Đầu tư trường quốc tế: Nhà đầu tư trong nước không đứng ngoài cuộc

Việc khánh thành, đưa trường TH School vào hoạt động theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đây là hành động thiết thực, ý nghĩa thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Trường TH School tại Chùa Bộc (Hà Nội)

Theo chia sẻ của bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, người sáng lập hệ thống trường TH School, chương trình học tại TH School giúp giảm thiểu thời gian theo đó 17 tuổi có thể tốt nghiệp, cấp bằng quốc tế ngay tại Việt Nam.

Dù thừa nhận rằng tiền học phí tại trường có thể cao nhưng nếu so với việc đi du học tại nước ngoài bà Hương cho rằng, thậm chí sẽ mất nhiều hơn, và điều quan trọng theo bà Hương có sự mất mát không ai đo lường được, là những thứ rất vô hình. “Cho con đi học tại nước ngoài, tình yêu ở đấy, mất đi phần tình cảm và người mẹ nào cũng có sự ích kỷ nhất định”, bà Hương chia sẻ.

Ngoài ra, bà Hương cũng đề cập đến vấn đề giải quyết tình trạng chảy máu chất xám vốn đang là vấn đề nổi cộm trong phát triển nguồn nhân lực nước nhà.

“Mô hình TH School giúp các em có thể du học ngay trên chính quê hương theo định hướng Trẻ em Việt Nam sẽ trở thành những công dân toàn cầu, các em có thể thành công ở bất kỳ nơi nào và sẽ đóng góp vào sự phát triển và hội nhập đó. Tôi sẽ làm tất cả để giúp các em thành công”, bà Hương nói.

Bà Hương cũng đề xuất về việc điều chỉnh nội dung tại Nghị định 73 quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục vì theo lý giải của bà Hương, không có lý do gì nước ngoài mới đầu tư vào lĩnh vực này và việc quy định tỷ lệ học sinh Việt Nam được đăng ký học tại các trường quốc tế chưa hợp lý.

Cũng từng đưa ra quan điểm về một số nội dung tại Nghị định 73, trước đó, Nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo thuộc Diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) cho biết, việc hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam được đăng ký học tại các trường quốc tế là 10% ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, 20% ở bậc phổ thông là chưa hợp lý.

“Nhu cầu học chương trình quốc tế của học sinh đang tăng lên rất nhanh. Theo khảo sát, mỗi năm Việt Nam dành 3 tỷ USD cho giáo dục tại nước ngoài. Với quy định này thì đầu tư tại các tỉnh ngoài Hà Nội và TP HCM đối với các bậc phổ thông là gần như không thể”, ông Phan Mạnh Hùng, Giám đốc Pháp chế Kinderworld Group nhận định.

Ông Martin Skelton, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, nhà đồng sáng lập công ty Fieldwork Education (thành viên WCL) cho biết, ở Việt Nam, TH School đã đi tiên phong trong việc áp dụng các chương trình quốc tế đã áp dụng thành công ở hầu hết các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới mà vẫn tạo ra bản sắc riêng có: sự kết hợp nhuần nhuyễn với văn hóa dân tộc. “Một ngôi trường hoàn toàn Việt Nam vô cùng thân thiện, có thể tạo dựng những thế hệ học sinh chuẩn quốc tế ngay tại quê hương mình”, ông Fieldwork Education nói.

Với việc thành lập trường TH School, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đánh giá cao và cho rằng đây là hành động thiết thực, ý nghĩa để thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Học sinh trường TH School theo học chương trình quốc tế chuẩn Cambridge hoàn toàn bằng tiếng Anh từ cấp mầm non cho đến hết cấp Trung học phổ thông như Chương trình IPC, IGCSE, Alevel... Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, các em sẽ đạt được chứng chỉ Alevel có giá trị trên toàn thế giới, có thể giành nhiều học bổng giá trị tại những trường đại học hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều khoa quốc tế tại Trường Đại học Quốc gia hiện nay cũng đã công nhận bằng Alevel, góp phần mở rộng cơ hội lựa chọn tương lai cho học sinh TH School.

Theo số liệu thống kê được công bố hồi giữa tháng 6/2016 của Ngân hàng HSBC, hiện có hơn 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia trên thế giới. Ước tính, chi phí du học vào khoảng 3 tỷ USD/năm.

BizTALK “Khủng hoảng nguồn nhân lực cấp cao”

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/dau-tu-truong-quoc-te-nha-dau-tu-trong-nuoc-khong-dung-ngoai-cuoc-2474544.html