Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Bảy tháng năm 2017, TP Hồ Chí Minh mới giải ngân được khoảng hơn một nửa vốn đầu tư công. Điều này ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố, khiến nhiều dự án đình trệ. Tìm ra các giải pháp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo thành phố giao cho các sở, ngành, quận, huyện...

Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu ở phường Tân Phú, quận 9 có quy mô 1.000 giường bệnh, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý I-2018. Tuy nhiên, theo tiến độ thi công thực tế, dự án này sẽ chậm hơn ba tháng. Tương tự, dự án Bệnh viện Nhi đồng thành phố (huyện Bình Chánh) có quy mô 1.000 giường bệnh, được khởi công cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành giữa năm 2016, nhưng hiện nay thành phố phải lùi ngày hoàn thành đến quý I-2018.

Cả hai dự án nêu trên do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, đều chậm tiến độ vì chung một nguyên nhân: Giải ngân vốn đầu tư chậm. Cụ thể, tính riêng năm 2017, vốn đầu tư theo kế hoạch cho hai dự án này khoảng 3.200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương (T.Ư), nhưng tính đến hết tháng 7, mới chỉ có 660 tỷ đồng được giải ngân, đạt 20%. Số còn lại bị vướng đủ loại giấy tờ thuộc thẩm quyền từ địa phương đến T.Ư.

Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho thấy, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước giao trong năm 2017 là 26.183 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách T.Ư là 3.282 tỷ đồng, vốn ODA do T.Ư cấp phát là 4.034 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố là 18.866 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31-7, tổng số vốn thành phố đã giải ngân là 13.214 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch vốn giao. Cụ thể, giải ngân vốn ngân sách T.Ư 722 tỷ đồng (đạt 22%), vốn ODA do T.Ư cấp phát 2.901 tỷ đồng (71,9%), vốn ngân sách thành phố 9.589 tỷ đồng (50,5%).

Theo báo cáo từ các quận: 1, 9, 10, Thủ Đức, Tân Phú, Tân Bình và huyện Hóc Môn..., tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong bảy tháng của các địa phương này đạt tỷ lệ thấp (dưới 50%), trong đó, quận 10 chỉ đạt dưới 30%. Cụ thể, vốn ngân sách thành phố giao là 306 tỷ đồng để đầu tư 19 dự án, nhưng hiện mới giải ngân được 26,4%. Theo đại diện quận 10, tại hầu hết các dự án, công tác giải phóng mặt bằng của quận đều vướng về khâu trình tổng duyệt giá bồi thường và giá tái định cư. Đặc biệt, dự án lớn như tuyến metro 2 (Bến Thành - Tham Lương), tới nay giá bồi thường vẫn chưa được phê duyệt…

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân thành phố giải ngân chậm nguồn vốn ngân sách T.Ư là do vướng ở dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng thành phố và dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu. Giải ngân chậm nguồn vốn ODA là do vướng dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự án này đang trong quá trình điều chỉnh (tăng tổng mức đầu tư từ 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng), chưa được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cho nên chưa có cơ sở xem xét, bổ sung vốn ODA trung hạn và hằng năm theo quy định. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn ODA cho các dự án trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2017 là khoảng 7.700 tỷ đồng, so với tổng kế hoạch vốn mà T.Ư cấp phát cho thành phố thì chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Với số vốn nêu trên, thành phố rất khó triển khai và đưa các dự án vào sử dụng đúng thời gian để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến các hợp đồng quốc tế đã ký, dễ gây phát sinh khiếu nại và các khoản tiền phạt, lãi do chậm thanh toán.

Còn việc giải ngân chậm nguồn vốn từ ngân sách TP Hồ Chí Minh được các địa phương lý giải là do liên quan vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) chưa phê duyệt đơn giá.

Tại cuộc họp về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong bảy tháng đầu năm tại thành phố mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này; sở, ngành, quận, huyện nào để việc giải ngân diễn ra chậm trễ thì lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. Đơn vị, địa phương nào không giải ngân được thì người đứng đầu phải trực tiếp làm báo cáo giải trình với UBND thành phố. Nếu muốn điều chỉnh vốn thì lãnh đạo cũng phải có biên bản giải trình. Quan điểm của thành phố là không phải sử dụng hết vốn mà còn phải sử dụng có hiệu quả vì vốn ngân sách là tiền thuế của dân, sử dụng hiệu quả là có trách nhiệm với người dân…

HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nguồn vốn 171.895 tỷ đồng, dành cho các công trình hạ tầng cấp bách. Thành phố tiếp tục xem hợp tác đối tác công - tư (PPP) là kênh huy động vốn cơ bản và sẽ áp dụng các giải pháp đột phá để huy động nguồn vốn xã hội. Trong tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn nói trên, nguồn vốn ngân sách T.Ư là khoảng 21.895 tỷ đồng (chưa bao gồm 10% dự phòng), vốn ngân sách thành phố là 150.000 tỷ đồng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33583102-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html