Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN trong giai đoạn mới

Những thành tựu to lớn của khoa học và công nghệ (KH&CN) đã thúc đẩy nhanh chóng tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế trên qui mô toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa đang chi phối mạnh mẽ và trở thành động lực thúc đẩy sự hội nhập của các nước vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực, trong đó hội nhập quốc tế về KH&CN đang trở thành xu thế tất yếu. Hầu hết các quốc gia đều tăng cường hợp tác, hội nhập nhằm phát huy tiềm năng, nội lực, khai thác các lợi thế, thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới để phát triển.

KH&CN Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng

Trong những năm qua, hợp tác về KH&CN của Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, có thể tổng kết trong 6 nội dung sau:

Thứ nhất: Việt Nam đã ký kết các văn bản pháp lý về hợp tác KH&CN với khoảng 80 nước, vùng lãnh thổ trong đó có nhiều hiệp định hợp tác về KH&CN và các thỏa thuận quan trọng với các nước/vùng lãnh thổ như: Australia, Hàn Quốc, Đức, Bỉ Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Ấn Độ,… Việc ký kết các hiệp định hợp tác cấp chính phủ giữa Việt Nam và các đối tác tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác giữa các đối tác của Việt Nam với các bên có liên quan. Đây cũng là minh chứng quan trọng cho việc phát triển về chiều sâu của việc hợp tác về KH&CN.

Thứ hai: Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia các cuộc họp thường kỳ, giữa kỳ của các Ủy ban Liên chính phủ, Ủy ban/Tiểu ban hợp tác KH&CN với các nước như Ấn Độ, CHLB Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Bỉ, Hungary, Nga, Italy, Hoa Kỳ, Đài Loan, An-giê-ri, Ăng-gô-la, Công gô, Vê-nê-xu-ê-la, Cuba, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Lào và các tổ chức như ASEAN, APEC, IAEA,… Thông qua các phiên họp này, các bên đã kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai các thỏa thuận đã ký và trao đổi ký kết các nội dung tiếp tục hợp tác mới.

PGS.TS. Mai Hà

Thứ ba: Tổ chức thành công đón các đoàn cấp cao của các nước về KH&CN và tham gia bố trí cho các nhà khoa học, các nhà quản lý của Việt Nam đi đào tạo, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở các nước. Giai đoạn 2006 – 2014, Bộ KH&CN đã chủ trì tổ chức đón và bố trí chương trình làm việc cho hàng trăm đoàn KH&CN của các nước vào làm việc tại Việt Nam, trong đó có nhiều đoàn cấp cao về KH&CN.

Thứ tư: Triển khai có kết quả việc xây dựng kế hoạch và quản lý các nhiệm vụ HTQT về KH&CN theo Nghị định thư. Trong giai đoạn 2010 – 2014, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp tốt với các đơn vị liên quan đề xuất, hoàn tất các thủ tục đưa vào kế hoạch thực hiện gần 200 nhiệm vụ HTQT về KH&CN theo nghị định thư (NĐT). Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ HTQT theo NĐT, nhiều giải pháp KH&CN mang tính đột phá từ những cường quốc KH&CN như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Úc,… đã được chuyển giao về Việt Nam, nhiều tri thức mới về KH&CN đã được các nhà khoa học Việt Nam tiếp thu, ứng dụng và từng bước làm chủ được một số công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu trong nước phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng và an ninh.

Việc triển khai các NĐT cũng đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiên cứu và quản lý của đội ngũ cán bộ KH&CN trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, góp phần nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất cho một số cơ sở nghiên cứu – triển khai trong nước. Đồng thời, việc triển khai các nhiệm vụ HTQT theo NĐT đã góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN.

Thứ năm: Tổ chức thành công và hiệu quả các hội nghị, hội thảo quốc tế về KH&CN. Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế lớn như: Hội nghị tổng kết 35 năm Chương trình Việt Nam – Thụy Điển (1977- 2012), Hội nghị thường kỳ KH&CN APEC, Hội thảo APEC về nghiên cứu và đổi mới, Hội nghị về Đổi mới (với Hoa Kỳ), Hội nghị “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước – từ tiềm năng đến hiện thực”,… các khóa họp của Ủy ban KH&CN ASEAN (ASEAN COST), Hội thảo khoa học “Tăng cường HTQT về KH&CN giữa Việt Nam và Lào”, Hội nghị quốc tế lần 6 về Khoa học vật liệu tiền tiến và công nghệ Nano, Hội nghị thứ 10 của Hội Công nghệ sinh học sinh sản châu Á với sự tham gia của 200 khách đến từ 14 nước,…

Thứ sáu: Tổ chức tốt mạng lưới các bộ phận KH&CN ở nước ngoài.

