Dày thêm chứng cứ pháp lý

ANTĐ - Trong bài viết “Tấm bản đồ cổ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc” số ra chủ nhật, ngày 15-7-2012. Báo An ninh Thủ đô đã thông tin tới bạn đọc về “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”- tập bản đồ do triều Thanh - Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1904. Theo tấm bản đồ này, cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không hề có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ này thêm một lần nữa khẳng định những đòi hỏi của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây là hoàn toàn vô lý và vô căn cứ.

Trao tặng tư liệu quý về chủ quyền biển đảo Việt Nam Tấm bản đồ Trung Quốc 1904 thu hút đông đảo người xem

Đây là sản phẩm được Vua Khang Hy - Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Trong phần giới thiệu do TS. Mai Hồng phiên âm, dịch chú có đoạn: “Năm Mậu Tý, Khang Hy 47 (1708) đời vua Thanh Thánh Tổ Nhân Hoàng đế, Thánh Tổ nhà Thanh tuyển phái các giáo sĩ Bạch Tấn Lôi hiếu, Tư Đỗ Đức mỹ, chế tác “Vạn lý thành đồ”, sau hơn 1 năm (1710) thì công việc hoàn thành. Vua vui mừng, lại xuống chiếu cho (giáo sĩ) Phan Như Lôi hiếu, Tư Đỗ Đức mỹ vẽ bản đồ “Mạch đại thành” của Mông Cổ, Mãn Châu hợp thành (bản đồ) của hai tỉnh Trực Lệ và Sơn Đông.

Đến năm Tân Mão Khang Hy 50 (1711), vua sai các giáo sĩ đi tới khắp 13 tỉnh, đo lường đất đai tạo bản đồ “Mạch đại Thành thang chuộng hiền”, đi về các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây; Phùng Bỉnh, Chính Đức, Mã Nặc đi về các tỉnh Hà Nam, Triết Giang, Phúc Kiến, Giang Nam; Phí Ân, Hòa Phan đi về các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Hồ Quảng. Trải qua một năm 4 lần đọc duyệt, quy mô bắt đầu định hình. Các giáo sĩ đều được triệu tập về kinh đô để họ múa bút vẽ họa, sau 2 năm công việc cáo thành với bức toàn đồ 15 tỉnh, tấu trình lên vua ngự lãm…”. Như thông tin được Giám đốc (Chủ biện) đài Thiên văn ở Dư Sơn Sái Thượng Chất chép vào mùa xuân năm Quang Tự nhà Thanh, Giáp Thìn (1904) còn lưu tại bản đồ, việc đo vẽ được tổ chức trên quy mô lớn, nghiêm túc. Và đương nhiên, tính khoa học của tấm bản đồ này rất cao.

“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được TS. Mai Hồng giữ gìn từ 30 năm qua. Ông cho biết, gần đây, khi tình hình trên Biển Đông trở nên căng thẳng, ông quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, với mục đích làm dày thêm cơ sở và chứng cứ pháp lý, khẳng định 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Chủ quyền phân định rõ”

Trong khi các thư tịch và bản đồ của các triều đại Việt Nam luôn thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ và trong các hoạt động mang tính chất quản lý chủ quyền, thì trái lại trên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Trung Quốc không hề thấy. Đây là yếu tố quan trọng khi xác lập chủ quyền lãnh thổ đặc biệt là trong các trường hợp có tranh chấp.

Trong khi đó, từ năm 1834, trước thời điểm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” xuất bản 70 năm (năm 1904) các bản đồ của Việt Nam đã thể hiện chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc TS. Mai Hồng hiến tặng bản đồ này góp phần giúp người dân Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn nữa về công tác thu thập các tài liệu, khẳng định chủ quyền biển đảo không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Tìm kiếm, sưu tầm bản đồ Việt Nam những năm về trước không khó, bởi đất nước chúng ta nằm ở vị trí trọng yếu trên con đường vận tải biển, vì thế xuất hiện rất nhiều trên bản đồ hàng hải của các nước như Hà Lan, Pháp, Anh, Tây Ban Nha…

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về Trung Quốc: “Chúng ta ở phía chính nghĩa”

Tấm bản đồ cổ Trung Quốc vừa được TS. Mai Hồng trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tôi cho rằng đây là một điều rất tốt, nên làm. Tất cả các nguồn tư liệu lịch sử đều quý giá và cần được tuyên truyền rộng rãi tới công chúng không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới. Tôi thấy, tấm bản đồ này sẽ rất có giá trị trong các cuộc đàm phán về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong vấn đề khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo, theo tôi chúng ta nên tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác tuyên truyền. Công tác này phải được thực hiện bài bản, có lớp lang, có những cứ liệu khoa học thuyết phục và đặc biệt phải có văn hóa. Có nhiều lúc, tôi đọc những bài viết của báo chí Trung Quốc thấy họ xuyên tạc, bịa đặt một cách trắng trợn. Trung Quốc khẳng định chủ quyền biển đảo trên Biển Đông một cách vô căn cứ, nên họ cãi cùn. Còn chúng ta, chúng ta ở phía chính nghĩa, vì thế cần thể hiện sự văn hóa trong ứng xử, chậm nhưng chắc, “nói có sách, mách có chứng”. Tôi tin là dư luận quốc tế đang đứng về phía chúng ta.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm - Nguyên Giám đốc Thư viện - Viện Sử học Việt Nam: “Thêm chứng cứ đấu tranh”

Phải nói ngay rằng, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được đo vẽ, in ấn bằng kỹ thuật cao với sự giúp đỡ của các giáo sĩ phương Tây. Thông tin được đưa ra trong bản đồ là cực kỳ chính xác bởi bản đồ này mang tính chất quốc gia. Tôi nghĩ, chẳng phải Trung Quốc không biết đến tấm bản đồ này đâu, rất biết là khác. Và, những căng thẳng hiện có ở Biển Đông là có ý đồ cả đấy. Tấm bản đồ này có ý nghĩa như một chứng cứ có tính pháp lý mới, thêm những tài liệu để đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hiện cũng có khá nhiều những tấm bản đồ Việt Nam do các giáo sĩ người nước ngoài vẽ vào khoảng thế kỷ 17, 18, trong đó họ đều khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của các chúa Nguyễn ở Đàng trong của nước ta.

Nhóm PV thời sự

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/thoi-su/day-them-chung-cu-phap-ly/457456.antd