Dây dưa đất công

(HQ Online)- Nhiều cơ quan trung ương và địa phương có trụ sở tại những mảnh đất vàng, nhưng sau khi đã được xây trụ sở mới ở vị trí khác vẫn chưa chịu trao trả lại đất cũ cho nhà nước. Trong báo cáo mới đây của Chính phủ cũng nhìn nhận rằng tình trạng này "chưa có nhiều chuyển biến". Dây dưa đất công vẫn chưa có hồi kết.

Theo nhận định mới đây của Chính phủ, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị năm 2015 chưa có nhiều chuyển biến. Việc tổ chức thực hiện phương án xử lý sau khi được phê duyệt gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phương án bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Kết quả triển khai phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được phê duyệt trên địa bàn 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội còn tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ hoàn thành còn thấp. Tại TP. Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty đã hoàn thành phương án xử lý mới đạt hơn 50% (777/1.542 cơ sở kiểm tra); số chưa triển khai là 116/1.542 cơ sở.

Tại Hà Nội, con số hoàn thành phương án xử lý còn thấp hơn, mới đạt hơn 39% (544/1.379 cơ sở kiểm tra); số chưa triển khai lên tới 183 cơ sở.

Nhiều bộ, ngành thực hiện tốt cũng được biểu dương như Bộ Ngoại giao, Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Còn lại, đa số các bộ, ngành đạt tỷ lệ hoàn thành dưới 50%; cá biệt, có một số bộ, ngành còn chưa triển khai thực hiện phương án được phê duyệt.

Điều này minh chứng cho việc một số bộ, ngành sau khi xây mới trụ sở khang trang, vẫn không chịu trả lại đất công cho nhà nước. Những khu đất này, dự kiến sẽ chuyển đổi thành khu vực công ích như trường học, trung tâm hành chính, chỗ để xe và cây xanh…, song đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Cách đây gần 2 năm (vào tháng 8-2016), Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chấn chỉnh công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hết năm 2014 phải kê khai và trình phương án tổng thể để phê duyệt phương án xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trước ngày 30-6-2015...

Nhưng qua thống kê vừa nêu mới thấy, số các đơn vị phớt lờ Chỉ thị của người đứng đầu không nhỏ, tại Hà Nội có 183 cơ sở chưa trình phương án tổng thể để phê duyệt xử lý, tại TP. Hồ Chí Minh là 116 cơ sở.

Ráo riết xử lý vấn đề này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong tháng 3-2016 đã ban hành một chỉ thị chấn chỉnh. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới, khi hoàn thành dự án phải việc bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho Sở Tài chính (chậm nhất sau 30 ngày hoàn tất việc chuyển đến trụ sở mới) để trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định phương án xử lý.

Đây là việc làm cần biểu dương, bởi thái độ kiên quyết của các địa phương là hết sức cần thiết trong bối cảnh nhiều năm vấn đề này chưa được xử lý dứt điểm, triệt để.

Tài sản công là nguồn lực quan trọng của quốc gia. Cùng với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, không để tình trạng nhờn luật, hay trên bảo dưới không nghe, rất cần sự tự giác, ý thức hơn trong sử dụng công sản. Lạm dụng, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, dẫn đến thất thoát tài sản, tiền bạc của nhà nước.

Hy vọng khi Luật Tài sản công, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo (chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2016) sẽ sớm đi vào thực tiễn. Quản lý chặt tài sản công, nhất là nguồn lực từ đất đai sẽ tạo cơ chế khai thác công sản hợp lý, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/day-dua-dat-cong.aspx