ĐB nói chuyện 'tiền tươi thóc thật, liệu cơm gắp mắm'

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng mọi kế hoạch kinh tế đều phải được tính toán trên cơ sở “tiền tươi, thóc thật” và muốn phát triển bền vững phải căn cơ, phải “liệu cơm gắp mắm”.

Sáng 2-11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội cũng như báo cáo về tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ.

Dẫn ra những bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận định những kết quả đạt được trong thời gian qua là do những nỗ lực “lội ngược dòng” của Chính phủ. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc cảm ơn Chính phủ về những quyết sách khơi thông và cải thiện môi trường kinh doanh.

Đối với Quốc hội, ông Lộc nhận định: “Quốc hội dường như đang tỏ ra “khó tính hơn” và “có trách nhiệm hơn” trong những thảo luận, tranh luận gần đây về các dự luật và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Không khí thảo luận thẳng thắn, dân chủ, đầy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm với dân, với nước tại diễn đàn Quốc hội cũng đã cho thấy những nỗ lực vượt lên của Quốc hội để “đồng hành” với Chính phủ.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nói: Quốc hội dường như "khó tính hơn" và cũng "trách nhiệm hơn".

Nhận định về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ông Lộc cho rằng: “Hai bản kế hoạch này đều có một điểm chung, đó là rất tham vọng. Tuy nhiên, việc đặt ra những mục tiêu quá tầm với lại thể hiện tính chủ quan, duy ý chí, bỏ qua các quy luật khách quan và cũng không phải là vô hại”.

Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao, theo đại biểu Lộc, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô, bởi nó đòi hỏi quá nhiều nguồn lực, buộc các chính sách tài chính và tiền tệ phải nới lỏng quá mức, gây ra những hệ lụy như lạm phát, nợ công và nợ xấu… mà cho đến nay chưa giải quyết xong.

Cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là quá cao, ông Lộc đặt câu hỏi: “Dựa trên cơ sở nào để Chính phủ đưa ra mục tiêu đó cho năm 2017?”. Ông cũng hỏi Chính phủ xem đã có kịch bản nào để ứng phó cho tình huống không đạt được mục tiêu này không.

“Với mục tiêu cân đối xuất nhập khẩu, tại sao lại đưa ra mục tiêu nhập siêu 6,5 tỉ USD trong khi chín tháng đầu năm 2016 nền kinh tế đã xuất siêu gần 4 tỉ USD? Và trên cơ sở nào Chính phủ lại lập kế hoạch vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân là 750.000 tỉ đồng trong năm 2017?… Chúng ta có “đếm cua trong lỗ”?, ông Lộc thẳng thắn.

Cho rằng Việt Nam trong những năm tới sẽ gặp nhiều áp lực để tạo công ăn việc làm và tăng ngân sách quốc gia, ông Lộc cho rằng: Mọi kế hoạch kinh tế đều phải được tính toán trên cơ sở “ tiền tươi, thóc thật” và muốn phát triển bền vững phải căn cơ, phải “liệu cơm gắp mắm”.

“Theo tôi, chúng ta chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%-6,5% đồng thời cố gắng bảo đảm cải thiện chất lượng tăng trưởng”, ông Lộc nói và đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra những mục tiêu phù hợp với thực lực hơn, chứ không đưa ra những mục tiêu quá cao để phấn đấu mà không bao giờ đạt được, hay các mục tiêu quá thấp để dễ dàng vượt qua.

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/db-noi-chuyen-tien-tuoi-thoc-that-lieu-com-gap-mam-662625.html