Bộ KH&CN tổ chức có hiệu quả và thường xuyên liên hệ với các đại diện KH&CN tại 19 địa bàn ở 13 quốc gia; đồng thời thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các Đại sứ quán Việt Nam ở những nước chưa có đại diện về KH&CN. Các đại diện KH&CN ở nước ngoài về cơ bản đã thực hiện tốt chế độ báo cáo, đã tích cực và chủ động hơn trong việc thu thập, tổng hợp và đánh giá tình hình KH&CN của các nước sở tại, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ công tác quản lý Nhà nước về KH&CN.

Cơ hội và thách thức cho KH&CN Việt Nam

KH&CN Việt Nam đang trong thời phát triển mạnh mẽ tạo ra những cơ hội tiếp cận nhanh với những tiến bộ KH&CN của thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao, mua bán công nghệ, rút ngắn khoảng cách về KH&CN với các nước trong khu vực và quốc tế. Thông qua hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ có điều kiện tranh thủ khai thác các nguồn lực từ nước ngoài như: tài chính, thông tin, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất lỹ thuật KH&CN,…) để phát triển tiềm lực khoa học và đổi mới công nghệ trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tiếp cận đa dạng tới các hình thức đào tạo tiên tiến để phát triển đội ngũ các nhà khoa học và cán bộ quản lý KH&CN.

Tuy nhiên, quá trình hợp tác và hội nhập KH&CN quốc tế cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với KH&CN Việt Nam. Tính hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam còn rất hạn chế, thể chế kinh tế thị trường đang được hình thành nhưng thiếu bài bản. Điều này dẫn đến việc vai trò của KH&CN được nhìn nhận khá hình thức, do vậy phải mất nhiều năm để phát triển kinh tế – xã hội cần đến KH&CN như điều kiện sống còn để phát triển. Số liệu thống kê phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển KH&CN nói riêng còn bất cập so với yêu cầu khách quan của quản lý, chính sách tài chính cho phát triển KH&CN là chưa phù hợp với điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế.

Cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ về KH&CN chưa đáp ứng các yêu cầu cho các hoạt động KH&CN quốc tế cũng là thách thức gây cản trở cho quá trình hội nhập và phát triển KH&CN Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta còn thiếu môi trường của hệ thống quốc gia về đổi mới và vấn đề nan giải nhất là thiếu cơ sở cơ bản và vững chắc cho môi trường cạnh tranh lành mạnh, bất cập về quản lý kinh tế vĩ mô. Thiếu cạnh tranh lành mạnh, KH&CN bị mất đi động lực phát triển.

Để tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN cần huy động mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính là yếu tố cần thiết hàng đầu. Muốn huy động nguồn tài chính, cần chứng minh tính hiệu quả. Muốn có hiệu quả trong mọi hoạt động kinh tế – xã hội, cần nhất có 2 thứ: thứ nhất là giá trị thực của các quan hệ kinh tế và thứ hai là phương thức đánh giá phải chuẩn. Cả hai yếu tố này chỉ có thể có trong nền kinh tế thị trường lành mạnh.

Thực tế cho thấy, quốc gia nào có nền kinh tế thị trường lành mạnh, thì ở đó kinh phí chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) từ khu vực tư nhân chiếm khoảng gấp 2 lần nguồn kinh phí từ khu vực nhà nước. Ở đâu thiếu vắng cơ chế thị trường lành mạnh, ở đó chi cho R&D chủ yếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà thôi.

Trong tình hình hiện nay, muốn có hiệu quả và muốn thu hút kinh phí từ các nguồn lực xã hội, trước mắt cần phải ứng dụng cách tiếp cận theo hệ thống đổi mới quốc gia, còn về lâu dài, vẫn cần phải có cơ chế thị trường lành mạnh và bền vững. Một nền kinh tế thị trường lành mạnh, sẽ tạo ra các doanh nghiệp mạnh; chính các doanh nghiệp mạnh là nguồn lực đổi mới công nghệ và sẽ là nguồn cung cấp kinh phí cho R&D. Có như vậy, KH&CN mới có đất để phát huy hiệu quả nói chung cho phát triển kinh tế – xã hội.

PGS.TS. Mai Hà

(Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/day-manh-hop-tac-quoc-te-ve-khcn-trong-giai-doan-moi/