Dạy con làm chủ thời gian

GD&TĐ - Quản lý thời gian là một trong những kỹ năng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến thành công trong cuộc sống và công việc của mỗi người.

Dạy con cách quản lý thời gian hiệu quả ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ dễ dàng ứng phó với những áp lực sau này. Tuy vậy, việc dạy trẻ cách quản lý thời gian không hề dễ dàng, cha mẹ cần phải có phương pháp đúng đắn mới mang lại hiệu quả.

Để trẻ tự sắp xếp công việc

Sáng nào cũng như sáng nào, nhà chị Huyền Anh (Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng ồn ào như đánh trận. Chị phải vào tận giường khua hai đứa con dậy đi học.

Vừa thông báo thời gian, vừa đốc thúc các con làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo rồi ngồi vào bàn ăn sáng… chị Huyền Anh luôn chân luôn tay và cả luôn miệng giục giã, quát tháo.

Nghe chị Huyền Anh ca cẩm, “thật không cái khổ nào giống cái khổ nào. Mình vừa làm ô sin toàn tập vừa làm đốc công của hai đứa con mà không xong…”, chị Minh Hằng - đồng nghiệp của chị góp ý:

“Quỹ thời gian của mọi người như nhau, điều quan trọng là sử dụng thế nào cho hợp lý. Mấy đứa trẻ nhà em cũng thế, rất vô tư và ham chơi, dạy được chúng cách quản lý thời gian chả dễ dàng gì.

Em phải học hỏi phương pháp và cách dạy con của bạn bè để tìm ra cách thích hợp với nhà mình. Làm sao để trẻ hiểu và tự sắp xếp công việc của mình một cách chủ động thì hiệu quả được.

Để đưa trẻ vào khuôn khổ và sinh hoạt đúng giờ giấc, kỷ luật, vợ chồng em phải dạy con cách lên thời gian biểu cụ thể cho từng ngày, từng tuần và từng tháng.

Theo đó, tất cả các giờ giấc như giờ ăn cơm, giờ làm bài tập, giờ xem tivi, giờ đi chơi, đi ngủ... đều phải được rõ ràng và thống nhất. Em cũng phải hướng dẫn con cách liệt kê những việc phải làm và với từng việc vợ chồng em phải “giao khoán” thời gian hoàn thành”.

Tự lên kế hoạch cá nhân

Chị Hà Mai (Công ty Chiếu sáng đô thị Hà Nội), có 2 con học Trường Tiểu học Quang Trung, chia sẻ: Cách tốt nhất giúp con nhận thức được thời gian để trẻ hiểu khái niệm và giá trị của thời gian là dạy con cách xem đồng hồ.

Chị Hà Mai dạy con 3 tuổi đã biết cách xem giờ. Chị cũng luôn nhắc nhở thời gian. Ví dụ: “Con chỉ có 15 phút để xem phim hoạt hình rồi đi học nhé” hay “đúng 7 giờ 15 phút con phải mặc đồng phục xong để đi học”.

Khi con trì hoãn bằng những từ “tí nữa”, “lát nữa con làm…” thì người lớn phải tỏ ra mềm mỏng nhưng kiên quyết để cắt đứt sự nấn ná của trẻ.

Có như vậy đứa trẻ mới không ỷ lại và biết quan tâm đến thời gian của mình, cân bằng được thời gian dành cho công việc, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí giúp thoải mái tinh thần.

Liệt kê được các việc cụ thể rồi, bố mẹ cũng nên gợi ý để con biết sắp xếp các công việc theo thứ tự ưu tiên, việc nào nên làm trước, việc nào làm sau. Đây là điều rất quan trọng để trẻ cân đối được công việc và không lãng phí thời gian cho những điều vô bổ.

Việc lên kế hoạch công việc như thế này sẽ khiến cho bố mẹ và con mất nhiều thời gian lúc đầu nhưng lại giúp trẻ định hướng rõ ràng, cũng như bắt đầu công việc một cách thuận lợi và hiệu quả hơn.

Chuyên gia Phạm Hiền (Trường Đào tạo kỹ năng sống và phát triển tư duy WedoWegood) lưu ý các bậc phụ huynh: Trẻ em luôn có xu hướng bắt chước những điều người lớn làm, vì thế chính phụ huynh phải biết cách quản lý thời gian hiệu quả.

Bố mẹ có thể kể cho con nghe những kinh nghiệm của mình khi không thể hoàn thành công việc vì trễ hẹn, hay những lần thành công khi quản lý thời gian hiệu quả.

Khi trẻ lắng nghe những điều này, trẻ sẽ tự nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm thời gian và quản lý thời gian để sử dụng thời gian của mình hiệu quả nhất.

Biết cách làm chủ thời gian nghĩa là biết cách làm chủ cuộc đời - Đó là bí quyết làm chủ bản thân và vượt lên sự trì hoãn để tận hưởng trọn vẹn cảm giác tự do, thoải mái và vui vẻ hơn mỗi ngày.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/day-con-lam-chu-thoi-gian-2563154-b.html