Đầu tư sang nông nghiệp, Hòa Phát đang đối mặt rủi ro nào?

Trong khi Hòa Phát đi theo hướng chăn nuôi tập trung, các đối thủ lại đi theo mô hình liên kết với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên không mất chi phí thuê đất hay đầu tư chuồng trại, cũng không phải nộp thuế môi trường...

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư quý 2/2016, ông Trần Đình Long, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết tập đoàn này đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn/năm mang thương hiệu Big Boss và HP Feeds. Với công suất tương đương, nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ hai tại Đồng Nai dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Về chăn nuôi, ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đã nhập hai đợt lợn giống thuần chủng từ Đan Mạch với tổng số 1.400 con từ Công ty DanBred International của Đan Mạch, trước mắt là hai trại tại Yên Bái và Bình Phước.

Những bước đi đầu tiên

Theo công bố của Hòa Phát, Nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 300.000 tấn/năm tại KCN Phố Nối A (Hưng Yên) có vốn đầu tư 300 tỷ đồng, và nhà máy công suất 200.000 tấn/năm tại Đồng Nai có vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Dự kiến tổng đàn lợn 1 triệu con, vốn đầu tư dự kiến lên 10.000 tỷ đồng sau 8-10 năm.

Với nguồn vốn chủ sở hữu lên đến 11,8 nghìn tỷ đồng/22,8 nghìn tỷ đồng tổng tài sản, Hòa Phát không gặp khó về vốn trong đầu tư khu chăn nuôi tập trung theo tiêu chuẩn và áp dụng kĩ thuật tiên tiến. Hiện tại, lợn giống Dambreed của Đan Mạch năng suất sinh sản cao với hai lứa một năm, trung bình 35 con/lứa có giá 2.750 USD/con. Theo chia sẻ của lãnh đạo tập đoàn, Hòa Phát sẽ tự phát triển kỹ thuật của riêng mình, chủ động về mặt công nghệ, theo chủ trương lâu năm và hạn chế liên kết với nước ngoài.

Mô hình chăn nuôi lợn tập trung. Ảnh minh họa

Trong giá vốn nuôi lợn thịt, hai chi phí chiếm tỷ trọng cao là giống và thức ăn chiếm trên 80%. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), phương pháp nuôi lợn nái khoảng 485.000/kg/lợn con. Chi phí thức ăn nuôi lợn con tới 100kg xuất chuồng, với giả định tốn 2,4kg thức ăn cho 1 kg thịt hơi và giá thức ăn trung bình 12.000 đồng/kg là 2.880.000 đồng/con. Như vậy, giá vốn cho một kg lợn thịt là 33.650 đồng.

Theo báo cáo của VEPR, đàn lợn trên 50 con sẽ giúp các chi phí khác như lãi vay, thuế đất, nhiên liệu, khấu hao và thuốc thú y giảm 5% tổng chi phí. Với giá xuất chuồng trung bình tháng 8 do Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết vào khoảng 50.000 đồng/kg thịt lợn hơi, biên lợi nhuận gộp được kỳ vọng ở mức 27%-30%, chưa kể chi phí nhân công, phân phối, mở rộng mạng lưới.

Theo báo cáo của một doanh nghiệp chăn nuôi khác là CTCP Chăn nuôi Phú Sơn, sản lượng xuất chuồng 30.000 con đem lại lợi nhuận trước thuế/doanh thu mảng chăn nuôi lợn thịt đạt 21,47%, trong khi công ty này mua thức ăn bên ngoài từ Proconco và không thực hiện mảng phân phối.

Số lượng đàn lợn cả nước (triệu con) theo các năm. Nguồn: Bộ NN&PTNT

Những thách thức đón chờ

Tuy nhiên, theo CTCK Rồng Việt (VDSC), Hòa Phát sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trong việc tìm một chỗ đứng vững chắc trong ngành chăn nuôi, tiêu biểu là xây dựng mạng lưới. Tham gia vào mảng bán lẻ thực phẩm, điều bắt buộc là phải tìm được chỗ đứng trong hệ thống bán lẻ. Thương hiệu của tập đoàn Hòa Phát liệu có giúp công ty có chỗ đứng trong các siêu thị và các cửa hàng thực phẩm, hay Hòa Phát sẽ mở riêng chuỗi cửa hàng thịt như Vissan và Đức Việt, đều là những hướng đi nhiều thử thách lớn.

