Đầu tư TĐ, TCT: Mất nhiều hơn được

Báo cáo kết quả kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) năm 2014 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố, cho thấy hoạt động tay ngang của các ông lớn hầu hết đều có vấn đề.

Đồng vốn “đi không trở lại”

Trong số 235 DN thuộc 38 TĐ, TCT được kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014, theo KTNN, bên cạnh một số đơn vị đầu tư tài chính có hiệu quả còn nhiều đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; vốn góp của các đơn vị vào nhiều DN khác có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể. Chẳng hạn trường hợp của Vinalines. Có đến 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được năm 2014 bằng 0,46% vốn đầu tư. Hay Công ty mẹ - TCT Cơ khí xây dựng (COMA) lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con bằng 1,05% vốn đầu tư, trong đó 6/10 công ty con thua lỗ (4 công ty mất vốn chủ sở hữu gồm COMA 3, COMA 7, COMAEL, CTCP Khóa Minh Khai); lợi nhuận được chia từ công ty liên kết bằng 1,8% vốn đầu tư (trong đó 1/4 công ty liên kết thua lỗ).

Trong danh sách này còn có các trường hợp Công ty mẹ - TCT Mía đường II khi CTCP Mía đường La Ngà năm 2014 lỗ 10,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31-12-2014 là 22,73 tỷ đồng; CTCP Mía đường Hiệp Hòa năm 2014 lỗ 57,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31-12-2014 là 98,7 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, các trường hợp khác như TĐ Điện lực Việt Nam (EVN), cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2014 bằng 0,75% tổng giá trị đầu tư dài hạn; Công ty mẹ - TCT Công nghiệp Sài Gòn có cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2014 bằng 1,9% vốn đầu tư; Công ty mẹ - TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông; Công ty mẹ - TCT Dầu Việt Nam năm 2014 được chia cổ tức 112,6 tỷ đồng, bằng 1,73% giá trị đầu tư, trong khi trích lập dự phòng hơn 1.915 tỷ đồng đối với 14 DN có lỗ lũy kế.

Bên cạnh những khoản đầu tư không hiệu quả, bức tranh về các khoản vốn góp cũng ảm đạm tại các DN có tình trạng tài chính xấu. Đó là vốn chủ sở hữu âm PVN góp tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất hơn 1.108 tỷ đồng và tại CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí 71,18 tỷ đồng. Hay Công ty mẹ - Vinalines có Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin âm 8.481,6 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông âm 3.403 tỷ đồng, CTCP Vận tải Biển Bắc âm 2.219 tỷ đồng, CTCP Vận tải dầu khí Việt Nam âm 2.114 tỷ đồng, Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép âm 1.075,37 tỷ đồng… Hoặc các trường hợp Công ty mẹ - TCT Sông Đà có CTCP Xi măng Hạ Long âm 1.655 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Đường sông miền Nam có CTCP Xây dựng công trình và thương mại 747 âm 18,93 tỷ đồng…

Điều quan tâm hiện nay là đồng vốn “đi không trở lại” nằm ở những khoản đầu tư, góp vốn vào các DN có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể. Cụ thể TCT Bến Thành đầu tư vào CTCP Bất động sản Bến Thành Đức Khải, trong khi DN này có kế hoạch giải thể. TCT Thương mại Hà Nội có Công ty Liên doanh Trung tâm thương mại chợ Ngã Tư Sở ngừng hoạt động từ tháng 8-2013, CTCP Đầu tư xây dựng phát triển thương mại Cointra ngừng hoạt động từ năm 2009. TCT Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) có CTCP Thương mại Vinawa ngừng hoạt động, đang thực hiện thủ tục giải thể. TCTCP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam có CTCP Siêu thị và xuất nhập khẩu thương mại Việt Nam dừng hoạt động; Vinalines đầu tư vào Công ty Phát triển Hàng Hải Đông Đô nhưng DN ngừng hoạt động từ năm 2012…

Theo KTNN, nhiều DN còn đầu tư chứng khoán trái quy định, không hiệu quả (CTCP Mía đường La Ngà). Một số đơn vị trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định, cho vay vốn không đúng chức năng, nhiệm vụ, nhiều khoản cho vay, bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn…

PVN đầu tư 800 tỷ đồng vào OceanBank mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông.

Cần xác định trách nhiệm chậm tái cơ cấu

Kết quả kiểm toán chuyên đề việc thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐ kinh tế, TCT nhà nước giai đoạn 2011-2015, cho thấy đến 31-12-2014 đã có 319 DN và bộ phận DN được sắp xếp lại, đạt 52% kế hoạch; số vốn nhà nước tại các DN theo giá trị sổ sách đã được thoái 11.329 tỷ đồng, thu về 16.346 tỷ đồng, bằng 1,4 lần giá trị sổ sách. Tuy vậy, việc thực hiện đề án chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra về tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn. Để quá trình tái cơ cấu DNNN đạt được mục tiêu theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, KTNN kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, TĐ, TCT, công ty nhà nước rà soát, tiếp tục tổ chức thực hiện đề án đã được phê duyệt; nghiêm túc rút kinh nghiệm và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến những tồn tại, hạn chế để xử lý theo quy định…

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, qua việc kiểm toán chuyên đề tái cơ cấu DNNN, tập trung các TĐ, TCT, đã có cơ sở khẳng định chủ trương tái cơ cấu là đúng. Việc kiểm toán đã cho thấy cổ phần hóa, thoái vốn đã đạt hiệu quả, DN hoạt động hiệu quả hơn và có lãi. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là các bộ, ngành cần ban hành chính sách chưa đầy đủ, kịp thời so với yêu cầu đặt ra và cần phải có sự thay đổi.

Hà My

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160903/mat-nhieu-hon-duoc.aspx