Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật trong CNLĐ khu vực ngoài nhà nước

Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Ngô Văn Tuyến mới đây vừa ký ban hành Kế hoạch số 43/KH-LĐLĐ về tiếp tục thực hiện tiểu đề án 03 Đề án 31 về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật có liên quan cho người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2017-2021.

Theo đó, LĐLĐ Thành phố chỉ rõ 4 nhóm nội dung tuyên truyền. Trước hết, các cấp công đoàn cần tập trung tuyên truyền về Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2012, Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012, Luật BHXH, BHYT … và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của thành phố Hà Nội, những quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến người lao động.

LĐLĐ huyện Gia Lâm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho CNLĐ Công ty TNHH sản xuất thương mại sản phẩm da Ladoda (Ảnh P.Diệp)

LĐLĐ huyện Gia Lâm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho CNLĐ Công ty TNHH sản xuất thương mại sản phẩm da Ladoda (Ảnh P.Diệp)

Tiếp theo, các cấp công đoàn cần tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật mới được Quốc Hội khóa XIII thông qua, có liên quan trực tiếp đến người lao động như Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn vệ sinh Lao động, Luật An toàn vệ sinh Thực phẩm, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Cùng đó, các cấp công đoàn cần tuyên truyền sâu rộng Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật Thủ đô và các văn bản cụ thể hóa Luật Thủ đô; Pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội đồng thời tiếp tục tuyên truyền phổ biến, giới thiệu các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế liên quan đến doanh nghiệp, CNVCLĐ, chú trọng các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu, pháp luật về cộng đồng ASEAN;

Về hình thức tuyên truyền, LĐLĐ Thành phố hướng dẫn, các cấp công đoàn Thủ đô có thể đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật có liên quan cho người lao động và các CĐCS thông qua các hội nghị hội thảo, lớp tập huấn; tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, loa truyền thanh, bảng tin, cấp phát tài liệu, thông qua hội nghị tọa đàm, hội thảo, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền miệng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; Hội thi tìm hiểu, thi trắc nghiệm, thi viết hoặc sân khấu hóa, …

Các cấp công đoàn cũng có thể tổ chức các điểm tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật tại các khu công nghiệp, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, tại các doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng các tủ sách pháp luật tại các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, tổ tự quản khu nhà trọ công nhân đồng thời tiếp tục đầu tư trang bị, cập nhật thêm các đầu sách pháp luật mới: Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012, Luật BHXH, BHYT, BHTN,…. để nâng cao chất lượng hệ thống tủ sách pháp luật từ CĐCS đến LĐLĐ quận, huyện, Công đoàn ngành và Công đoàn cấp trên cơ sở.

Cùng đó, các cấp công đoàn cần phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền, các ngành, các cấp kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật, xử lý các vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Phối hợp với Sở Văn hóa thể thao Hà Nội, Ban An toàn giao thông Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội đưa các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền an toàn giao thông, văn hóa giao thông và tuyên truyền pháp luật đến người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hướng đến phục vụ người lao động và doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cấp công đoàn cần tổ chức các Hội thi tìm hiểu pháp luật, Hội diễn, Hội thi sân khấu hóa, Hội thi ứng dụng công nghệ thông tin gắn với các nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia.

LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh, việc phổ biến giáo dục pháp luật phải được tổ chức thiết thực, hiệu quả, đổi mới, lấy người lao động làm trung tâm, được triển khai tới đông đảo CNVCLĐ và các CĐCS tại các doanh nghiệp dân doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kết hợp với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua đó, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ đoàn viên, người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ trong các doanh nghiệp.

LĐLĐ Thành phố cũng yêu cầu, LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, CĐ cấp trên cơ sở và CĐCS trực thuộc căn cứ kế hoạch của LĐLĐ Thành phố và tình hình thực tiễn CNVCLĐ trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật có liên quan cho người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2017-2021, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ về LĐLĐ Thành phố trước ngày 30/11 (qua Ban Tuyên giáo).

Ngọc Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-manh-tuyen-truyen-giao-duc-phap-luat-trong-cnld-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-58283.html