Lấn sân sang lĩnh vực này, Hòa Phát sẽ phải cạnh tranh với các công ty có vốn nước ngoài đã chiếm lĩnh thị trường thời gian dài như C.P, Japfa với 20 năm, Emnivest 10 năm đi đầu trong cả chăn nuôi tập trung, cũng như ký hợp đồng với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi Hòa Phát đi theo hướng chăn nuôi tập trung, các đối thủ của Hòa Phát lại đi theo mô hình liên kết với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Với mô hình liên kết này, các đối thủ của Hòa Phát không mất chi phí thuê đất hay đầu tư chuồng trại, cũng không phải nộp thuế môi trường, lại có thể dễ dàng tiêu thụ các sản phẩm thức ăn và thu mua lợn thịt với giá có lợi để tận dụng chuỗi cung ứng khép kín.

Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những trang trại nuôi lợn có quy mô trên 1.000 con phải đảm bảo nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A (có thể đổ vào các vực nước được dùng làm nguồn nước sinh hoạt). Quy định này khiến nhà đầu tư phải đầu tư lớn vào hệ thống xử lý, chiếm 25-30% tổng vốn đầu tư cho dự án chăn nuôi.

Mức tiêu dùng thịt lợn trong nước qua các năm (nghìn tấn). Nguồn: BMI

Một rủi ro khác Hòa Phát sẽ phải đối mặt là việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu trong 5-10 năm tới. Hiện tại, thịt lợn nhập khẩu vẫn chịu thuế suất đến 25%, các sản phẩm phụ từ lợn nhập khẩu cũng chịu thuế 15% nên nhập khẩu mặt hàng này còn hạn chế. Với giá thịt trung bình cao hơn các nước như hiện tại, cạnh tranh gay gắt khi thuế suất giảm sâu hơn nữa do Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là điều khó tránh khỏi. Từ nay đến 2018, thuế nhập khẩu thịt lợn trong khối AEC sẽ chịu thuế 5%, đến năm 2020 sẽ giảm về 0%. Hiệp định TPP nếu ký thành công cũng sẽ đưa hàng rào thuế quan về 0% trong vòng 5-10 năm tới. Do vậy, chăn nuôi lợn trong nước sẽ phải cạnh tranh với thịt nhập khẩu từ các nước xuất khẩu thịt mạnh như Thái Lan, Mỹ, Australia.

Theo phân tích của VEPR, để đón đầu hai cơn sóng hội nhập mạnh mẽ từ TPP và AEC, không chỉ riêng Hòa Phát, ngành chăn nuôi nói chung của Việt Namcần tập trung vào tăng quy mô để giảm chi phí xuyên suốt toàn bộ các mắt xích của chuỗi cung ứng. Khi nhóm thịt bò và thịt gà đã “thử lửa” với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Úc và Mỹ thì thịt lợn vẫn chưa thực sự đối đầu với luồng hàng nhập khẩu giá cạnh tranh từ các nước mạnh về chăn nuôi như Mỹ, Australia và Thái Lan vốn rất mạnh về cả giống, thức ăn chăn nuôi và sản phẩm thịt.

Ngoài ra, tỷ giá cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của Hòa Phát, khi doanh nghiệp nhập khẩu con giống từ Đan Mạch. Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi biến động theo tình hình cung-cầu thế giới, giá của các mặt hàng này có thể sẽ không tăng trong nửa cuối năm, khi nhà máy của Hòa Phát bắt đầu chạy và ra sản phẩm vào đầu năm 2016, nhưng biến động giá trong những năm tiếp theo sẽ là một rủi ro lớn cho doanh nghiệp.

Hiền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dau-tu-sang-nong-nghiep-hoa-phat-dang-doi-mat-rui-ro-nao-post205384.info