Dạy học như 'dâng tặng' học trò!

Phó giáo sư Chu Cẩm Thơ (ảnh), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như mong muốn về nghề dạy học trong tương lai.

Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức mà còn có vai trò truyền cảm hứng - Ảnh: ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Mong muốn học sinh nhận được nền giáo dục tốt nhất

Với tư cách là một phụ huynh đang có con học tiểu học, bà mong ước điều gì về thầy cô của con mình?

Điều mong ước lớn nhất là thầy cô của con tôi sẽ giúp và cùng với chúng tôi dành cho con cái chúng ta có một nền giáo dục tốt nhất, một phương pháp giáo dục tốt nhất.

Tôi không cho rằng cái nào quan trọng hơn cái nào bởi học sinh (HS) đi học trước hết là phải học được kiến thức, kỹ năng và qua đó hình thành được năng lực, nhân cách… cho người học. Thầy cô đó sẽ dạy bằng tất cả đạo đức, trách nhiệm của người thầy.

Qua ghi nhận các ý kiến trên diễn đàn “mong ước gì về thầy cô?” mà Báo Thanh Niên thực hiện cho thấy phụ huynh và nhất là HS dành cho thầy cô những mong muốn rất giản dị. Để HS phải mơ ước như vậy nghĩa là những điều đó chưa có nhiều trong thực tế. Trường sư phạm cũng dành thời lượng đáng kể cho bộ môn tâm lý học. Nhưng tại sao mong muốn của thầy và trò vẫn chưa gặp nhau?

Việc dạy nghiệp vụ sư phạm hiện nay vẫn còn đang thiếu điều kiện thực hành, thiếu tình huống thực tế để sinh viên thực hành. Vì vậy, từ nhận thức đến thể hiện hành vi hoạt động còn là khoảng cách rất xa. Các giáo viên (GV) đều hiểu tâm lý HS khá tốt về mặt lý thuyết nhưng ứng xử trong từng tình huống thì rất lúng túng. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn mang tính khách quan, nằm ở chương trình giáo dục hiện nay, chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục quá thiên về kiến thức và GV bị áp lực là làm sao trong từng tiết dạy phải dạy hết cho HS một lượng kiến thức theo phân phối chương trình. Vô tình điều đó đã làm cho họ phải đóng khung trong những tình huống ứng xử và hướng đến HS phải học chứ không phải sẽ quan tâm đến việc HS sẽ mong muốn gì và điều chỉnh tâm lý, hành vi của HS ra sao…

Hiện tại càng ngày người ta càng quan tâm hơn đến những cái thuộc về động cơ, giá trị và thái độ học tập của HS và người ta cho rằng đó mới là cái làm nên cảm xúc trong học tập, giá trị của việc học. Việc dạy quá thiên về kiến thức đang là cản trở cho điều đó.

Phải chủ động tiếp nhận và đổi mới

Là GV, bà xử lý ra sao với HS cá biệt với những hành vi được xem là “khó bảo”?

Trong tâm lý học hiện đại, mỗi HS đều là một “HS cá biệt”, mỗi HS đều đặc biệt và việc học lý tưởng nhất là đáp ứng tới nhu cầu của từng cá nhân. Trong khi dạy học thì có áp lực là phải dạy cho một tập thể HS, mà lớp học ở khu vực thành thị của nước ta thì thường có sĩ số rất đông. Cá nhân tôi trước hết phải phân hóa HS, tư liệu dạy học sẽ phải nhiều hơn chứ không đóng khung trong sách giáo khoa hay trong giờ dạy.

Tôi cho rằng việc dạy học của GV không chỉ trong giờ lên lớp mà ngoài giờ cũng rất quan trọng. Khi đi bồi dưỡng GV, tôi hay nói rằng: hãy dạy và làm bạn với HS ở bất cứ lúc nào và chỗ nào mà bạn có thể làm được.

HS thường trở nên “cá biệt” và khó bảo là do họ không tìm được giá trị của việc học. GV giỏi về kiến thức, thành thạo về chuyên môn, tâm huyết với nghề thì khi dạy học, HS sẽ cảm nhận được thầy cô như đang “dâng”, đang “tặng” kiến thức, kỹ năng cho mình và các em sẽ đón nhận nó như một món quà tuyệt vời.

