Dạy học không đòn roi, học sinh mới như vậy

“Giáo dục bất lực mới dùng đòn roi” nghe thì có lý nhưng áp dụng vào thực tế lại không cho kết quả gì. Ngày xưa đi học, thầy đâu chỉ phạt roi, còn bắt quỳ gai mít hàng giờ. Có lẽ nhờ nghiêm khắc như thế nên em nào cũng nghe lời, cũng chăm ngoan. Vài năm trở lại đây, việc đánh học sinh - dù chỉ là phạt roi vào mông theo kiểu ba mẹ răn dạy con - cũng là vi phạm đạo đức nhà giáo.

Ảnh minh họa (internet)

Với học sinh tiểu học, chắc ít thầy cô giáo nào dám nói: “Tôi chưa bao giờ phạt học sinh một roi”. Bởi nếu không dùng đến roi, chắc chắn nhiều em không chịu học, không chịu nghe lời.

Những năm về trước, việc học sinh hư, lười học bị thầy cô phạt vài roi vào mông là chuyện bình thường. Trên lớp, khi trò không nghe lời, như trong giờ học quậy phá bạn, nói chuyện riêng, nói tục, chửi thề, đánh bạn, thầy cô chỉ đưa cái thước lên bét một roi vào mông là hiệu quả liền. Viết chữ nguệch ngoạc, bét một roi vào tay, những dòng chữ sau lập tức thẳng hàng ngay lối. Khi các em liên tục không thuộc bài, phạt một roi vào mông tình trạng ấy sẽ không tiếp diễn… Nhiều phụ huynh biết chuyện còn nói thêm: “Nếu nó hư, không chịu học, cô thầy cứ phạt mạnh tay vào, gia đình tôi không có ý kiến gì hết”. Không có sự “bảo kê” của cha mẹ có lẽ vì thế các em càng nghe lời thầy cô hơn.

Vài năm trở lại đây, việc đánh học sinh (chỉ là phạt roi vào mông theo kiểu ba mẹ răn dạy con) cũng là vi phạm đạo đức nhà giáo. Phần đông phụ huynh bắt đầu lên tiếng phản đối nên thầy cô giáo không còn dùng hình phạt đó với các em. Chưa nói đến việc một số phụ huynh lại tỏ ra bất bình trước việc thầy cô nào đó phạt roi hay nặng lời mắng con mình. Đã có người hùng hổ xông lên tận trường chửi rủa thầy cô thậm tệ, người vào trường thẳng tay đánh thầy cô trước mặt học sinh, người đưa đơn thưa kiện khắp nơi… Nắm được điều này, nhiều học sinh đã tỏ thái độ thách thức thầy cô, nên việc giáo dục các em ít còn tác dụng.

Ai đó nói, “Giáo dục bất lực mới dùng đòn roi” nghe thì có lý nhưng áp dụng vào thực tế lại không cho kết quả gì. Ngày xưa đi học, thầy đâu chỉ phạt roi còn bắt quỳ gai mít hàng giờ. Có lẽ nhờ nghiêm khắc như thế nên em nào cũng nghe lời, cũng chăm ngoan. Ở gia đình, khi con hư, nhiều cha mẹ cũng thường xuyên phạt roi hoặc có nhiều hình thức xử phạt nghiêm khắc. Nhờ thế, có nhà hàng chục người con nhưng vẫn rất nề nếp, có trước có sau.

Bây giờ, phần lớn mỗi gia đình chỉ có 2 con, ba mẹ đôi khi còn thấy mệt, nhiều lúc tức quá còn nạt nộ, to tiếng với con. Không ít người còn dùng đến roi vọt mới có tác dụng. Thầy cô trên lớp gần 50 học sinh như thế, mỗi em một tính cách, chuyện chỉ dùng lời nói để giáo dục các em ngoan hơn chỉ là lý thuyết có trong sách vở.

Trong giờ học, học sinh cứ tự do nói chuyện như chốn không người, thầy cô giáo đã vô cùng vất vả, nhưng vẫn khó ổn định được trật tự. Thầy cô nói đến khản giọng nhưng trò vẫn chứng nào tật ấy. Các em biết dù có trây lười, có phạm lỗi thế nào, cô thầy cũng chẳng dám phạt, dám la. Nhiều em lên lớp không thuộc bài, giáo viên cũng chỉ nhắc nhở về học mai kiểm tra. Có em còn vênh mặt lên thách thức: “Thầy cứ cho con 0 vào sổ cho đẹp, mai em cũng không thuộc đâu”, có em nói: “Con không muốn học môn này, môn phụ có thi đâu mà cô bắt học nhiều như thế”. Có em đánh bạn, thầy cô nhắc nhở cứ đáp tỉnh bơ: “Ai bảo nó chọc con làm gì? Đánh thế còn nhẹ đấy cô ạ”. Nhiều giáo viên bậc THCS và THPT nói: “Thầy cô bây giờ còn phải sợ học trò. Thấy trò hư khuyên hoài không nghe cũng đành tảng lờ. Bởi không thế, nó quậy trong giờ, bạn không học được mà thầy dạy cũng chẳng xong”.

“Dạy con từ thuở còn thơ”, học trò cũng cần dạy cần uốn nắn ngay từ bậc tiểu học. Thế nhưng không đòn roi, không la mắng nên thầy cô nói, phần lớn trò không nghe, không biết sợ. Và như thế khi lớn lên, các em cũng chẳng xem ai ra gì là điều dễ hiểu.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Phan Tuyết

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/day-hoc-khong-don-roi-hoc-sinh-moi-nhu-vay-615557.bld