Dạy - học trong đào tạo từ xa: Bài toán quản lý chất lượng

GD&TĐ - Đào tạo từ xa là một cấu thành không thể thiếu của hệ thống giáo dục quốc dân, để đào tạo từ xa đạt được hiệu quả và chất lượng như mong muốn phụ thuộc nhiều yếu tố, khách quan là các điều kiện hạ tầng cơ sở đáp ứng đào tạo, nhưng có một yếu tố chủ quan nhưng lại khá quan trọng quyết định sự thành bại của một cơ sở đào tạo (trường, lớp, khóa học) chính là công tác quản lí đào tạo.

Đến thời điểm này, nhiều cách thức quản lý dạy – học được đưa ra, nhưng vấn đề là cần có một công thức chung để vấn đề quản lý dạy – học trong đào tạo từ xa đem lại hiệu quả cao nhất.

Trường Đại học Giao thông Vận tải xác định rõ: Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là một trong những giải pháp quan trọng để cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục đại học nói riêng.

Ý thức được tầm quan trọng của công tác kiểm định KĐCLGD, Ban lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trong trường thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác này, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục toàn trường.

Tạo đà cho đột phá lớn

Tháng 3/2016, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã là trường đại học đầu tiên phía Bắc và một trong 2 trường đại học trên cả nước được nhận Giấy chứng nhận KĐCLGD Trường Đại học.

Ngay sau khi hoàn thành công tác KĐCLGD toàn trường, nhà trường đã bắt tay ngay vào công tác kiểm định các chương trình đào tạo của trường.

Kiên định với mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục toàn trường một cách tổng thể và chất lượng của từng chương trình một cách chi tiết, đồng thời đáp ứng yêu cầu đảm bảo tối thiểu 30% số chương trình đào tạo được kiểm định theo tinh thần của Thông tư 24/2015/TT-BGDĐT quy định về chuẩn quốc gia với các trường đại học, trường đã chọn kiểm định 5/15 chương trình hiện đang đào tạo bậc ĐH của trường.

Đó là các chương trình đào tạo: 1. Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; 2. Ngành Kinh tế xây dựng; 3. Ngành Kinh tế vận tải; 4. Ngành Khai thác vận tải; 5. CTTT ngành Kỹ thuật xây dựng (chuyên sâu xây dựng công trình giao thông).

Quá trình kiểm định các chương trình đào tạo này đã tuân theo đúng quy trình của kiểm định. Đầu tiên là giai đoạn tự đánh giá của nhà trường.

Công đoạn này là giai đoạn tự nhận thức của nhà trường về các hoạt động của các chương tình đào tạo. Việc tự đánh giá là quá trình toàn thể CB-GV-CNV và SV của ngành nhìn nhận về mọi hoạt động của ngành, từ thiết kế chương trình đào tạo, đề cương chi tiết cho từng học phần, quá trình tổ chức triển khai đào tạo, các nguồn lực để thực hiện quá trình đào tạo (cơ sở vật chất, đội ngũ CB-GV, nguồn học liệu...), các phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của SV, các ý kiến phản hồi của các bên liên quan về tất cả các hoat động của ngành, việc cải tiến và nâng cao chất lượng của các hoạt động, tình hình việc làm của SV sau tốt nghiệp... hướng tới chuẩn mực hơn.

Phải nói rằng, nhờ có công tác KĐCLGD toàn trường nói chung và các chương trình đào tạo nói riêng đã giúp cho không những các nhà quản lý mà còn giúp cho toàn thể các đối tượng tham gia vào quá trình đào tạo nhận ra được mặt mạnh, mặt hạn chế của mọi hoạt động để từ đó có các biện pháp cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục.

Kết thúc giai đoạn tự đánh giá đến giai đoạn đánh giá ngoài. Tất cả các nhận định của trường, của ngành về mọi mặt hoạt động sẽ được đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đánh giá một cách khách quan.

