Dạy thêm trước chương trình, học sinh hớt được ngọn nhưng mất gốc

Dạy trước chương trình, học sinh cái gì cũng biết mà không hiểu. Nói một cách có hình ảnh, học trước chương trình, học sinh chỉ hớt được phần ngọn mà thôi.

LTS: Hiện nay, tình trạng dạy thêm, dạy trước chương trình đang diễn ra tương đối phổ biến ở cả thành phố và nông thôn.

Để các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về dạy trước chương trình, tác giả Tùng Sơn xin chia sẻ bài viết với mong muốn các bậc phụ huynh sẽ có sự lựa chọn sáng suốt khi có ý định cho con mình đi học thêm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Học sinh rất thích học trước chương trình! Việc học sinh thích được học trước chương trình đã trở thành tâm lí chung của trẻ. Chưa đi học mà các con đã biết trước, đã học trước sẽ trở thành điều hãnh diện của con trẻ. Không cứ gì lớp 1 mà nhìn chung lứa tuổi nào cũng vậy.

Hình ảnh minh họa việc học thêm trước chương trình của học sinh (Ảnh nguồn: PL)

Vừa nghỉ hè ở lớp 5, nhưng các con rất thích được học ngay Toán lớp 6. Về nhà, các con thường khoe “Nay tớ đã học toán tập hợp rồi đấy”, sau đó, sẽ kể vanh vách nào là tập con, tập to, kí hiệu, giao, hợp… Có em còn hài hước: “U đứng, U nằm, U ngửa… về các kí hiệu trong toán tập hợp”. Bố mẹ khi nghe các con thao giảng lại sẽ cảm thấy rất sung sướng vì chưa học mà các con đã biết. Nhưng, bố mẹ đâu hiểu rằng, các con mình mới hớt được phần ngọn của kiến thức. Còn phần củ ngọt bùi và bổ dưỡng lâu bền, các con chưa được biết vì một khoảng thời gian hè ngắn ngủi như vậy, các thầy cô chỉ có thể dạy được như vậy mà thôi. Dạy trước chương trình, không thể có chuyện dạy đúng bài bản Một bài học trong chương trình mà sách giáo khoa thể hiện, nếu dạy đúng quy trình thì khẳng định rằng lớp học thêm ở nhà thầy cô không đủ điều kiện. Về không gian: phòng dạy thêm của các thầy cô đa phần là chật chội. Diện tích đó không thể đáp ứng được việc tổ chức dạy học bằng hợp tác nhóm, liên hệ, thuyết trình hay trò chơi theo yêu cầu của bài học.

Về thời gian: mỗi bài học trong chương trình sẽ được dạy từ 40 đến 45 phút. Riêng phần lí thuyết phải thao tác đủ các bước mất 25 đến 20 phút. Vì dạy “chay” nên hầu như các thầy cô chỉ mất vài phút để cung cấp kiến thức. Về phương pháp: đã là dạy thêm thì chắc chẳng cô nào đưa các phương pháp mới hay cũ để dạy mà chủ yếu là giảng giải. Công việc chủ yếu là đưa ra công thức, học sinh áp dụng công thức đó làm bài tập. Về đồ dùng và phương tiện: tại lớp dạy thêm, chắc rằng chẳng cô nào lại mang tranh ảnh, mẫu vật đến để dạy. Với học sinh, đi học thêm thì chỉ có mang vở ghi và sách giáo khoa chứ sao có chuyện các em chuẩn bị đồ dùng cho bài học. Đến lớp, cô dạy sao các con được vậy và rất vui vẻ vì được học trước. Dạy như thế, học sinh chỉ biết mà không hiểu.

Dù cho có làm được bài tập và được 10 điểm về khoe bố mẹ nhưng các em không hiểu bản chất của vấn đề. Chẳng hạn, khi dạy bài “Tính từ” trong Tiếng Việt 4. Đúng quy trình, học sinh phải đọc để hiểu mẩu chuyện “Cậu học sinh ở Ác-boa”. Sau đó, các em làm 3 bài tập: Tìm các từ chỉ tư chất của cậu bé; tìm các từ chỉ màu sắc của sự vật; tìm các từ chỉ hình dáng, kích thước của cây cầu…

Học nếm - Dạy thêm và câu chuyện tựu trường sớm

Qua 3 bài tập đó, học sinh thảo luận nhóm để đi đến kết luận: Các từ chỉ đặc điểm, tính chất (màu sắc, kích thước, phẩm chất…) của sự vật gọi là tính từ. Tuy nhiên, trong lớp dạy thêm, giáo viên không đủ thời gian để cho học sinh đọc - hiểu văn bản và làm bài tập mà các cô thường lấy ví dụ và khẳng định ngay các từ đó gọi là tính từ. Ví dụ: Các từ xanh, đỏ, dài, ngắn, tốt, xấu… là các từ chỉ đặc điểm, tính chất nên người ta gọi đó là tính từ. Khi làm bài tập, các em vẫn tìm được tính từ trong câu văn nhưng việc hiểu bài là không sâu. Hoặc khi dạy bài “Phân số” trong Toán 4, các cô cũng chỉ đưa ra phân số làm ví dụ rồi nói đâu là tử số, đâu là mẫu số. Nói vậy vì trong điều kiện dạy học kể trên, các cô không thể sử dụng mô hình rồi cùng các cách thao tác bằng tay để hiểu cái bánh chia 5 phần lấy ra 2 phần được 2/5 cái bánh… Rõ ràng, dạy trước chương trình như thế, học sinh cái gì cũng biết mà không hiểu. Nói một cách có hình ảnh, học trước chương trình, học sinh chỉ hớt được phần ngọn mà thôi. Nên có lựa chọn sáng suốt Chuyện cho con ở nhà nghỉ ngơi, về thăm quê, thể thao, du lịch… tăng cường thể chất trong ngày nghỉ hay để con học thêm là quyền của cha mẹ, tùy vào hoàn cảnh gia đình của từng học sinh. Tuy nhiên, việc các con đua theo chúng bạn, nể nang thầy cô giáo, sợ mình tụt hậu về kiến thức… là những lí do để phụ huynh đưa con đến lớp học thêm thì không nên chút nào.

Qua phân tích ở trên, tôi mong các bậc phụ huynh hãy có lựa chọn sáng suốt trong việc định hướng và dạy bảo con trẻ.

Tùng Sơn

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/day-them-truoc-chuong-trinh-hoc-sinh-hot-duoc-ngon-nhung-mat-goc-post178995.gd