ĐBQH kể nỗi khổ doanh nghiệp: Nghỉ mát họ cũng gợi ý

Không chỉ xin vào dịp lễ, tết, đóng theo tháng, theo quý mà kể cả đi nghỉ mát họ cũng gợi ý xin doanh nghiệp...

Sau lời kể của ĐBQH cho rằng có hiện tượng chính quyền, lực lượng chức năng địa phương đi "xin đểu" doanh nghiệp bất kể vào dịp nào.

Chuyện tưởng như là lời nói đùa ấy lại đang được miêu tả khá chi tiết, tỉ mỉ qua lời kể của một vài doanh nghiệp nhỏ.

Nghỉ mát cũng được gợi ý làm luật. Ảnh minh họa

Thi thoảng lại xin thẻ điện thoại

Ông Bùi Văn K (40 tuổi) kể, năm 2013-2014, gia đình ông có kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê nhà nghỉ tại trung tâm thành phố Hòa Bình.

Ông K cho biết, chỉ là nhà nghỉ nhỏ, có 4 tầng, khoảng 14-15 phòng nhưng cứ mỗi tuần gia đình ông lại được tiếp tới 4 đoàn kiểm tra (3-4 người một đoàn) khác nhau như: Cơ quan thuế, công an phường, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát trật tự...

Mỗi lần như vậy ông lại phải làm phong bì khoảng 400.000 - 500.000 đồng/người/đoàn. Trung bình, gia đình ông phải chi khoảng 4-5 triệu một tháng.

"Mọi thủ tục thuế má, chúng tôi đều đóng đẩy đủ hàng tháng mà họ vẫn đến kiểm tra rất đúng định kỳ. Nếu chi hậu hĩnh một chút thì có thể một tháng họ đến một lần, còn non tay thì mỗi tuần họ hỏi thăm nhau một lần", ông K cho biết.

Đáng nói, những lần họ đến cũng chỉ nói chuyện, uống nước và nhận phong bì rồi về chứ cũng chả kiểm tra gì.

"Họ chỉ đến ngồi nói chuyện với chúng tôi chứ cũng chả kiểm tra cái gì cả. Có điều cứ đến là biết trước đi làm phong bì. Nhận phong bì xong, họ uống nước rồi đi. Có kiểm tra gì đâu".

Ông K kể tiếp, "Có lần chúng tôi còn được công an phường gọi điện gợi ý mua tặng mấy chiếc thẻ điện thoại. Thực ra tặng thẻ điện thoại là cách nói thôi chứ, họ gọi điện là mình biết phải mang tiền tới rồi", vị này bức xúc.

Đi nghỉ mát cũng bị gợi ý

Ở lĩnh vực khác, ông Nguyễn Ngọc H, kế toán trưởng một doanh nghiệp kinh doanh vận tải chuyên dụng có trụ sở tại Hà Đông cho biết: chi phong bì hiện đã trở thành "luật bất thành văn" và doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện. Nếu tính trung bình một tháng công ty ông có thể phải bỏ ra số tiền lên tới gần 100 triệu cho những chi phí không chính thức này.

Cụ thể ông H kể, công ty ông có khoảng gần 20 đầu xe, nhưng là xe chuyên dụng chạy trong công trình đã được đăng kiểm, cấp phép theo đúng quy định. Tuy nhiên, xe cứ chạy khỏi công trình là bị gọi lại kiểm tra, hỏi han, bắt lỗi, bị xử phạt. Bức xúc hơn là thủ tục giải quyết rườm rà, mất thời gian, gây ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu quả vận tải cũng như tiến độ với đối tác.

Để tránh phiền hà, công ty lại phải tìm cách móc nối, liên hệ với những người quen biết theo gợi ý của những đơn vị này để làm luật theo quý hoặc theo tháng cho nhanh gọn.

"Có quý công ty không đóng thì lại bị gọi điện nhắc khéo rằng: "xe các chú chạy trên này nhiều mà không thấy lên thăm hỏi anh em". Chỉ cần nói vậy là công ty lại biết ý tự mang tiền tới nộp. Cũng có lần công ty cố tình không đóng thì lập tức số tiền đó được cộng dồn lại cho kỳ sau", ông H cho biết.

Cách thức làm luật công ty đang áp dụng là đóng một cục theo quý (3 tháng một lần), mỗi quý là 10 triệu cho một đội. Chỉ riêng với các đơn vị này công ty ông đã mất khoảng 50-60 triệu/quý, khoảng gần 200 triệu/năm.

"Chúng tôi thỏa thuận chỉ đóng tới mức đó, nếu cao hơn chúng tôi cũng không đóng nữa. Doanh nghiệp nhỏ làm sao chịu nổi?", vị này nói.

Ông H kể, "Rửa xe ở bãi mà rớt ít dầu nhớt xuống cống cũng bị cảnh sát môi trường hỏi thăm. Họ thừa biết, doanh nghiệp nhỏ làm sao có hệ thống xử lý nước thải. Thực ra đây chỉ là cái cớ đến kiểm tra rồi đặt vấn đề làm luật thôi", ông nói.

Chưa hết, ngay cả cơ quan thu thuế cũng luôn tìm cách làm phiền, làm khó doanh nghiệp.

Ông H kể tiếp, theo quy định doanh nghiệp kê khai thuế theo hình thức tự tính, tự hạch toán. Thế nhưng cơ quan thế vẫn thường xuyên có những lời đề nghị rất trái với quy định.

"Hàng tháng, cán bộ thuế lại gọi điện yêu cầu: "cứ nộp ngần này vào ngân sách, bao giờ quyết toán thì tính sau". Điều này rất vô lý vì thực tế hoạt động của công ty có khi còn đang lỗ", ông H bức xúc.

ĐBQH kể doanh nghiệp bị 'xin đểu': Tội tình doanh nghiệp nhỏ

Nhưng để tránh phiền hà, công ty lại phải làm phong bì vài triệu gọi là bồi dưỡng cho anh em.

Đó là còn chưa kể việc xin xỏ vào các dịp lễ, tết, thậm chí xin ngay cả khi tổ chức đi du lịch, nghỉ mát.

"Họ bảo: chúng tôi sang tuần cơ quan tổ chức cho anh em đi nghỉ mát đấy, họ nói vậy là doanh nghiệp lại biết ý mang phong bì tới cho họ", vị này kể thêm.

Cũng theo ông H, việc này gây rất nhiều khó khăn cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, tất cả những chi phí bất hợp lý, chi phí không chính thức đó thực chất đều bị cấu vào tiền của doanh nghiệp. Để bù đắp lại những khoản này doanh nghiệp buộc phải tính các chi phí đó vào giá thành và cuối cùng chỉ người dân là thiệt.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dbqh-ke-noi-kho-doanh-nghiep-nghi-mat-ho-cung-goi-y-3322457/