Đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất veston xuất khẩu

(baodautu.vn) Thay đổi cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tập trung vào những mặt hàng có giá trị cao và cải tiến năng suất…là bước chuyển của một bộ phận doanh nghiệp dệt may.

Cũng nhờ sự chuyển hướng này đã tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu trong những năm qua, đặc biệt trong nửa đầu năm 2011. Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, từ chỗ sản xuất những hàng hóa đơn giản như áo sơ mi, quần âu đơn giản, sau đó tiến tới may sơ mi cao cấp, bộ veston…một số doanh nghiệp đã gặt hái được hiệu quả kinh tế đáng kể từ sự nâng cấp này. Nếu như năm 2007, TCTy CP May Nhè Bè mới đưa vào hoạt động nhà máy may veston cao cấp đầu tiên nhằm đáp ứng đơn hàng cho đối tác Thụy Sỹ với công suất may đo dừng ở 50 bộ/ngày thì tại thời điểm này, năng lực sản xuất bộ veston cao cấp của Nhà Bè đã tăng tới 500.000 bộ veston nam, nữ/tháng. Một sự tăng trưởng vượt trội về năng lực sản xuất. Bên cạnh những sản phẩm thông dụng như quần âu, sơ mi, jacket, sản phẩm dệt kim, nhờ vào khả năng sản xuất sản phẩm veston với giá trị xuất khẩu cao đã thu hút được nhiều khách hàng lớn đến với doạnh nghiệp này. Hiện thương hiệu veston cao cấp Nhà Bè đang là sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn, chiếm 50% giá trị xuất khẩu của Công ty. Các sản phẩm của Nhà Bè chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ. Nhờ vậy, ngay trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều thị trường nhập khẩu lớn giảm mua hàng, thì kim ngạch xuất khẩu của Nhà Bè vẫn giữ được mức tăng trung bình 15%/nắm. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 302 triệu USD và dự kiến 2011 đạt 350 triệu USD. Theo bà Dương Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HDQT TCTy CP may Nhà Bè, phát triển dòng sản phẩm có giá trị cao, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại để giảm thiểu cạnh tranh với các đối tác là định hướng của Nhà Bè trong nhiều năm tới. Để chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, năm 2010, Nhà Bè đã khởi công một loạt dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất tại Khu phức hợp sản xuất-thương mại-du lịch Phù Cát, Cụm công nghiệp sạch Tam Quan huyện Hoài Nhơn (Bình Định) với tổng vốn đầu tư gần 650 tỷ đồng, trong đó, có Nhà máy may Veston nam công suất 1.200 bộ/ngày, Nhà máy sản xuất quần nữ cho thị trường Anh với công suất 6.000 sản phẩm/ngày, Nhà máy quần jean với công suất 20.000 sản phẩm /ngày cho thị trường Hoa Kỳ …. Bắt nhịp đúng nhu cầu tiêu dùng veston cao cấp tại các thị trường lớn, và xác định là sản phẩm mang lại giá trị xuất khẩu cao, Tổng công ty CP May 10 đã chú trọng đầu tư nhà xưởng sản xuất veston với trang thiết bị hiện đại. Năm 2009, May 10 đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất veston cao cấp tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng, với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, CS 800.000 bộ/năm, gồm 1 dây chuyền sản xuất Vesston nam công nghệ Nhật Bản, 1 dây chuyền sản xuất veston nam công nghệ Âu - Mỹ. Ngay khi nhà máy đi vào sản xuất, May 10 đã ký được hợp đồng xuất khẩu ổn định với các đối tác Oktava, Aoyama, Mitsui Bussan (Nhật Bản). Bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng Giám đốc May 10 cho hay, sản phẩm veston cao cấp đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, vì có nhiều chi tiết phức tạo nên khâu tuyển dụng và đào tạo lao động cũng khắt khe hơn nhiều so với may sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, do là dòng sản phẩm đặc thù, chất lượng cao và không nhiều đơn vị có khả năng thực hiện nên doanh nghiệp được nhiều khách hàng chủ động tìm đến đặt hàng với đơn giá cao. Được đánh giá là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu nằm trong Top đầu của ngành dệt may với kim ngach năm 2010 đạt 70 triệu USD, với nhiều khách hàng lớn tại EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…trong đó sản phẩm quần tây giữ vai trò chủ lực, năm 2011, Tổng công ty CP Dêt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) đã ghi thêm sản phẩm veston cao cấp vào nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của mình bằng việc bỏ gần 90 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Veston Hòa Thọ tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng, CS 400.000 bộ/năm. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay và mang về doanh thu xuất khẩu hơn 10 triệu USD/năm. Cùng với việc gia tăng được kim ngạch xuất khẩu, giảm thiểu được việc cạnh tranh và tranh giành đơn hàng với doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự chuyển hướng trong đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp trên còn tạo thêm được sự chú ý của các khách hàng quốc tế chủ động tìm đến với ngành dệt may.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietthuongmai/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/thuongmai/xuatnhapkhauhoinhap/7940dc507f00000101062af4ead70356