Đầu tư nông nghiệp ở tiểu vùng Mekong: Coi trọng bảo vệ môi trường

Trả lời phóng viên bên lề Hội thảo “Đầu tư bền vững cho nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở tiểu vùng Mekong”, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ĐẬU ANH TUẤN cho rằng, để thành công, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại cũng như những quy chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải liên kết với nhau hướng tới đầu tư bền vững, bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chia sẻ kinh nghiệm

Việt Nam có những hỗ trợ nào đối với doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp ở tiểu vùng Mekong, thưa ông?

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sang các nước trong đó có khu vực ASEAN. Nhiều nhà đầu tư Việt Nam đang làm ăn rất hiệu quả tại các quốc gia, điều này thể hiện tín hiệu tích cực và xu hướng phù hợp. Thời gian qua, các bộ, ngành đã đưa ra hướng dẫn các doanh nghiệp đầu tư bền vững ở nước ngoài. Riêng VCCI đã tập hợp một nhóm doanh nghiệp tiên phong sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn khi đầu tư ở nước ngoài.

Đầu tư ra nước ngoài là một cách khẳng định sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, do đó, việc doanh nghiệp nước ta khai thác lợi thế đó khi đầu tư ra nước ngoài rất quan trọng. Đảng và Nhà nước rất ủng hộ xu thế này.

Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì để có thể làm đầu tư, làm ăn bền vững ở nước ngoài?

Theo tôi, để có thể đầu tư hiệu quả, trước hết các doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại cũng như những quy chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường. Điều mà chúng tôi trăn trở là làm sao bảo đảm được lợi ích, chia sẻ các thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam lại với nhau. Đồng thời, có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công khi đầu tư tại nước ngoài của các doanh nghiệp đi trước cũng như các bài học thất bại, đưa ra khuyến nghị để doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nước sở tại.

Đặc biệt, khi đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp cần có thông tin tốt, am hiểu luật pháp địa phương, chủ động phòng ngừa các tranh chấp, tuân thủ những quy chuẩn pháp luật quốc tế trong lĩnh vực môi trường, an sinh xã hội. Điều này sẽ mang lại giá trị bền vững cho các nhà đầu tư Việt Nam. Chính hình ảnh những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại các nước hoạt động tốt hay không, bền vững hay không sẽ tác động đến hình ảnh của Việt Nam, hình ảnh nền kinh tế, hàng hóa Việt Nam.

Thế mạnh các doanh nghiệp Việt Nam là gì khi đầu tư vào nông nghiệp ở tiểu vùng Mekong khi mà Lào và Campuchia cũng phát triển tốt về nông nghiệp, thưa ông?

Việt Nam, Lào và Campuchia có quan hệ truyền thống nên hơn ai hết, doanh nghiệp Việt Nam am hiểu phong tục, tập quán và gắn bó bền vững với hai quốc gia này. Đây là 1 thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, vì vậy với những am hiểu của mình, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mang lại những giá trị quan trọng cho quá trình đầu tư tại Lào và Campuchia, dần khẳng định uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam.

Hướng đến giá trị bền vững

Theo ông, thách thức đặt ra với doanh nghiệp là gì?

- Đó là việc nắm rõ thông tin. Có nhiều doanh nghiệp trong khảo sát do VCCI tiến hành cho rằng, việc thay đổi chính sách của nước sở tại khiến các doanh nghiệp không lường trước hết được. Sự xung đột về văn hóa giữa các nhà đầu tư với cộng đồng cư dân sở tại và sự vận hành chuyên nghiệp của bộ máy cộng đồng doanh nghiệp địa phương các nước sở tại cũng là những rào cản mà doanh nghiệp Việt Nam đối mặt. Đặc biệt, một điều mà các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến là giá trị bền vững. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đến đầu tư bền vững, các vấn đề về môi trường thì khả năng đàm phán về giá, về tiếp cận thị trường có giá trị cao, chất lượng cao sẽ bị cản trở và không thuận lợi.

Có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư nước ngoài nhưng bị lừa vì các dự án ảo. Làm thế nào để các doanh nghiệp tránh được tình trạng đó, thưa ông?

Doanh nghiệp Việt Nam đừng quá “ngây thơ” về hệ thống pháp luật các nước. Ví dụ, một quyết định về giao đất chưa chắc đã triển khai được vì tính chất sở hữu đất đai, quy định pháp luật mỗi nước khác nhau. Cho nên doanh nghiệp Việt Nam cần thật am hiểu về pháp luật, phong tục, tập quán, thông lệ các nước khi quyết định đầu tư.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại các nước tiểu vùng Mekong?

Thời gian qua, việc đầu tư các doanh nghiệp Việt Nam không thật sự thuận lợi ở một số lĩnh vực như mía đường, cao su… Nhưng về lâu dài tôi cho rằng đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp là tiềm năng bởi nông nghiệp là lĩnh vực tương đối căn cơ, căn bản; đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Xin cảm ơn ông!

Theo daibieunhandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/kinh-te-dau-tu/dau-tu-nong-nghiep-o-tieu-vung-mekong-coi-trong-bao-ve-moi-truong-102930.html