Đẩy nhanh tiến độ đền bù sự cố môi trường biển

Thời gian vừa qua, các địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã tiến hành chi trả tiền đền bù đợt 1 cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Song, ngoài việc tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong công tác bồi thường, thì các địa phương cần quan tâm việc hướng dẫn người dân sử dụng khoản tiền này có hiệu quả để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống và tạo sinh kế lâu dài.

Dùng tiền đền bù đầu tư tái sản xuất

Bắt đầu từ ngày 21-10, các địa phương Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã tiến hành chi trả tiền đền bù đợt 1 cho người dân.

Tại Hội trường UBND xã Thịnh Lộc (Lộc Hà), địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh thực hiện công tác chi trả tiền bồi thường theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chị Trương Thị Hương, thôn 5 Quang Trung, xã Thịnh Lộc chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi làm nghề đi lưới nên đợt này được hỗ trợ 99,7 triệu đồng. Nhận tiền xong tôi gửi vào ngân hàng, sau đó sẽ rút một phần mua sắm ngư cụ bám biển, số còn lại để dành cho các con ăn học. Lâu nay biển gặp sự cố, đời sống gia đình khá vất vả. Nay nhận được số tiền bồi thường tôi rất phấn khởi”. Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn cho biết: Địa phương tiến hành chi trả đúng, đủ và bố trí cán bộ ngân hàng nhận tiền gửi hoặc làm sổ tiết kiệm cho dân, nhằm giúp dân cất giữ tiền an toàn cũng như có kế hoạch chi tiêu hợp lý.

Vào đến Quảng Bình, nhiều địa phương như các huyện Ba Đồn, Đồng Hới, Lệ Thủy, Quảng Trạch… cũng bắt đầu tiến hành chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho người dân. Thậm chí, một số nơi như xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, công việc này đã được đẩy nhanh hơn so với kế hoạch. Trước khi tiến hành chi trả, các địa phương đều được yêu cầu niêm yết danh sách để bảo đảm đúng mức, đúng đối tượng. Đồng thời, các tổ chi trả, tổ giám sát, giải đáp thắc mắc cũng được thành lập giúp việc chi trả được nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch…

Anh Ngô Gia Nghĩa ở thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đang ngồi chờ đến lượt nhận tiền cho biết, lần này anh được nhận gần 18 triệu đồng và đã lập ngay tài khoản “cất dành” trong ngân hàng để học lái xe. “Theo tôi, cái cần nhất chính là sự công bằng, minh bạch mới tạo được niềm tin trong bà con”- anh Nghĩa nhấn mạnh.

Ngày 20-11, xã Triệu Lăng là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị triển khai chi trả tiền đền bù. Tính tới thời điểm hiện nay, ngoài Vĩnh Linh, các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh của tỉnh Quảng Trị cũng đã gần hoàn tất việc chi trả bồi thường trong đợt 1. Số tiền UBND tỉnh Quảng Trị đã tạm cấp hơn 202 tỷ đồng bồi thường cho chủ tàu cùng người lao động trên tàu và hơn 900 triệu đồng cho người nuôi trồng thủy sản…

Trước đó chiều 21-10, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh đầu tiên chi trả tiền bồi thường cho ngư dân ba xã (Lộc Điền, Vinh Hưng và Vinh Giang thuộc huyện Phú Lộc). Các địa phương sẽ chi trả theo số liệu kê khai đối với bảy nhóm đối tượng chịu thiệt hại đã được tỉnh phê duyệt.

Cùng với công tác chi trả, các địa phương đều đang tập trung tuyên truyền vận động bà con ngư dân sử dụng khoản tiền bồi thường đầu tư chuyển đổi sản xuất, ngành nghề, tạo công ăn việc làm, hạn chế việc sau khi nhận tiền lại dùng để mua sắm các tài sản không cần thiết... Một số huyện, ngư dân góp vốn để đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua ngư lưới cụ hay phát triển trồng trọt, chăn nuôi, các nghề khác để có thu nhập lâu dài... Ở một số nơi, bà con gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi, khi chưa tìm được phương án sản xuất ổn định cuộc sống lâu dài.

Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc

Qua khảo sát công tác triển khai thực hiện việc bồi thường, có tình trạng những lao động đơn giản, tham gia thương mại dịch vụ… trong vùng ảnh hưởng môi trường đang gặp khó khăn trong đền bù bởi chưa có quy định, hướng dẫn rõ ràng về điểm này. Chẳng hạn như thiếu quy định đối với số lao động tham gia cùng với gia đình đi biển bắt hải sản không thường xuyên là học sinh chưa đủ 15 tuổi; lao động phụ giúp lao động chính đi biển, như việc đan, vá lưới, đâm chà chế biến thủy sản...

Một bất cập nữa, thuyền lắp máy trên 90 CV lại có mức hỗ trợ thấp hơn thuyền lắp máy dưới 90 CV cũng như chưa có phân định cụ thể mức được hưởng đối với chủ thuyền và người lao động. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) Lê Văn Trọng: Cần phân ra nhiều mức đền bù đối với thuyền máy dưới 20 CV. Mặt khác, cần có các mức giá bồi thường khác nhau đối với thuyền không lắp máy; hay thuyền hoạt động ngoài biển có mức đầu tư lớn hơn thuyền trong cửa sông nên cũng phải có mức bồi thường khác nhau...

Qua ghi nhận của phóng viên, một số cơ sở, doanh nghiệp ở Quảng Trị bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, nhưng không thuộc đối tượng được đền bù... Hay ở Quảng Bình, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh chủ yếu đóng tại các cảng cá, bến cá là địa bàn nằm trên vùng cửa sông không tiếp giáp biển, nhưng “đặc thù” này chưa được đề cập trong Quyết định 1880/QĐ-TTg; hoặc nhiều đối tượng như hộ nuôi cá lóc, cá trê trên ao cát ven biển, cơ sở cung cấp nhiên liệu cho tàu cá, tàu dịch vụ thu mua hải sản, cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ… vẫn chưa được bổ sung vào danh mục đối tượng được bồi thường. Chính vì thế, các địa phương tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ cho các lao động đề nghị đưa vào diện đền bù.

Đối với vấn đề giải quyết tiêu hủy hải sản khai thác không an toàn lưu giữ tại các kho đông lạnh, do người dân vẫn chưa thống nhất với mức hỗ trợ 70% nên các cơ quan chức năng không tiêu hủy được…

Để thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về hoàn thành việc chi trả đền bù trong năm 2016, các địa phương kiến nghị, Chính phủ nên cho phép bổ sung một số đối tượng bị ảnh hưởng nhưng chưa kịp kê khai do thời gian triển khai gấp rút; có phương án hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh, chế biến không tổ chức hoạt động sản xuất trong thời gian qua. Đặc biệt, cần tiếp tục quan trắc, giám sát môi trường biển để thường xuyên thông báo cho ngư dân yên tâm khai thác và nuôi trồng thủy sản; ban hành các chính sách như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, mở rộng đối tượng hỗ trợ theo chính sách đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/31370802-day-nhanh-tien-do-den-bu-su-co-moi-truong-bien.html