Đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”

QĐND Online- Trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Ngành Hậu cần Quân đội đã luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, dìu dắt. Những lời dạy, lời chỉ bảo nghĩa tình của Người đã trở thành chân lý, quan điểm phục vụ của toàn ngành, đồng thời là mục tiêu, phương hướng, thước đo hiệu quả hoạt động của ngành trong suốt 60 năm qua. Với tấm lòng tự hào về truyền thống, đặc biệt với lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng ngày 25-6,báo Nhân Dân, Tổng cục Hậu cần tổ chức cuộc tọa đàm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngành Hậu cần, Bộ đội Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy”. Các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân; Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Phú, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Thuận Hữu, Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân; Thiếu tướng Trần Thanh Hải, Phó Chính ủy TCHC chủ trì. Tham dự cuộc tọa đàm còn có lãnh đạo, chỉ huy ngành hậu cần các đơn vị trong toàn quân.

Các tham luận phát biểu tại cuộc tọa đàm đã nêu bật ý nghĩa, khẳng định sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bảo đảm hậu cần. Trong thư gửi lớp cán bộ cung cấp (tháng 6-1951) Người viết : “Công việc cung cấp cũng quan trọng như công việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận. Cung cấp có đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội, thì bộ đội mới đánh thắng trận”. Lời dạy của Người là kim chỉ nam cho mọi hành động của cán bộ , chiến sỹ toàn ngành, “Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng tới chiến sĩ. Đó là bổn phận của các chú”. Bác cũng căn dặn đạo đức của người cán bộ cung cấp “Cán bộ cung cấp phải cần, kiệm, liêm chính”…Khi nói về tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn phục vụ bộ đội, Bác đã chỉ ra “ Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt, chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân”, “cần kiệm xây dựng Quân đội phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để tự cải thiện mức sống của mình và giảm nhẹ sự đóng góp của đồng bào”… Những lời dạy đó mãi được cán bộ, chiến sĩ quân đội nói chung, ngành hậu cần nói riêng khắc ghi, làm theo. Để đảm bảo hậu cần phục vụ huấn luyện, SSCĐ, xây dựng quân đội, năm 1995, TCHC đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Bằng hành động thực tiễn, phong trào thi đua đã đưa được những giá trị tư tưởng, lời dạy của Bác đối với Ngành Hậu cần vào cuộc sống. Phong trào thi đua là sự kế thừa, phát triển phương thức hoạt động theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã thúc đẩy, khích lệ toàn ngành thực hiện theo đúng lời dạy của Bác. Phong trào trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy công tác hậu cần phát triển, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và làm phong phú, sâu sắc thêm phong trào thi đua Quyết thắng của Quân đội ta. Công tác hậu cần bao gồm nhiều chuyên ngành, mỗi chuyên ngành đều có phong trào riêng như “Xây dựng đơn vị Quân y 5 tốt” của ngành Quân y, “Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” của ngành Quân nhu, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” của ngành Vận tải, “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh-sạch-đẹp” của ngành Doanh trại… Phong trào càng được tiếp thêm động lực mới khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Với Ngành Hậu cần Quân đội, việc “làm theo” Bác đã xuất hiện thêm nhiều điển hình tập thể, cá nhân, làm tỏa sáng hơn hình ảnh người chiến sĩ hậu cần trong tình hình mới. Báo QĐND Online xin lược ghi lại một số hình ảnh, ý kiến phát biểu trong buổi tọa đàm và xin giới thiệu với bạn đọc. Đại tá Nguyễn Đình Xơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4: Phong trào thi đua tập trung giáo dục, khắc ghi lời Bác dạy, cụ thể hóa các tiêu chí về đạo đức, dễ nhớ, dễ làm, giúp chúng tôi tập trung phát huy nội lực, xây dựng mô hình hậu cần đảm bảo cho các nhiệm vụ và không ngừng nâng cao đời sống bộ đội. Trong điều kiện giá cả lương thực, thực phẩm ngày càng tăng, phong trào thi đua đã hướng vào động viên bộ đội đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi. Các đơn vị đã ngăn suối cạn để đào ao thả cá, cải tạo đất cằn thành khu TGSX liên hoàn. Thực hiện các mục tiêu 3 xanh (xanh vườn, xanh dàn, xanh trong kho), 3 cơ bản (vườn cơ bản, chuồng cơ bản, dàn cơ bản) và nay phát triển thêm ao cơ bản. Hàng năm Quân khu 4 thu trên 1000 tấn thịt lợn, bảo đảm 80% nhu cầu thịt, gần 900 tấn cá, 500 tấn đậu phụ, chế biến 222.000 lít nước mắm…đời sống của bộ đội không những được giữ vững mà ngày càng được cải thiện… Đại tá Nguyễn Văn Vương, Chính ủy Cục Quân y: Bước “làm theo” Bác