Dạy học trên vùng đất 'khát'

GD&TĐ - Hơn 30 năm tình nguyện là "người lái đò" ở nơi miền núi xa xôi của Tổ Quốc, thầy Đỗ Khắc Phượng đã dành trọn tình yêu với nghề và với các em học sinh dân tộc nơi vùng đất khó.

Ngọn lửa đam mê

Ấn tượng đầu tiên khi tôi nói chuyện với thầy là một người khiêm tốn, kiệm lời và sâu sắc. Hiện thầy là Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân - Thể dục (Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên).

Đến nay dù chỉ còn hơn 1 năm nữa là thầy được về nghỉ hưu, nhưng ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với công việc, với sự nghiệp "trồng người" nơi vùng đất khó lúc nào cũng bừng sáng.

Thầy tâm sự: Lớn lên ở miền núi nên tuổi thơ của thầy gắn liền với những hoa mơ, hoa ban nở trắng rừng và với các bạn là người dân tộc thiểu số. Vì thế thầy rất thấu hiểu những khó khăn và thiệt thòi của các em học sinh vùng cao.

"Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, nơi đây là vùng đất khát. Chữ khát chính là khao khát học chữ, khao khát đến trường và khao khát ánh sáng tri thức về với dân bản" - thầy Phượng dí dỏm cắt nghĩa.

Điều đó lý giải vì sao lúc nào thầy Phượng cũng muốn bù đắp cho các em bằng những bài học ở trên lớp. Theo đó, không chỉ là những kiến thức trong sách giáo khoa mà thầy còn trang bị cho các em cả về những kiến thức xã hội cũng như là kỹ năng sống.

Thầy cho biết: Đã có thời gian thầy được chuyển lên Sở GD&ĐT, nhưng rồi thầy lại quyết định trở lại với trường, lớp với bục giảng và phấn trắng, bảng đen.

Thầy nói vì thầy còn nặng lòng với nghề dạy và thương các em học trò nơi vùng đất khó nên muốn góp phần nhỏ bé của mình cùng với đồng nghiệp mang ánh sáng tri thức đến với các em học sinh.

Thầy Phượng nguyện cống hiến hết mình cho giáo dục vùng khó

Tâm nguyện của giáo viên vùng cao

Ở môi trường với 100% học sinh là người dân tộc, nên việc dạy và học của thầy cũng gặp không ít khó khăn. Thầy Phượng cho biết: Các em học sinh dân tộc vùng cao rất chăm chỉ, ngoan ngoãn, nhưng thường nhút nhát so với học sinh cùng trang lứa, đặc biệt là khả năng diễn đạt ngôn ngữ phổ thông còn hạn chế.

Hơn nữa là học sinh ở nội trú nên việc tổ chức cho các em nơi ăn, ở và đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

"Để có thể chăm lo cho học sinh, bản thân tôi cùng tập thể sư phạm nhà trường thường xuyên gần gũi, học trò, nắm bắt tâm tư tình cảm của từng học sinh, hướng dẫn các em không những trong học tập mà cả trong sinh hoạt hàng ngày, coi các em như chính con mình" - thầy Phượng bộc bạch.

Theo kinh nghiệm của thầy Phượng, muốn dạy học sinh dân tộc đạt hiệu quả, điều đầu tiên là người thầy cần rất tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với công việc và các em học sinh.

"Việc dạy học sẽ càng hiệu quả hơn khi thầy, cô biết tiếng và phong tục, tập quán của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài giờ lên lớp chính khóa, nhà trường cần tổ chức nhiều các hoạt động tập thể, thông qua đó giúp các em nâng cao kĩ năng sống, điều mà mỗi học sinh, nhất là các em học sinh dân tộc rất cần" - thầy Phượng chia sẻ và cho biết:

Tâm nguyện lớn nhất của thầy là mong muốn được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, nhất là sự nghiệp "trồng người" nơi những vùng đất khó như tỉnh Điện Biên. Đặc biệt là tiếp tục có nhiều chính sách ưu đãi đối với các em học sinh con em các dân tộc vùng cao, nhằm giúp các em giảm bớt những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Thầy Đỗ Khắc Phượng

Với tôi đó là phần thưởng cao quý, là kết quả phấn đấu không mệt mỏi sau nhiều năm công tác, gắn bó nơi vùng đất thâm sơn. Tôi nguyện cống hiến hết mình cho ngành Giáo dục xin mãi là "người lái đò" trên vùng đất khát.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-hoc-tren-vung-dat-khat-2577959-v.html