Ðẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí

Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta luôn được đẩy mạnh, gắn với việc 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', qua đó góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin và quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

BẠN ÐỌC KIẾN NGHỊ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

Tuy vậy, tình trạng tham nhũng, lãng phí ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp, đã và đang tác động tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Một số vụ án tham nhũng chậm xử lý, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ chậm được khắc phục. Hiện tượng "chạy chức","chạy quyền", chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ; sự yếu kém trong quản lý, điều hành, dẫn đến các sai phạm, gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước. Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí thời gian, tiền của, như biểu hiện ăn tiêu xa xỉ, tổ chức liên hoan tiệc tùng linh đình, tốn kém; hoặc bệnh phô trương hình thức gây lãng phí tiền bạc, không đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội. Ðó là chưa kể đến những lãng phí từ "quy hoạch treo" đất đai, việc đầu tư nhiều công trình hạ tầng nhưng không sử dụng, trong khi đó ở nhiều nơi người dân thiếu đất sản xuất, trẻ em thiếu trường lớp để học, thiếu nơi để vui chơi giải trí...

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào cuộc sống từ năm 2005, nhưng xem ra những đối tượng bị xử lý vì hành vi lãng phí vẫn rất ít, chủ yếu chỉ là xử lý trách nhiệm hành chính. Thực tế đó đặt ra vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được thực hiện quyết liệt hơn. Ðã đến lúc phải coi lãng phí như một thứ tệ nạn xã hội, một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, đã và đang gây ra những hệ lụy không thể đo đếm cho sự phát triển của đất nước. Ðể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân và cán bộ, đảng viên cần xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên. Từ việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa, lãng phí. Các hoạt động tổ chức lễ, Tết bảo đảm thiết thực, hướng về cơ sở; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

MINH QUANG (Hà Nội)

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/bandoc/duong-day-nong/item/20178802-.html