Quá trình đánh giá ngoài lại một lần nữa giúp toàn thể các đối tượng liên quan đến quá trình đào tạo, từ lãnh đạo trường, khoa đến nhà quản lý chuyên môn, CB-GV-CNV, nhà sử dụng lao động, cựu người học, người học được tham gia vào quá trình khẳng định thực trạng về chất lượng của ngành, của trường.

Biến nhận thức thành hành động

Quá trình thẩm định và công nhận kết quả đánh giá được thực hiện bởi Hội đồng KĐCLGD bao gồm 17 thành viên đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, từ các trường ĐH có uy tín và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, kết quả là 100% thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu tán thành kết quả đánh giá về chất lượng 5 chương trình đào tạo của Trường ĐH Giao thông Vận tải.

Như vậy, đây là 5 chương trình đào tạo đầu tiên của Việt Nam được đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT ban hành và được kiểm định bởi Trung tâm KĐCLGD – ĐHQG Hà Nội.

Đây thực sự là một kết quả đáng trân trọng, khẳng định vị trí, uy tín và chất lượng giáo dục của nhà trường nói chung và 5 chương trình đào tạo nói riêng.

Việc đi đầu và kiểm định thành công 5 chương trình đào tạo của trường một lần nữa khẳng định thương hiệu của Trường Đại học Giao thông Vận tải trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao và mang tính toàn cầu.

Về việc này, PGS. TS Nguyễn Văn Long – Chủ tịch Hội đồng trường - cho rằng: Quá trình KĐCLGD đã từng bước làm thay đổi nhận thức của toàn thể xã hội về chất lượng giáo dục.

Để nâng cao chất lượng giáo dục không phải chỉ đơn thuần là nỗ lực của nhà trường mà còn có sự chung tay góp sức của rất nhiều bộ phận khác trong xã hội (các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các nhà sử dụng lao động, các cựu sinh viên, phụ huynh học sinh...).

Đóng góp của các đơn vị và cá nhân ngoài trường thông qua những góp ý, những phản hồi chính xác về các mặt hoạt động. Công tác KĐCLGD đã thực sự mang lại ý nghĩa to lớn trong hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo.

Nhờ có KĐCLGD, chắc chắn sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống giáo dục trong nhà trường nói riêng và toàn xã hội nói chung. Sau KĐCLGD, từ những nhận định của Hội đồng tự đánh giá và các kết luận của đoàn chuyên gia đánh giá ngoài được thể hiện qua các khuyến nghị, nhà trường đã có kế hoạch để khắc phục các mặt hạn chế và phát huy các điểm mạnh của trường, của ngành.

Với chủ trương đẩy mạnh KĐCLGD đại học của Bộ GD&ĐT và quy định mới về KĐCL cơ sở giáo dục đại học và các hướng dẫn cụ thể về kiểm định các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với khu vực, đây là bước tạo đà để Trường ĐH Giao thông Vận tải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Một lộ trình đổi mới đào tạo và nghiên cứu đang được đặt ra tại Trường Đại học Giao thông Vận tải. Các kế hoạch này đặt các nhà quản lý phải thường xuyên ý thức về công tác đảm bảo chất lượng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt quá trình đào tạo, có những nhiệm vụ trước mắt và những nhiệm vụ lâu dài.

Nhờ KĐCLGD, với bộ tiêu chuẩn tiêu chí kiểm định cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ GD&ĐT như bộ kim chỉ nam trong mọi hoạt động của trường, của ngành, mọi hoạt động đều có mốc chuẩn và có đánh giá mức độ đạt được. Dựa vào khả năng và nguồn lực của đơn vị, từ đó, mỗi cá nhân, mỗi tập thể sẽ xây dựng cho mình một đích đến trong hoạt động và lộ trình để đạt được đích mong muốn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-hoc-trong-dao-tao-tu-xa-bai-toan-quan-ly-chat-luong-3075572-b.html