Đầu tư thể thao thành tích cao chưa hiệu quả

Thành tích tại kỳ Ô-lim-pích 2016 vừa qua được xem là thành công nhất trong lịch sử Thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai tấm Huy chương vàng và bạc có được đều từ cá nhân xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở bộ môn bắn súng.

Trong khi đó, 22 tuyển thủ còn lại của đoàn thể thao Việt Nam đều thi đấu không được như mong đợi, thậm chí thua cả thành tích khi tập huấn. Một trong những nguyên nhân được giới chuyên môn nhìn nhận và phân tích đó chính là sự đầu tư quá dàn trải của ngành thể thao nước nhà.

Mảng tối từ góc nhìn Thế vận hội

Thể thao Việt Nam từng đặt niềm tin huy chương Ô-lim-pích 2016 vào lực sĩ cử tạ: Thạch Kim Tuấn (hạng 56 kg nam) và Vương Thị Huyền (hạng 48 kg nữ) song cả Tuấn và Huyền đều không thể hoàn thành đủ cả hai động tác cử giật và cử đẩy ngay ở mức tạ khởi điểm vì thế chẳng có tên trên bảng xếp hạng. Điều đáng nói là các VĐV cử tạ Việt Nam được đầu tư tốt nhất so với nhóm các VĐV khác: đi Mỹ tập huấn dài ngày, hưởng chế độ cao nhất, có bác sĩ túc trực tại Ri-ô (Bra-xin) để chăm lo sức khỏe. Thế nhưng, đây là bộ môn gây thất vọng lớn nhất khi ngay cả vận động viên (VĐV) từng xếp hạng tư Ô-lim-pích 2012 ở hạng cân 56 kg nam là Trần Lê Quốc Toàn cũng chỉ đạt thành tích cao nhất là xếp hạng năm tại Ô-lim-pích 2016. Đến Giải vô địch cử tạ quốc gia 2016 vừa diễn ra đầu tháng 11, có đến 38 VĐV dự giải rơi vào hoàn cảnh như Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền, thi đấu dưới mức phong độ.

Vậy điều gì đã xảy ra ở môn cử tạ? Phải chăng do chất lượng huấn luyện viên, do tâm lý của VĐV hay sự chuẩn bị của các đơn vị chủ quản? Ngay cả Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Ô-lim-pích 2016 Trần Đức Phấn cũng từng tin vào một tấm huy chương của cử tạ như nhiều người hâm mộ khác và đã rất thất vọng ở những phút cuối. Chính từ sự thất bại nêu trên, lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao đã quan tâm tìm hiểu và đề ra những giải pháp để thay đổi trong đầu tư cho bộ môn và các VĐV trọng điểm, nhất là vai trò huấn luyện viên. Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cho biết: “Sự tập trung cho nhóm hạng cân này vẫn rất quan trọng. Nhưng chắc chắn, công tác huấn luyện cần có chuyên gia người nước ngoài để cải thiện chuyên môn”.

Ở những môn khác như điền kinh, thể dục dụng cụ, bơi lội thuộc nhóm môn thể thao được ưu tiên đầu tư nhưng các VĐV đều không đạt mục tiêu là vượt qua… chính họ. Vẫn biết rằng, thành tích Ô-lim-pích của Việt Nam còn chênh lệch nhiều để có thể giành huy chương nhưng việc các tuyển thủ quốc gia đều không đạt phong độ tốt ở Ô-lim-pích cho thấy sự thờ ơ trong công tác chuẩn bị. VĐV Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ 20 km) chỉ đạt thành tích 1 giờ 30 phút 01 giây, kém xa thành tích 1 giờ 24 phút mà Ngưng từng đạt để có vé dự Ô-lim-pích 2016. Tại Ri-ô 2016, Nguyễn Thị Huyền chạy cự ly 400 m rào đạt 57 giây 87, không lọt vào bán kết nội dung này. Thành tích tốt nhất của Huyền là 56 giây 15. Riêng với tuyển thủ “ngôi sao” này, đã có rất nhiều dị nghị về việc thiếu tập trung vào chuyên môn. Nếu không chấn chỉnh, việc giành huy chương ở SEA Games 29 vào năm tới tại Ma-lai-xi-a cũng sẽ trở nên khó khăn với Nguyễn Thị Huyền.

