ĐBQH: Chất thải cực độc, DAP Đình Vũ nói gì cũng sai

Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ thải chất thải cực độc, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn nói thẳng DAP Đình Vũ nói gì cũng sai rồi.

Theo ông Sơn, việc xử lý 2,3 triệu tấn chất thải gypsum như thế nào, giao cho ai là việc của DAP Đình Vũ. Trách nhiệm của DAP Đình Vũ là phải tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục pháp luật quy định về xử lý chất thải, phế liệu nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường chung.

Núi chất thải của DAP Đình Vũ. Ảnh: VnE

Vì vậy, nếu DAP Đình Vũ cho rằng không có trách nhiệm với hai bãi chứa chất thải cực độc của nhà máy rộng 18,4 ha, chất cao hơn 40m vì đã ký hợp đồng với một công ty sân sau, thì đó là giải thích vô trách nhiệm.

Thực tế, vì muốn tận dụng chất thải, DAP Đình Vũ đã liên doanh xây dựng nhà máy xử lý bã thải gypsum thành sản phẩm thạch cao với vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi bán được 200.000 tấn cho Công ty Xi măng Hải Phòng, Bút Sơn, Tam Điệp để làm chất phụ gia xi măng thì nhà máy xử lý bã thải cũng ngừng hoạt động.

"DAP Đình Vũ không thể nói năng vô trách nhiệm theo kiểu, việc xử lý không thuộc trách nhiệm của nhà máy, và chất thải thuộc trách nhiệm của một công ty“sân sau” nhưng không được xử lý. Mọi diễn biến vụ việc đã chứng minh, DAP đã vì lợi ích của mình mà bất chấp tất cả", ĐBQH Nguyễn Bá Sơn bức xúc.

"Tối ưu hóa lợi ích của doanh nghiệp phải dựa trên nền tảng lợi ích chung của nhân dân và toàn xã hội. DAP Đình Vũ không thể vì lợi ích của mình mà mặc nhiên tự cho mình được đứng trên cơ sở tàn phá môi trường, hủy hoại môi trường sống của hàng triệu người dân được". Ông Sơn nói thẳng.

Theo đó, đại biểu đoàn Đà Nẵng yêu cầu Thanh tra Bộ TN-MT phải thanh tra, kết luận và công bố rõ ràng trước công luận đồng thời đưa ra đề xuất hướng xử lý công khai trước Chính phủ và Quốc hội.

Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu cơ quan thanh tra phải chỉ rõ ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm trong câu chuyện này.

"Không thể bao che cho một hành vi sai phạm đã lộ rõ, không thể làm như vậy được đâu", ông Sơn thẳng thắn.

Một vấn đề nữa ông Sơn đề cập tới là trách nhiệm phía cơ quan quản lý. Theo ông Sơn, hành vi sai phạm của DAP Đình Vũ đã rất rõ ràng nhưng về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng đang thể hiện một sự lúng túng, thiếu trách nhiệm khi để sự việc xảy ra và tồn tại trong nhiều năm mà không có hướng xử lý.

Ông cũng không hài lòng, thậm chí còn bất bình trước câu trả lời rất vô trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương rằng: "Chúng tôi đã phát hiện, đã kiến nghị nhưng chưa thấy ai trả lời".

Ông Sơn đặt câu hỏi: "Vì sao lại có câu chuyện trên bảo dưới không nghe? Phát hiện, kiến nghị rồi không thấy trả lời thì cũng mặc kệ hay sao?". Tự tìm cho mình câu trả lời, ông Nguyễn Bá Sơn nói: "Nếu xâu chuỗi hàng loạt những sự việc như Formosa xả thải, nhà máy giấy bức tử sông Hậu và giờ là tới nhà máy phân bón DAP Đình Vũ... sẽ thấy các cấp quản lý ít nhiều đều biết có sự việc xảy ra nhưng lại gần như đang có một sự bàng quan lạ thường trước những sự việc đó, sai phạm đó.

Chính vì không có ai đứng ra, chịu trách nhiệm cản đường nó nên nó mới có cơ hội nhân rộng thành một hiện tượng phổ biến và nghiễm nhiên coi như được tồn tại".

Ông Sơn nói rõ, ở đây chính là trách nhiệm công vụ. "Vì anh đã không thực hiện hết chức năng, vai trò, quyền hạn cũng như trách nhiệm của một người cán bộ, công chức. Cụ thể là những người đứng đầu, chịu trách nhiệm trực tiếp trong điều hành, quản lý, lãnh đạo ở từng lĩnh vực đó. Chính vì thế mới có câu chuyện, cứ việc xảy ra, dư luận phản ứng cơ quan quản lý mới vào cuộc, mới điều tra, rồi mới mổ xẻ, đi tìm trách nhiệm".

"Tất cả đều rối tung, rối mù mỗi khi vấn đề trách nhiệm được đặt ra với bất kỳ cấp quản lý nào. Thế nhưng, cho tới bây giờ câu chuyện truy trách nhiệm vẫn chỉ là một câu chuyện buồn. Chưa thấy xử lý được ai, chưa thấy ai chịu trách nhiệm". Ông Sơn nhận định, có thể vì lẽ đó mà những sai phạm nghiêm trọng như của DAP Đình Vũ mới ung dung tồn tại và không thể xử lý được.

Và để che đậy cho những sai phạm đó, bao giờ người ta cũng lấy cái quy trình làm lá chắn. Đại biểu Đà Nẵng cho rằng đang có một sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa quy trình kỹ thuật và quy trình con người. Ông khẳng định quy trình con người thì không sai nhưng vấn đề là người ta đã bỏ quên những yếu tố quan trọng trong quy trình này đó là: Tiêu chuẩn cán bộ và phẩm chất đạo đức.

Chất thải cực độc của DAP Đình Vũ: Những câu hỏi thẳng

"Đơn cử như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, gây thua lỗ lên tới 3.000 tỷ đồng, sai phạm đó cũng tồn tại kéo dài trong nhiều năm nhưng vẫn được bổ nhiệm, cất nhắc lên giữ chức vụ cao hơn? Vậy việc này được thực hiện theo quy trình, tiêu chuẩn nào?

Tôi xin nhấn mạnh, quy trình không tạo ra con người, quy trình đó chỉ là giới hạn, là hành lang pháp lý để thực hiện các bước tiến hành, xem xét, đánh giá, bổ nhiệm cho đúng quy trình mà thôi. Ở đây vẫn phải là tiêu chuẩn cán bộ và phẩm chất cán bộ. Gắn với cái quy trình đó phải là vấn đề trách nhiệm rất cụ thể, mức độ xử lý cụ thể và gắn với từng con người cụ thể...", ông Sơn nhấn mạnh.

Kết luận lại sự việc, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn cho rằng, để ngăn chặn triệt để hiện tượng trên thì vai trò của Chính phủ, của Quốc hội tại thời điểm này là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nhấn mạnh là mang tính quyết định.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/dbqh-chat-thai-cuc-doc-dap-dinh-vu-noi-gi-cung-sai-3323436/