ĐBQH băn khoăn về kỳ thi THPT Quốc gia 2017

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động quán triệt toàn ngành phương án đổi mới kỳ thi để yên lòng giáo viên, phụ huynh...

Liên quan đến giáo dục đào tạo, thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm nay (3/11), ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho giáo dục vùng đồng bằng sông Cửu Long, quan tâm đặc biệt đến phát triển bậc học mầm non.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 có nhiều điểm mới

Liên quan đến vấn đề đổi mới phương thức thi THPT quốc gia năm 2017, ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động quán triệt toàn ngành phương án đổi mới kỳ thi nhằm làm yên lòng giáo viên, phụ huynh và học sinh. Bộ GD&ĐT phải lường trước những kết quả không như ý muốn bởi lâu nay quen kiểu thi thế nào dạy thế đó học thế ấy.

ĐB Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) lại đề nghị Bộ cần xem xét việc thí sinh phải lựa chọn và làm bài của một trong hai ban, ban khoa học tự nhiên hoặc ban khoa học xã hội.

Bà Phúc phân tích: trong một buổi thi, các môn thi trong các ban này thực chất chưa phải là tích hợp liên môn mà chỉ là sự ghép riêng biệt của các môn học. Ví dụ với Ban Khoa học Tự nhiên thí sinh phải thi ba môn riêng biệt Lý, Hóa, Sinh trong một buổi thi, lượng kiến thức của ba môn này được trang bị suốt 3 năm là rất nhiều. Thí sinh phải tập trung làm trong một buổi sẽ gây áp lực, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và giảm chất lượng của bài thi.

Để khắc phục những khó khăn, ĐB Phúc kiến nghị: Ngành giáo dục rất cần các cấp, các ngành tập trung hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu khoa học, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa thêm các dự án, chương trình đạo tạo để đội ngũ cán bộ giáo viên trong ngành tham gia tập huấn, tiếp cận với nền giáo dục của các nước tiên tiến. Có như vậy, các phương thức dạy học tích cực mới thực sự hiệu quả và chất lượng giáo dục sẽ vươn cao vượt trội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có phương pháp đào tạo chuẩn hóa thêm giáo viên cấp mầm non, giáo viên ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của quá trình dạy và học. Kiến nghị thứ ba cần nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng học tiếng Anh kém hiệu quả của học sinh các cấp.

Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu

Hiện nay, thiếu giáo viên mầm non, thiếu cơ sở vật chất cho nhà trẻ. Hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rất bức xúc vì chưa có lối ra cho việc thực hiện nhiệm vụ này.

ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh)

Do hạn chế bởi quy định không cho tăng biên chế do nguồn đầu tư có hạn, bà Mai đề nghị Chính phủ có giải pháp cho quyền chủ động địa phương, cho cơ chế phù hợp để giải quyết nạn thiếu giáo viên, thiếu nguồn lực xây dựng phòng học.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) đồng tình với những ý kiến của nhiều đại biểu đã nêu về lĩnh vực giáo dục.

"Thực trạng hiện nay chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong đào tạo nguồn nhân lực của xã hội, việc đầu tư cho giáo dục có mặt chưa hiệu quả, cơ sở vật chất đầu tư cho thực hành và giảng dạy còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều đề án theo lộ trình và đã thành công. Điển hình là đổi mới phương thức đăng ký xét tuyển đại học năm 2016 đã cơ bản tạo dư luận tốt và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, trong lộ trình đổi mới không tránh khỏi những bất cập, hạn chế.

Theo ĐB Nguyễn Thị Phúc, việc triển khai và áp dụng các phương pháp dạy học tích cực theo tinh thần đổi mới đang gặp phải những khó khăn về cơ sở vật chất.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên)

Cụ thể, với một giờ dạy thực nghiệm có áp dụng phương pháp dạy học tích cực cần chia nhóm cho học sinh làm thực nghiệm, nhưng số thiết bị đồ dùng thí nghiệm, máy chiếu bị thiếu thậm chí là không có, không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản của một giờ dạy chuẩn. Trường lớp chưa được kiên cố, phòng thí nghiệm, nhà vệ sinh, số phòng học không đáp ứng được số lượng học sinh. Số học sinh trong một lớp học quá đông rất khó khăn cho việc tổ chức dạy học, kiểm soát theo phương pháp mới.

Theo bà Phúc, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đề án mô hình trường học ở cấp tiểu học chưa đạt được yêu cầu đề ra. Mặc dù, về phương pháp luận mô hình này rất hoàn hảo.

Về nguồn lực giáo viên, cử tri nhiều nơi kiến nghị về tình trạng giáo viên cấp mầm non, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, nhiều lớp học có đến hai ba mươi cháu mà chỉ có một cô giáo. Như vậy, đã gây quá tải và việc chăm sóc giáo dục trẻ chưa thể thực hiện như Nghị quyết 29 của Trung ương đã đề ra./.

Thu Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/dbqh-ban-khoan-ve-ky-thi-thpt-quoc-gia-2017-566077.vov