ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Không nên đặt vấn đề hiệp hội này có nhiều quyền hơn hiệp hội khác

Bảo lưu quan điểm giữ nguyên nội dung điều 29 như dự thảo, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) chỉ ra 6 căn cứ quan trọng để các hiệp hội ngành nghề phát huy vai trò đúng như tên gọi của luật: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), phần tham luận của ĐBQH Nguyễn Văn Thân nêu bật vai trò trách nhiệm, địa vị pháp lý của các Hiệp hội ngành nghề trong hỗ trợ DNNVV.

Cụ thể, về trách nhiệm của các Hiệp hội ngành nghề, đại biểu Nguyễn Văn Thân đề nghị giữ nguyên nội dung như Điều 29 về trách nhiệm của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề như dự thảo luật.

Theo ông Thân, hiện nay ở Việt Nam có 2 loại hiệp hội doanh nghiệp là hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội dệt may, Hiệp hội da giầy, Hiệp hội ngân hàng v.v... và hiệp hội đa ngành như Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và một số hiệp hội khác. Nếu quy định như Điều 26 dự thảo luật hiện nay sẽ làm mất vai trò của các hiệp hội đa ngành.

Thứ hai, khi một hiệp hội có doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng làm thành viên thì các doanh nghiệp lớn thường lấn át các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, đó là thực tế của Việt Nam. Đây cũng chính là câu trả lời thực tiễn mà nhiều năm qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Vì thế, quan điểm đối với một số hoạt động cụ thể phải lựa chọn những hiệp hội chuyên biệt của doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế cho quan điểm đồng đều, cào bằng chung chung là xác đáng.

Để đảm bảo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận bình đẳng với nguồn lực hỗ trợ, không nên đặt vấn đề hiệp hội này có nhiều quyền hơn hiệp hội khác.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân phát biểu tại Hội trường

Thứ ba, hơn 10 năm qua hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới gồm 55 hiệp hội doanh nghiệp địa phương các tỉnh. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu được triển khai xuống cơ sở thông qua cầu nối là Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ được kịp thời nhất quán. Trong quá trình xây dựng dự án luật, Hiệp hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức nhiều hội thảo hội nghị xin ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu đều tha thiết đề nghị cần phải định danh tên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong luật.

Thứ tư, việc quy định trách nhiệm của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề trong tên điều luật chỉ làm tốt hơn đối với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời sẽ làm rõ trách nhiệm chính và cụ thể cho 2 tổ chức nêu trên và không làm ảnh hưởng đến vai trò của các hiệp hội ngành nghề khác.

Thứ năm, tại Khoản 3, Điều 14 của dự thảo luật có đề cập đến vai trò trách nhiệm cụ thể của Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là những tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lại không được định danh trong trách nhiệm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng đây là luật khung về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ luật khung chuyển sang triển khai hỗ trợ cụ thể là cả một chặng đường khó khăn và phức tạp, nếu không nêu trách nhiệm cụ thể cho những hiệp hội cụ thể sẽ gây khó khăn cho việc nắm bắt các đầu mối triển khai và sẽ trở lại tình trạng chung chung, không có ai chịu trách nhiệm.

Đức Cao

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/dbqh-nguyen-van-than-khong-nen-dat-van-de-hiep-hoi-nay-co-nhieu-quyen-hon-hiep-hoi-khac_n24292.html