ĐBQH: Mong Chính phủ có giải pháp mạnh tay với những vấn nạn xã hội

"Những vấn nạn xã hội nhức nhối, lưu cữu nhiều năm qua chưa được kiềm chế, đẩy lùi, khiến lòng dân không yên. Nhân dân mong muốn Chính phủ có giải pháp mạnh tay, làm chuyển biến căn bản tình hình” – ĐB Đức Thắng nhấn mạnh.

Đây là ý kiến của ĐB Nguyễn Đức Thắng (Quảng Trị) thảo luận tại hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 vào sáng nay 3/11.

Sáng nay Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017

Môi trường sống ngày càng xấu đi do ô nhiễm

Phát biểu đóng góp ý kiến về nội dung này, ĐB Nguyễn Đức Thắng (Quảng Trị) đi thẳng vào những tác động ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà cử tri cả nước hết sức quan tâm, cần được giải quyết.

Đó là môi trường sống đang ngày càng xấu đi do ô nhiễm và thiếu kiểm soát ô nhiễm môi trường; mức độ ô nhiễm không khí tăng tại các đô thị lớn, được cảnh báo ở mức nguy hiểm, đáng báo động, là hiểm họa thường trực với đời sống nhân dân; là các doanh nghiệp xả thải ra môi trường; là vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải y tế, là an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cháy nổ, an toàn giao thông ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và môi trường sống; tình hình tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên, đã xảy ra nhiều vụ thảm án đau lòng, chấn động dư luận, gây bức xúc, lo lắng bất an cho nhân dân. Lĩnh vực giáo dục, y tế đã và đang phát sinh vấn dề mới.

“Có những vấn đề đã được đề cập từ nhiều năm qua song giải quyết thiếu căn cơ, hiệu quả mang lại chưa cao. Đó là dạy thêm, học thêm, lạm thu trong trường học... Ngành giáo dục các địa phương đã có những giải pháp quyết liệt song dường như càng chấn chỉnh lại càng phát sinh mâu thuẫn mới, nghịch lý ngay trong những quy định ấy.

Đó là nghịch lý của tình trạng thừa thiếu giáo viên, nghịch lý cung thừa cầu thiếu, bệnh thành tích trong giáo dục dường như ngày càng nghiêm trọng hơn, những câu chuyện học sinh ngồi nhầm lớp thật khôi hài, song cũng thật xót xa. Tình trạng bạo lực học đường chưa được ngăn chặn trong các cơ sở giáo dục” – ĐB Đức Thắng nói.

Vẫn theo ĐB này thì, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên mà ngành y tế đã tỏ rõ quyết tâm cải thiện tình hình song dường như lực bất tòng tâm, gần đây nhất là tình trạng trục lợi BHYT với nhiều "chiêu trò" tinh vi, tạo ra khoản chi bất hợp lý, thất thoát quỹ bảo hiểm y tế lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Giao thông, hạ tầng đô thị đang là vấn đề báo động. Đó là tình trạng ách tắc giao thông, ngập úng diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở Hà Nội, TP.HCM là căn bệnh trầm kha, gây thiệt hại vô cùng to lớn.

“Chúng ta đã dành hàng chục ngàn tỷ đồng, tốn kém công sức nhưng hiệu quả mang lại rất nhỏ bé và dường như xử lý vấn đề chưa đúng căn nguyên, càng chống càng tắc, càng chống càng ngập úng, cần có lời giải thích từ phía chính phủ.

Những vấn đề trên chỉ là những mảnh ghép rất nóng của cuộc sống mà trong báo cáo của Chính phủ ít đề cập hoặc đề cập nhưng chưa rõ nét. Và dường như chúng ta quá chú ý đến nhiệm vụ phát triển kinh tế mà chưa có sự quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực xã hội.

Vì vậy những vấn nạn xã hội nhức nhối, lưu cữu nhiều năm qua chưa được kiềm chế, đẩy lùi, khiến lòng dân không yên. Nhân dân mong muốn Chính phủ có giải pháp mạnh tay, làm chuyển biến căn bản tình hình” – ĐB Đức Thắng nhấn mạnh.

Cần có sự đầu tư thỏa đáng, thắt chặt an ninh mạng

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) lại đề cập đến tác động xấu của môi trường mạng đến học sinh.

"Bạo lực học dường đang là vấn nạn của xã hội. Trình trạng bạo lực ở lứa tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng theo trào lưu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Vai trò của nhà trường và thầy cô dẫn đến việc hình thành nhân cách học sinh là rất quan trọng".

Tuy nhiên, ĐB đề cập đến khía cạnh mà ngay cả những thầy cô tâm huyết với nghề cũng gặp phải khó khăn. Đó là môi trường văn hóa kém lành mạnh đang bủa vây học sinh. Ngoài thời gian được quản lý trên lớp, phần lớn thời gian còn lại các em sống trong môi trường ảo.

Trên môi trường mạng, bên cạnh những mặt tích cực thì những văn hóa phẩm bạo lực, thiếu văn hóa đang tràn lan, không được kiểm soát chặt chẽ, đang dần đầu độc thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh các cấp. Những trào lưu xấu, không này mạnh này được lan truyền với tốc độ chóng mặt và được học sinh tiếp cận rất nhanh. Một học sinh ở trên lớp không có biểu hiện hư hỏng, nhưng hàng đêm, học sinh đó vẫn mở mạng xem phim bạo lực, chơi game, chat online với một số nhóm bạn xấu được thành lập kín.

Đến một ngày nào đó, học sinh sẽ biến những điều được tiếp nhận ở vào đời thực và gây những hậu quả nghiêm trọng mà không ai có thể ngờ được. Đã có không ít thầy cô ban ngày tận tụy với bài giảng, đêm về lập nick ảo và điều tra xem các nhóm kín của học sinh đang bàn tán vấn đề gì, giờ này, học trò còn online chơi game hay chat Facebook để còn kịp thời điều chỉnh. Nhưng dường như cũng không đủ để kiểm soát thông tin đang ngày càng được tiêm nhiễm vào đầu các em. Môi trường mạng kém lành mạnh là một trong những nguyên nhân chính gây ra những biểu hiện xấu của học sinh hiện nay.

“Điển hình là học trò coi bạo lực học đường là một trào lưu. Các em thích thú với việc quay clip đánh bạn để giải quyết mâu thuẫn rồi tung lên mạng. Về vấn đề này, ĐB kiến nghị với Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ngành có sự đầu tư thỏa đáng, thắt chặt an ninh mạng, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin trên các trang mạng, trang quảng cáo chứa nội dung không lành mạnh, những trò chơi bạo lực tràn lan những nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo thế hệ trẻ suy đồi đạo đức.

Khi phát hiện ra những đối tượng vi phạm cần có chế tài nghiêm khắc xử lý và răn đe. Có như vậy mới hạn chế tối đa được những hiểm họa xung quanh học sinh, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để định hướng và hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ”- ĐB Nguyễn Thị Phúc kiến nghị.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dbqh-mong-chinh-phu-co-giai-phap-manh-tay-voi-nhung-van-nan-xa-hoi-post212954.info