Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe sinh sản nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Ở bất cứ thời đại nào, dù khoa học kỹ thuật có phát triển đến mấy thì con người vẫn là tài nguyên quý giá nhất.

TS Nguyễn Bá Thủy (Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế - Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam)

Bởi vậy, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản luôn đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, mặc dù các dịch vụ y tế ngày càng nâng cao nhưng đi kèm đó là sự "nở rộ" của các loại văn hóa phẩm, mối quan hệ rộng mở, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được "trẻ hóa"… Vấn đề chăm sóc SKSS vì thế cũng không thể lơi là.

Vấn đề cấp thiết thời hiện đại

Cuộc sống hiện đại, con người được chăm sóc tốt hơn, từ cơm ăn áo mặc đến các dịch vụ xã hội. Đặc biệt là vấn đề sức khỏe. Các trung tâm y tế, phòng khám, bệnh viện... với trang thiết bị tiên tiến luôn mở cửa, các loại thuốc men cũng không còn khan hiếm như xưa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là căn bệnh vô sinh hiếm muộn ở nước ta lại đang có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ nạo phá thai đứng hàng đầu trên thế giới, con số bệnh nhân mắc bệnh lây lan qua đường tình dục phải vào viện mỗi ngày cũng không khỏi nhức nhối. Bởi vậy, việc chăm sóc SKSS ở giai đoạn này vẫn cần thiết hơn bao giờ hết và cần nhiều sự đầu tư, quan tâm từ các cấp, ngành cũng như nâng cao ý thức từ mỗi người dân.

Thống kê mới nhất cho thấy, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai đang ở mức khá cao. Đặc biệt là nạo phá thai ở tuổi vị thành niên. Theo thống kê trong những năm gần đây của Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu đến 1,6 triệu ca nạo phá thai; trong đó 20% là ở lứa tuổi vị thành niên và khoảng 15% đến 20% số ca nạo phá thai là của thanh niên chưa lập gia đình, số thanh niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân tăng.

Ước tính bình quân mỗi phụ nữ Việt Nam phải trải qua việc phá thai 2,5 lần trong đời và cứ 4 ca thì có 1 ca là phá thai không an toàn, chiếm 13% nguyên nhân tử vong mẹ. Tại 2 bệnh viện phụ sản lớn nhất phía Nam là Từ Dũ và Hùng Vương, số phụ nữ đến nạo phá thai những năm qua gần như không giảm. Năm 2015, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận hơn 28.000 ca phá thai. Trong 6 tháng đầu năm 2016, trung bình mỗi tháng có gần 2.400 ca đến bỏ thai, ở Bệnh viện Hùng Vương là 1.200 ca. Phá thai sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe cũng như tâm lý, dẫn đến tình trạng vô sinh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi nạo phá thai như nhiễm trùng, băng huyết, sót nhau, sót thai, rong kinh, sẹo ở tử cung, thủng tử cung, chửa ngoài dạ con, sẩy thai hoặc đẻ non, vô sinh, ám ảnh về tâm lý…

Vô sinh và hiếm muộn cũng là thách thức lớn với ngành y tế nước nhà. Nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành năm 2015 trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái ở nước ta cho thấy, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%, nghĩa là có từ 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Đáng báo động có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30. Nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới thường do các bệnh lý như viêm nhiễm phụ khoa, các bệnh về vòi trứng, bệnh lý ở tử cung, rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng của việc dùng thuốc tránh thai, các loại thuốc giảm cân, thuốc kháng sinh… Về phía nam giới, người chồng có thể bị bất thường về chất và số lượng tinh trùng, thiếu hụt nội tiết, xuất tinh sớm hoặc ngược dòng, nghiện thuốc lá… Vô sinh hiếm muộn không chỉ ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống mà còn gây ra những trở ngại không nhỏ trong cuộc sống của các gia đình. Đó là sự căng thẳng, áp lực, lo lắng, buồn bã, tuyệt vọng... thậm chí dẫn đến tan vỡ.