Thi đấu môn bơi lội tại Ô-lim-pích 2016, VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên được đặt nhiều kỳ vọng về việc có được mức thành tích cao hơn trên đấu trường thế giới. Thậm chí, HLV Đặng Anh Tuấn còn tự tin đăng ký với lãnh đạo ngành thể thao là lọt vào chung kết ở một cự ly thi đấu. Đáng tiếc, dù được đầu tư nguồn kinh phí tập huấn rất lớn, VĐV bơi số một Việt Nam đã không vào nổi chung kết cự ly nào trong ba nội dung tham dự và thành tích cũng thấp hơn kỷ lục cá nhân. Ánh Viên vẫn đang ở độ tuổi có thể phát triển thành tích, nhưng nên chăng, đã đến lúc cần thay đổi huấn luyện viên và môi trường tập luyện? Những VĐV như Hoàng Quý Phước (bơi), Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ), cũng không thể vượt qua thành tích của chính mình tại Thế vận hội vừa qua. Nhóm các VĐV còn lại, ngoài hai tay kiếm Vũ Thành Anh và Đỗ Thị Anh có được vài trận thắng trước các đối thủ mạnh hơn, thì những cái tên như Nguyễn Thị Như Hoa, Nguyễn Thị Lệ Dung (đấu kiếm), Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông), Văn Ngọc Tú (giu-đô), Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền (đua thuyền), Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng (vật) đều không đạt thành tích như mong đợi.

Từ sự thất bại của hầu hết VĐV Việt Nam tại Ô-lim-pích 2016 cho thấy quy trình đào tạo VĐV đỉnh cao cần có thay đổi lớn. Ngành thể thao đã xác định khá chính xác các môn, VĐV mũi nhọn có thể tranh chấp huy chương đẳng cấp thế giới, đáng tiếc việc đầu tư để đạt thành tích cao vẫn chưa thật sự hiệu quả. Trước hết cần xem xét trình độ của các huấn luyện viên, chuyên gia đang trực tiếp dẫn dắt ở các đội tuyển được ưu tiên đầu tư như cử tạ, bơi lội. Từ Ô-lim-pích 2016, công tác y tế của thể thao Việt Nam đã có sự cải thiện song vẫn để xảy ra việc chấn thương của hàng loạt VĐV ở thời điểm nhạy cảm như tay chèo Phạm Thị Thảo gặp chấn thương nặng phải nhường suất đi Bra-xin cho Hồ Thị Lý, Thạch Kim Tuấn đau gối ngay sát ngày thi đấu, đô vật Vũ Thị Hằng tái phát chấn thương cột sống…

Hằng năm, nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam đều đi tập huấn nước ngoài, bên cạnh việc được cọ xát với các đối thủ mạnh thì một lý do nữa là cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng ở đó tốt hơn hẳn. Từ sau khi Hoàng Xuân Vinh giành HCV Ô-lim-pích, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng xạ thủ này lâu nay vẫn nuôi hy vọng bước lên đỉnh cao thể thao thế giới trong môi trường tập luyện đã quá lạc hậu và xuống cấp. Trường bắn thuộc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Hà Nội (Nhổn) được xây dựng từ khi đăng cai SEA Games năm 2003, cho đến nay vẫn dùng bia giấy trong khi các cuộc thi đấu cấp châu lục đã chuyển sang bắn bia điện tử. Điều đáng nói là dù đã có nguồn kinh phí để nâng cấp trường bắn này từ lâu, song lãnh đạo ngành thể thao đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Đầu tư thiếu tập trung

