Đẩy lùi chủ nghĩa cơ hội về chính trị

Một trong những hình thức của chủ nghĩa cơ hội là cơ hội về chính trị. Những người cơ hội chính trị không có quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động, không kiên định nguyên tắc cơ bản trong đường lối của Đảng. Khi cách mạng thuận lợi thì tỏ ra "cấp tiến”, khi cách mạng gặp khó khăn thì thoái lui, thỏa hiệp. Những người này thường che giấu bộ mặt thật, vừa tỏ ra ủng hộ đường lối của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa với danh nghĩa đổi mới tư duy mà thực chất là sửa lại đường lối của Đảng.

Một trong những hình thức của chủ nghĩa cơ hội là cơ hội về chính trị. Những người cơ hội chính trị không có quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động, không kiên định nguyên tắc cơ bản trong đường lối của Đảng. Khi cách mạng thuận lợi thì tỏ ra "cấp tiến”, khi cách mạng gặp khó khăn thì thoái lui, thỏa hiệp. Những người này thường che giấu bộ mặt thật, vừa tỏ ra ủng hộ đường lối của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa với danh nghĩa đổi mới tư duy mà thực chất là sửa lại đường lối của Đảng.

Họ sẵn sàng dùng mọi cách để tăng phiếu ủng hộ trong các dịp bầu cử. Cơ hội chính trị được gắn rất chặt chẽ với chủ nghĩa cá nhân. Những tư tưởng đó còn biểu hiện trên lĩnh vực đạo đức lối sống. Một số người mang danh nghĩa đảng viên cộng sản, chiến sĩ cách mạng nhưng sống không có lý tưởng cách mạng, tính toán thực dụng, tìm kiếm cơ hội để đạt danh vọng cá nhân, hình thức bề ngoài rất cách mạng, rất nhất trí với đường lối của Đảng, rất tin tưởng chủ nghĩa xã hội, nhưng bên trong họ sống không trung thực, luôn tìm mọi cách để chạy chức, chạy quyền, tạo dựng tín nhiệm có lợi cho bản thân, sống xa hoa trụy lạc, xa rời quần chúng.

Chủ nghĩa cơ hội về chính trị, biểu hiện ra ở rất nhiều dáng vẻ khác nhau phổ biến là tệ chạy chức, chạy quyền, "cố tranh cho được ủy viên này chủ tịch kia… lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công” mà Bác Hồ từng nhắc nhở. Một biểu hiện khá phổ biến nữa là thói quen "hội” nhưng không "nghị” nghĩa là hội họp thì nhiều nhưng thảo luận, tranh luận thì ít, người chủ trì thì đưa ra lấy ý kiến chiếu lệ, cốt sao áp đặt được ý mình, hợp pháp hóa ý muốn chủ quan của mình, còn các thành viên thì một bộ phận tán dương, không dám bộc lộ chủ kiến của mình; một bộ phận thì thiếu trách nhiệm "sao cũng mặc kệ, sao cho xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình”; một bộ phận nữa tuy có hiểu biết nhưng thiếu dũng khí đấu tranh, thấy sai đúng nhưng không dám tỏ bày ý kiến nên giữ thái độ "ai mặc kệ ai… Thái độ đó thường sinh ra thói "không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”. Đến khi không thể giấu giếm được nữa thì quy lỗi cho tập thể, cuối cùng thì lấy một đại từ nhân xưng số nhiều là "chúng ta” làm bình phong và để quy trách nhiệm.

Hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa về đạo đức, lối sống, biểu hiện dưới các dạng khác nhau như sống thực dụng, vì tiền, xa hoa lãng phí, thậm chí sa đọa; ích kỷ, chỉ muốn "mọi người vì mình” mà không "mình vì mọi người”, lợi dụng chức vụ làm giàu bất chính. Sự suy thoái, biến chất về tư tưởng và lập trường chính trị cùng với sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên đó là nguy cơ "tự diễn biến từ bên trong” Đảng và chế độ ta. Nhưng chúng ta "chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống” ấy. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng ta nhận định: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Vì vậy, tăng cường đấu tranh đẩy lùi và khắc phục chủ nghĩa cơ hội dưới mọi hình thức của nó là vấn đề cấp thiết trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đòi hỏi sự tham gia của mọi tổ chức, mọi lực lượng và phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có các giải pháp cơ bản như:

Tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng - nơi nắm rõ tâm tư, nguyện vọng và những thay đổi về tư tưởng của mọi cán bộ, đảng viên. Các tổ chức cơ sở đảng cần thường xuyên tìm hiểu, nắm chắc diễn biến tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên. Thông qua các đợt học tập, sinh hoạt chi bộ, các phong trào hoạt động của đơn vị để giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội; quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước; kịp thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc. Đồng thời thấy được nguồn gốc, bản chất, biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội để tự mình phòng tránh xa cũng như phát hiện những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất để kiên quyết đấu tranh. Các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác quản lý cán bộ ở nơi làm việc và cư trú. Trong mọi hoạt động của các tổ chức phải giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; thường xuyên tự phê bình và phê bình nhằm phát huy những ưu điểm khắc phục thiếu sót khuyết điểm, những ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội.

Thường xuyên tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng một cách chủ động kịp thời sắc bén, có tính thuyết phục cao, củng cố khối đoàn kết thống nhất chính trị tư tưởng trên cơ sở đường lối quan điểm của Đảng. Giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng niềm tin vào đường lối đổi mới của Đảng.

Kiên quyết đấu tranh đập tan các luận điệu xuyên tạc của địch, phản động mưu toan xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng, cổ vũ "dân chủ, nhân quyền tư sản”. Cần vạch trần bản chất sai trái, nguy hại của chủ nghĩa cơ hội, hữu khuynh, xét lại, chủ nghĩa giáo điều cũ và mới, của mọi biểu hiện mơ hồ giao động về chính trị cũng như lối sống cơ hội, thực dụng. Kiên quyết bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng. Đấu tranh với chủ nghĩa cơ hội bằng nhiều hình thức, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua dư luận, thông qua hội nghị, hội thảo… Các hình thức và phương pháp đấu tranh phải được kết hợp chặt chẽ, tạo sức mạnh tổng hợp, có hiệu quả cao.

Cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương… cho dù họ ở bất cứ cương vị nào. Xây dựng hệ thống pháp luật đủ mạnh, đồng bộ, chặt chẽ, có tính ổn định lâu dài. Phát huy dân chủ và tuân thủ nghiêm quy trình xây dựng đường lối, nghị quyết của Đảng, không để cho những phần tử cơ hội lợi dụng để xuyên tạc, trục lợi.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn nhằm bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mở rộng dân chủ phát huy tự do tư tưởng, động viên mọi tiềm năng sáng tạo trong nghiên cứu lý luận. Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, không phát ngôn vô tổ chức, không truyền bá những quan điểm riêng trái với Cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Để bảo vệ Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ đảng viên phải không ngừng học tập nghiên cứu lý luận Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có đủ trình độ lý luận, trí tuệ phân tích làm rõ sự nguy hại của chủ nghĩa cơ hội; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng không dao động trước những luận điệu xuyên tạc của chủ nghĩa cơ hội; xây dựng niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

Nguyễn Văn Thanh

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=51490&menu=1427&style=1