Đẩy mạnh mô hình bác sĩ gia đình để bệnh viện hoạt động đúng chức năng

Ngày 18-11, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị khoa học Kinh tế y tế lần thứ V và Hội nghị Quốc tế bác sĩ (BS) gia đình lần I”. Hội nghị do Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp tổ chức.

Bác sĩ gia đình khám bệnh cho bệnh nhi tại nhà

Hội nghị thu hút hơn 200 chuyên gia từ các bệnh viện ở Việt Nam và nước ngoài tham dự và thảo luận về vấn đề xây dựng mô hình bác sĩ gia đình trong kinh tế, y tế và giảm quá tải bệnh viện. Phát biểu tại hội nghị GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện 20 trong tổng số 23 bệnh viện quận, huyện thuộc TP Hồ Chí Minh đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình. Có191/319 trạm y tế phường, xã cũng có phòng khám bác sĩ gia đình.

Ngoài ra, hệ thống y tế tư nhân cũng đã mở dịch vụ bác sĩ gia đình, trong đó có 6 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và 7 phòng khám bác sĩ gia đình trong bệnh viện tư nhân. sau 2 năm triển khai thí điểm, các phòng khám bác sĩ gia đình tại TP Hồ Chí Minh đã khám và điều trị cho hơn 600.000 bệnh nhân, cấp cứu 922 người, áp dụng thủ thuật 5.845 trường hợp. Mặc dù các số liệu trên tuy còn khiêm tốn, nhưng đây cũng là sự cố gắng của mô hình thí điểm tại TP Hồ Chí Minh. Tình trạng người dân bị bệnh nhẹ như sổ mũi, nhức đầu cũng đến thăm khám tại các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện trầm trọng. Trong khi đó, hệ thống bác sĩ gia đình được triển khai 2 năm nay, nhưng con số khám bệnh cho người dân còn quá khiêm tốn.

Chia sẻ tại Hội nghị, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện TP Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “TP Hồ Chí Minh hiện đang phải đối mặt với nhiều duy cơ dịch bệnh mới nổi, mới đây nhất là dịch bệnh do vi rút Zika đang bùng phát. Bên cạnh đó các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trở lại, và các bệnh không lây ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề này đặt ra cho hệ thống y tế TP Hồ Chí Minh hiện đang quá tải nặng nề. Do đó, khi triển khai hệ thống bác sĩ gia đình sẽ giúp giảm thiểu tình trạng quá tải bệnh viện, người dân được chăm sóc tốt hơn. Từ đó, bệnh viện được trả về đúng vị trí vai trò chức năng, không còn tiếp nhận bệnh nhân đến viện chỉ để điều trị nhức đầu, sổ mũi”.

PGS TS BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận. Các nước tiên tiến thì bác sĩ gia đình có thể xử lý 90% bệnh tật.

Dự kiến, trong thời gian tới TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình bác sĩ gia đình trong cộng đồng, nhằm giúp đỡ người dân được chăm sóc sức khỏe tốt, giảm quá tải ở bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là một phần quan trọng trong việc xây dựng TP Hồ Chí Minh – văn minh- hiện đại, trở thành một thành phố có chất lượng sống tốt.

Tuệ Diễm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/855428/day-manh-mo-hinh-bac-si-gia-dinh-de-benh-vien-hoat-dong-dung-chuc-nang