Dạy nhau cách 'cạch mặt' vợ chồng ca sỹ Thu Minh

Thời gian vừa qua, có rất nhiều thông tin lùm xùm quanh việc công ty của ông Otto De Jager (chồng ca sĩ Thu Minh) nợ một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm gỗ hàng chục tỉ đồng. Chiều ngày 24/8, Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức họp báo để chia sẻ các thông tin về quản trị rủi ro trong mua bán quốc tế sau vụ lùm xùm nói trên...

Vợ chồng ca sỹ Thu Minh

Trước đó, Công ty Gia Hân (Đồng Nai) cho rằng hiện tại Công ty Global đang cố tình chây ì, nợ tiền hợp đồng chưa thanh toán hơn 494.000 USD (tương đương 11,1 tỉ đồng). Ngoài ra, Công ty Global còn một lô hàng trong kho của Công ty Gia Hân chưa lấy giá trị hơn 281.000 USD (tương đương 6,3 tỉ đồng). Công ty Gia Hân cho biết đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì việc nợ đọng này dù họ đã làm đúng những cam kết với Global. Công ty này đã gửi đơn tố cáo lên Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Nai.

"Từ tháng 4/2015 họ bắt đầu chi trả trễ, chúng tôi đã email lên đòi. Đến tháng 5 và tháng 7 họ vẫn lấy hàng nhưng vẫn không trả tiền", ông Nguyễn Hữu Ngọc đại diện công ty Gia Hân phát biểu trong buổi chia sẻ.

Ngoài Công ty Gia Hân, theo dư luận cũng có hàng chục công ty sản xuất các sản phẩm về gỗ khác cũng lên tiếng tố Công ty Global bằng nhiều cách khác nhau đã trì hoãn việc trả nợ. Số tiền nợ đọng được cho là lên đến hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, tại buổi chia sẻ, chỉ có vài công ty có mặt để lên tiếng về vấn đề hợp đồng với Công ty Global.

Ông Nguyễn Thế Truyền, luật sư bên phía Gia Hân cho biết những điều khoản giữa Gia Hân và Global là bất lợi cho doanh nghiệp Việt. Theo ông Truyền, tất cả các ràng buộc pháp lý, chất lượng đều phải theo các quy định của nước ngoài và của phía Global.

"Ngay từ khi ký hợp đồng đã có đơn hàng ngay và giao dịch bằng email nhưng 23-27 ngày sau mới thanh toán. Ngay từ những đơn hàng đầu tiên thì một số doanh nghiệp Việt đã bị Global nợ", ông Truyền cho biết.

Theo ông Truyền Global có một thủ thuật, 5 giờ sáng Global gửi email đề nghị làm việc nhưng khoảng 3 tiếng sau họ hủy buổi làm việc vì phía đối tác Việt Nam trả lời chậm quá.Trong khi thông lệ quốc tế không quy định về thời gian trả lời email. Tuy nhiên lấy dẫn chứng đó ra thì rõ ràng có thể vin vào đó để đánh giá thái độ hợp tác của doanh nghiệp Việt.

Sự thật khác xa vẻ ngoài bóng bẩy của giới Showbiz?

Theo ông Truyền, doanh nghiệp Việt Nam có hợp đồng là quên hết tất cả, chẳng quan tâm đến vấn đề gì khác, đặc biệt là những vấn đề về pháp lý. Điều này không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây mất lòng tin với các đối tác nước ngoài. Cũng theo ông Truyền, khoảng 20 doanh nghiệp đã bị thiệt hại từ vụ việc liên quan đến Global.

Ngoài Gia Hân, đại diện Công ty Việt Mỹ, đơn vị đang vướng vào rắc rối với Global cho biết, sau 10 đơn hàng thì Global nợ lại 120 ngàn USD, hiện họ còn nợ 66 ngàn USD từ 8/5/2012 đến giờ.

Đại diện Công ty Cửu Long chia sẻ: Từ năm 2013 Cửu Long với Global đã bắt đầu làm ăn với nhau. Sau một số đơn hàng và thu được khoảng 60 ngàn USD thì Cửu Long gặp khó khăn và xin phép Global chậm giao hàng. Một thời gian sau Global bắt đầu phạt hợp đồng Cửu Long. Global nợ Cửu Long 119.0000 USD nhưng họ phạt hợp đồng 122.000 USD, cộng thêm khoản tiền cọc nữa thì Cửu Long từ chủ nợ bỗng thành con nợ.

Vị đại diện Công ty Cửu Long cho biết sau vụ việc họ phải điều đình với Global để số tiền hợp đồng bằng với số tiền nợ. Vị đại diện Công ty Cửu Long cũng cho biết: Sau vụ việc với Global họ gần như phá sản may mắn sau đó tiếp tục nỗ lực và trụ lại tới giờ. Nhân vụ việc của Gia Hân, Công ty Cửu Long cho biết sẽ “tham chiến”.

Các doanh nghiệp "họp nhau" chia sẻ kinh nghiệm chống rủi ro

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA cho biết ông Otto (chồng Thu Minh) đã gửi thư xin gặp đại diện HAWA. Tại cuộc gặp diễn ra vào buổi chiều cùng ngày, ông Otto có đưa ra những tài liệu về việc làm ăn với Công ty Gia Hân và cho rằng những phát biểu của Gia Hân đã không đúng đắn và gây áp lực cho ông ấy.

Ông Hạnh đã nói với ông Otto rằng Hội HAWA không phải là cơ quan tài phán về vụ việcmà chỉ tiếp nhận thông tinh của các bên. Cũng theo ông Hạnh, sau khi phản ánh về việc HAWA có nhận được một số đơn thư và có trao đổi với ông Otto. Ông Otto hẹn 2 tuần sau sẽ gặp để tiếp tục trao đổi.

Một chuyên gia về pháp lý chia sẻ doanh nghiệp Việt Nam đã không quan tâm và lường trước những rủi ro tiềm ẩn trong những hợp đồng mua bán quốc tế. Đối tác nước ngoài có thể giấu vài chi tiết trong đó, kể cả trong định nghĩa họ cũng cài cắm những điều có lợi cho họ trong đó.

Về vấn đề rủi ro trong mua bán quốc tế trong thực tế không ít những doanh nghiệp Việt lao đao khi không tìm hiểu kỹ hợp đồng và tính pháp lý liên quan. Vụ việc giữa những công ty sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với công ty Global có phải sẽ không lùm xùm lên nếu đó không phải là công ty của chồng ca sĩ Thu Minh? Rõ ràng, để bước ra trường quốc tế và gặp ít rủi ro nhất, các doanh nghiệp rất quan tâm hơn nữa những tư vấn về pháp lý...

Phạm Thịnh - Phương Thảo

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/day-nhau-cach-cach-mat-vo-chong-thu-minh-290865.html