Để có thành tích cao trong môi trường đua tranh quyết liệt hiện tại của thể thao khu vực và thế giới, trước hết cần có sự đầu tư thỏa đáng. Vấn đề này đã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với thể thao, nhưng nhìn chung việc đầu tư còn thiếu tập trung và dàn trải, dẫn đến kinh phí bị xé lẻ, không hiệu quả. Hiện, tất cả các môn thể thao từ những môn chuyên thi đấu ở khu vực như pen-cát si-lát, bi sắt, moay Thai, vovinam, cầu mây đến các môn thi đấu Ô-lim-pích đều được phân chia kinh phí để trả lương cho huấn luyện viên, VĐV và đầu tư cơ sở vật chất môi trường tập luyện. Ở tất cả các đại hội thể thao lớn từ SEA Games, ASIAN Games đến Ô-lim-pích… Việt Nam đều cố gắng giành thật nhiều huy chương, vì thế phải đầu tư cho rất đông VĐV trong khi nguồn kinh phí có hạn.

Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016 vừa qua là một thí dụ. Chúng ta đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đăng cai tổ chức, nhưng có lẽ ngoài việc quảng bá cho du lịch, đại hội này không đạt nhiều ý nghĩa về việc nâng cao trình độ thể thao thành tích cao. Chính vì nguồn kinh phí tốn kém, hiệu quả thể thao đơn thuần thấp, đến nay vẫn chưa có quốc gia nào nhận đăng cai Đại hội Thể thao bãi biển kỳ tới và đại hội này đang đứng trước nguy cơ giải thể giống như trước đây Việt Nam đã từng đăng cai Đại hội Thể thao châu Á trong nhà năm 2009, đồng thời cũng là đại hội cuối cùng vì sau đó bị giải thể. Ngay cả các kỳ SEA Games của khu vực từ lâu nay đã bị xem là “ao làng” khi nước chủ nhà nào đăng cai cũng đưa vào nhiều môn thi, nội dung thi nằm ngoài chương trình thi đấu Ô-lim-pích và sẵn sàng loại bỏ các nội dung Thế vận hội khỏi chương trình thi đấu vì căn bệnh thành tích, với mục đích chính là giành thêm huy chương cho mình, đồng thời hạn chế thế mạnh của các nước khác. Việt Nam không nằm ngoại lệ và chẳng kém phần hăng hái đi tìm những thành tích theo kiểu như vậy.

Do bị cào bằng, những VĐV làm rạng danh thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế như Hoàng Xuân Vinh cũng không được hưởng chế độ tập huấn tốt hơn so với một VĐV bi sắt hay cầu mây bao nhiêu. Bên cạnh lý do nguồn kinh phí dành cho thể thao đã bị hạn chế, nếu không có sự đầu tư tập trung cao độ về kinh phí, huấn luyện viên, cơ sở vật chất… cho những môn có thể cạnh tranh huy chương thế giới, thể thao Việt Nam sẽ lại tụt hậu, rơi vào cảnh trắng tay tại kỳ Ô-lim-pích sau đây bốn năm. Cũng vì thế, thể thao Việt Nam cần có những cải tổ triệt để và toàn diện để có thể đạt kết quả tốt hơn trong tương lai. Nên chăng có một chiến lược bài bản, kỹ lưỡng hơn, tập trung nguồn lực cho các VĐV có khả năng giành huy chương Ô-lim-pích từ chuyên gia, chế độ dinh dưỡng, điều kiện tập luyện, tập huấn, tiền công tập luyện, tiền thưởng…

Trong điều kiện ngân sách dành cho thể thao còn nhiều khó khăn, lãnh đạo ngành thể thao cần có cách làm hiệu quả. Giành huy chương ở đấu trường nào cũng khó khăn, nhưng giá trị thành tích thì khác hẳn nhau. Có nên cố giành huy chương đá cầu, u-su, Pen-cát si-lát… ở Đông - Nam Á mà làm giảm đi cơ hội giành huy chương Ô-lim-pích? Làm gì để bảo vệ tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh và để giành thêm những huy chương khác tại Ô-lim-pích 2020? Quá nhiều câu hỏi cần sự trả lời bằng kết quả cụ thể và trông chờ từ những đổi mới trong quản lý và đầu tư của ngành thể thao!

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31261202-dau-tu-the-thao-thanh-tich-cao-chua-hieu-qua.html