Ngoài vô sinh hiếm muộn và nạn nạo phá thai thì các bệnh lây qua đường tình dục cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Hiện nay thường gặp nhất là 3 bệnh: Sùi mào gà, herpes sinh dục, nhiễm chlamydia. Ở Việt Nam, sùi mào gà gần như nhiều nhất, kế đến là lậu và chlamydia. Sùi mào gà do virus HPV gây nên có thể dẫn đến ung thư sinh dục chẳng hạn như ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Đặc biệt HIV và viêm gan B cũng là hai bệnh rất nguy hiểm cũng lây qua đường tình dục. được chẩn đoán tại cơ sở y tế công, sùi mào gà chiếm tỷ lệ cao nhất. Ước tính có khoảng 1-2 triệu người Việt mắc bệnh tình dục mỗi năm.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như việc giảm ý thức phòng chống bệnh trong cộng đồng, cá nhân lơ là trong quan hệ tình dục với bạn tình mới, sử dụng bao cao su không đúng cách, khám chữa ở các cơ sở không chuyên nên không đạt hiệu quả điều trị triệt để. Trước thực trạng như trên, ngành Y tế nói chung và dịch vụ chăm sóc SKSS nói riêng càng đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nâng cao chất lượng phòng khám

Trong 23 năm, Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam (KHHGĐ VN) đã luôn đồng hành cùng các cơ quan chính phủ trong việc thực hiện các chính sách, chiến lược và chương trình quốc gia về Dân số, SKSS/KHHGĐ. Mặc dù bối cảnh hiện tại có nhiều khó khăn về nguồn lực, song Hội cũng đạt được nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền vận động, đẩy mạnh tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của các cấp Hội trên cả nước. Hội luôn đi đầu trong việc khởi xướng, tham gia thực hiện các chương trình và là một Hội quốc gia thành viên đóng góp tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch chiến lược của Hội KHHGĐ Quốc tế IPPF) qua từng giai đoạn; đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ.

Hội KHHGĐ Việt Nam được xếp hạng trong top 10 các Hội thành viên có số lượng dịch vụ cao, thân thiện và chất lượng phục vụ cộng đồng đặc biệt đối tượng vị thành niên, thanh niên, các đối tượng thiệt thòi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc bao gồm cả các đối tượng di cư. Từ nhiệm kỳ 2009 đến nay, Hội đã nhận được tài trợ của Chính phủ Luxembourg thông qua Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNPPA) Chính phủ Hà Lan và một số tổ chức Quốc tế khác thông qua IPPF và kinh phí thường niên của IPPF. Qua đó đã hỗ trợ một số tỉnh trong việc cung cấp một số trang thiết bị và dụng cụ y tế thiết yếu, triển khai các mô hình hoạt động như: Góc thân thiện, Đội giáo dục viên đồng đẳng, các câu lạc bộ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống tại một số trường phổ thông trung học.

Hàng năm, Hội đã tiến hành hàng trăm chuyến lưu động đến vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, các xí nghiệp có nhiều người di cư tới làm việc, tới các cơ sở trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, trong năm 2016 Hội đã chỉ đạo cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho nhóm đối tượng khó khăn, khó tiếp cận tại 4 điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho vị thành niên tại: Làng trẻ SOS Hà nội và Hải Phòng; Trung tâm dạy nghề cho trẻ em khuyết tật tỉnh Nghệ An và trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái.

Ngoài ra Hội đã cử nhiều cán bộ đi đào tạo tại nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hoạt động của các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Tư vấn Truyền thông SKSS và PTCĐ, Trung tâm DV Đào tạo và Tiếp thị xã hôi, Báo Gia Đình Việt Nam; Phòng khám số 2 Lê Đức Thọ… từng bước khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong hệ thống tổ chức Hội, chủ động sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tạo được thương hiệu tốt, thu hút khách hàng, bạn đọc. 49 tỉnh, thành Hội trong cả nước cũng có nhiều hoạt động hiệu quả, nhiều tỉnh thành làm tốt công tác vận động nguồn lực để tạo nguồn thu cũng như nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền trong việc tạo nguồn ngân sách hoạt động.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ và được các cơ quan, tổ chức quốc tế đánh giá cao, nhưng hiện nay, công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ của Hội KHHGĐ Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là các hiện trạng nêu trên. Bởi vậy thời gian tới, Hội sẽ tập trung tăng cường hoạt động tích cực và hiệu quả hơn nữa. Cụ thể, kế hoạch chiến lược của Hội trong những năm tới là hướng đến các nhóm đặc thù là người nghèo, vị thành niên/thành niên, các địa bàn vùng khó khăn.Từng bước thí điểm và triển khai hỗ trợ nhóm đối tượng mới là đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển đổi giới tính (LGBT).

TS Nguyễn Bá Thủy (Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế - Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/day-manh-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-d106929.html