của các đơn vị quân y rất hiệu quả và thiết thực. Cán bộ, chiến sĩ quân y đăng kí nội dung phấn đấu theo từng chuyên đề phù hợp chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm phát huy những mặt mạnh, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm. Điển hình như các phong trào “Sáng y đức, vững y thuật, giàu nhân văn”, “Thầy thuốc giỏi, niềm vui người bệnh”, “Y đức tỏa sáng, bệnh viện trưởng thành”, hoặc phong trào “Ba không, ba nên”… đã có tác dụng tích cực nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, vì thế uy tín của các thầy thuốc quân đội luôn được củng cố, được nhân dân tin yêu, mến phục… Đại tá Nguyễn Văn Cường, Chính ủy Cục Vận tải: Bác đã căn dặn bộ đội Vận tải phải “Yêu xe như con, quý xăng như máu”. Thực tế thì người làm công tác vận tải quân sự phải yêu quý, bảo vệ phương tiện của mình bằng tình cảm đặc biệt như với đứa con của mình. Tình cảm, tình yêu đó là phẩm chất đạo đức trong sáng, là ý thức trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ. Chúng tôi đã đẩy mạnh phong trào “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm, chấp hành nghiêm quy định về khai thác, sử dụng phương tiện, phát huy nội lực, bảo quản, bảo dưỡng tốt, góp phần chăm sóc ô tô, xe máy, tàu thuyền kéo dài tuổi thọ trang bị. … Đại tá Nguyễn Huy Đính, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Binh đoàn Cửu Long: Nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác: “Lương thực, vũ khí là mồ hôi , nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội, vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm và sử dụng hợp lý”. Ngành Hậu cần Quân đoàn đã tập trung giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Hậu cần phát huy tốt tinh thần, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, an toàn tiết kiệm. Ngành quân nhu từ sản xuất chế biến lương thực lãi thu được 7 tỷ đồng; tăng gia sản xuất lãi thu được 16,2 tỷ đồng, tiết kiệm chất đốt 1,4 tỷ đồng. Ngành Doanh trại không để thâm lỗ, lãng phí thất thoát xảy ra, tiết kiệm được 5,9 tỷ đồng. Ngành xăng dầu đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong bảo quản, cấp phát, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kho trạm, thiết bị cấp phát hạ được tỷ lệ hao hụt, trong 5 năm qua tiết kiệm trong sử dụng hạn mức được hơn 637 triệu đồng. Ngành vận tải binh đoàn đã nghiên cứu chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện tốt quy trình bảo dưỡng, chăm sóc xe phanh dầu, nổ máy hàng tuần, cơ động hàng tháng(15 đến 25km) đối với xe làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu(A2) từ tháng 10-2004 đến nay tình trạng bó phanh, lộn cúp pen… được khắc phục triệt để, hỏng hóc, pan bệnh dọc đường hành quân vận chuyển giảm đáng kể, góp phần nâng cao hệ số kỹ thuật k=1. Đại tá Nguyễn Bá Minh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Kho H05, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần: Bất cứ ai đã từng công tác tại Kho H05, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần đều vinh dự, tự hào, khắc cốt ghi tâm về kỷ niệm sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành cho đơn vị. Đó là vào ngày 8-1-1959, thời tiết rét đậm xen lẫn mưa phùn, Bác Hồ đến thăm Kho H05. Hình ảnh của một vị Chủ tịch nước hết sức giản dị với bộ quần áo kaki bạc màu, chân đi dép cao su, đôi mắt sáng, vầng trán rộng, khỏe mạnh, nhanh nhẹn đi về hướng nhà ăn, nhà bếp của đơn vị. Đến khu chế biến thức ăn, Bác hỏi: “Trời rét thế này, các cô các chú là thế nào để bộ đội được ăn nóng”. Đồng chí Chủ nhiệm kho thay mặt bộ phận nuôi quân đáp: “Thưa Bác, chúng cháu ủ cơm trong nồi, để trên bếp, trước giờ bộ đội ăn 10 phút mới chia cơm ạ”, Bác gật đầu đồng ý. Tiếp đó, Bác đến Kho quân trang số 7, Bác quan sát toàn bộ nhà kho và quay về phía đồng chí Phan Nhượng, chủ nhiệm kho, Bác hỏi: “Hàng hóa các chú kê xếp ngay ngắn thế này là được nhưng có bị mất không?”. Đồng chí chủ nhiệm kho lễ phép đáp: “Thưa Bác, không mất được đâu ạ”. Bác ân cần dạy bảo: “Tài sản trong kho rất lớn. Đó là tài sản của nhân dân đóng góp, các cô, các chú phải giữ gìn cho tốt, phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, để mất mát hàng hóa là có tội với nhân dân, với bộ đội. Vâng lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Kho H05 đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng của từng mặt hàng, bảo đảm hàng nhập kho phải số lượng đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và cỡ số. Trong quá trình bảo quản tại kho phải nắm tính chất lý, hóa và sự tác động của môi trường đối với từng mặt hàng. Quyết tâm không để hàng hóa xuống cấp, hư hỏng, mất mát do thiếu tinh thần trách nhiệm của thủ kho, bảo quản viên... Anh Thu (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/4/37/37/116275/Default.aspx