho rằng phải làm sao để các ĐBQH hiểu rằng tiếp xúc với báo chí chính là cơ hội để mình tiếp xúc với cử tri, tương tác với báo chí là cơ hội để nâng cao kỹ năng, năng lực làm việc, làm cho sức ỳ và sự ngại ngùng trong con người gạt sang một bên.

Hoạt động của QH cũng cần công khai, minh bạch hơn nữa để báo chí và người dân có thể theo dõi, giám sát, và phải làm sao để không còn hàng rào kỹ thuật nào cản trở các phóng viên tác nghiệp tại QH, vì chỉ khi tạo điều kiện cho báo chí ngồi nghe thì mới bật ra được nhiều vấn đề. “Đặc biệt, các ĐBQH cũng cần triệt tiêu ngay tư tưởng, khuynh hướng “im lặng là vàng” khi đứng trước báo chí” - ông Trường nói.

Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến thẳng thắn nói: Thực tế vẫn có nhiều ĐBQH e ngại trong việc trả lời báo chí, vì qua việc trả lời cử tri sẽ nhận biết được thực chất ĐBQH như thế nào. Tuy nhiên, nếu thể hiện tốt thì đây là kênh thông tin hữu hiệu nhất để ĐBQH xây dựng hình ảnh của mình trước cử tri và công chúng.

Nêu quan điểm của mình tại buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, nếu hoạt động của Quốc hội chỉ gói gọn trong hội trường thì chẳng mấy người dân biết đến, còn nếu càng thông tin nhiều trên báo chí thì dân càng nắm rõ và hiểu hoạt động của Quốc hội.

Theo ông Cương, tiếp xúc và trả lời báo chí vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của ĐBQH.

“Tôi là một ĐBQH mà có lẽ cả cuộc đời tôi không dính đến nông nghiệp và phân bón, nhưng tôi lại là ĐBQH có những bài phát biểu nói rất nhiều về phân bón giả. Tôi nghĩ các ĐB liên quan đến lĩnh vực đó có thể phải cảm thấy “ngượng” khi tôi nói. Mình là ĐB của dân, đại diện cho nông dân mà những vấn đề liên quan sát sườn đến sinh mạng của nhân dân mà mình lại không nói” - ông Cương nêu rõ.

ĐBQH là đại diện cho dân nên phải truyền đạt ý kiến của dân

Về sự tương tác giữa báo chí và các ĐBQH, ông Cương lấy làm tiếc vì nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội nhưng khi báo chí nêu ra với tinh thần chung để tìm giải pháp, nhưng hỏi rất nhiều ĐB đều không được.

“ĐBQH là đại diện cho dân nên phải truyền đạt được ý kiến của dân, muốn làm được thế thì phải có nghiên cứu, tìm hiểu để có thể phát biểu trên nghị trường, phát biểu trước báo chí. Có người không có kinh nghiệm, không có thông tin đã đành, nhưng cũng có không ít những ĐB biết rất rõ mà không chịu phát biểu” - ông Cương nói.

Tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm, nhà báo Lê Kiên (Báo Tuổi Trẻ) kiến nghị cần nâng cao kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin, quan hệ báo chí của ĐBQH, vì đây là một trong những yêu cầu không thể thiếu của quá trình chuyên nghiệp hóa Quốc hội, đồng thời nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Quốc hội.

Còn đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ lại cho rằng, nhà báo và ĐBQH phải có niềm tin và tôn trọng lẫn nhau. Nếu ĐBQH nói mà không có báo chí truyền tải thì chỉ có 500 đại biểu trong hội trường nghe, còn nếu mở cửa trao đổi với báo chí thì ý kiến của đại biểu đó sẽ đến được với hàng vạn, hàng triệu người.

XUÂN HẢI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/dbqh-phai-coi-viec-tiep-xuc-voi-bao-chi-la-trach-nhiem-596792.bld