Tiếp xúc với với nhiều sinh viên sắp làm nghề, GV đang đứng lớp, bà thấy rằng số người có thể sẵn sàng dạy học như “dâng tặng” cho HS có nhiều không?

Tôi từng kiểm tra thử điều này thì hầu hết đều trả lời là họ muốn làm được điều đó, nhưng đo lại thì số thực sự đáp ứng được lại không nhiều. Nghĩa là GV đang cần được bồi dưỡng, được đào tạo sao cho mong muốn sẵn có của GV ấy được trở thành hành vi chứ không chỉ dừng lại ở nhận thức.

Tôi cho rằng không cách nào khác là GV phải được tập luyện rất kỹ bởi các nhà đào tạo sư phạm và quan trọng hơn là GV phải chủ động tiếp nhận và đổi mới. Nếu chỉ thụ động chờ các mệnh lệnh hành chính thì rất khó.

3 yếu tố để giáo viên thực hiện tốt vai trò

Bà có cho rằng nguyên nhân chính là do đồng lương, do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng... khiến cho GV dù muốn nhưng họ cũng chỉ làm cho xong trách nhiệm của mình mà thôi?

Điều đó theo tôi là rất khó khẳng định. Có nhiều GV phải dạy trong điều kiện rất khó khăn, cuộc sống của họ cũng khó khăn nhưng họ vẫn làm việc với tinh thần tận hiến, đam mê và thực sự yêu thương học trò. Ngược lại, có những GV có đủ những điều kiện tốt nhất nhưng họ vẫn chỉ làm cho xong phần việc của mình.

Như kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm của tôi và có điều kiện quan sát GV ở nhiều vùng miền khác nhau, tôi cho rằng điều quan trọng nằm ở chỗ người GV phải hội tụ được các yếu tố: Thứ nhất là phải yêu nghề. Thứ hai chính là nền tảng xã hội sẽ tạo ra cho nghề đó có được trân quý hay không.

Ngay tại Phần Lan, đất nước được xem là hàng đầu trong coi trọng lĩnh vực giáo dục thì thu nhập của nghề giáo cũng chỉ đứng khoảng thứ 6 - 7 trong các ngành nghề. Nhưng ở nước này và một số nước tiên tiến khác thì nghề giáo thường tuyển lựa được những người giỏi nhất và mất rất nhiều thời gian để học tập và rèn luyện trước khi làm nghề. Yếu tố thứ ba là các chủ thể trong giáo dục cần phải phối hợp với nhau, cùng một mục tiêu, một phương pháp giáo dục. Ở đâu đó mà không hội tụ được cả 3 yếu tố đó thì tạo ra sự phiến diện trong giáo dục; còn nếu điều kiện tuy còn rất khó khăn nhưng hội tụ được cả 3 yếu tố thì sẽ thực hiện được rất tốt vai trò giáo dục.

Ý kiến

Phải sáng tạo trong cách dạy

Có những môn rất thích học dù đã từng “ghét cay ghét đắng” nhưng cũng có những môn dù từng rất thích nhưng lại chẳng muốn học. Nguyên nhân vì phương pháp dạy học của GV. Dù môn học có khô khan, chỉ xoay quanh những công thức, con số, nhưng nếu GV có cách dạy hay, có phương pháp giảng bài hấp dẫn thì dễ dàng khơi gợi sự yêu thích đối với HS. Mong sao GV nào cũng có những cách dạy độc đáo, thú vị để lôi cuốn HS.

Vũ Dương Thương (HS Trường THPT Bùi Thị Xuân TP.HCM)

Mỗi ngày đi học là một ngày vui

Tôi rất tâm đắc với câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Tôi cũng mong rằng ngoài kiến thức chuyên môn, thầy cô cũng quan tâm trau dồi thêm cho các con những kỹ năng sống cơ bản nhưng lại rất quan trọng như sự tự giác, cách sống, ứng xử với thầy cô, cha mẹ và bạn bè.

Nguyễn Phương Hoa (Phụ huynh Q.1, TP.HCM)

Thanh Nam - Mỹ Quyên (ghi)

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/day-hoc-nhu-dang-tang-hoc-tro-766769.html