Đầu tư công tập trung cho công trình trọng điểm, có sức lan tỏa

Bày tỏ quan điểm về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thảo luận vào tuần tới, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Thanh Vân kỳ vọng, đầu tư công chỉ tập trung vào những công trình trọng điểm, có sức lan tỏa mạnh, kích hoạt cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Đầu tư công thời gian qua đã khắc phục được nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 và Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực?

Tình trạng buông lỏng quản lý, bố trí vốn phân tán, dàn trải, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã từng bước được khắc phục kể từ khi có Chỉ thị 1792/CT-TTg. Ngoài ra, còn phải kể đến việc từng bước xử lý có bài bản nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước quá lớn trước đây.

.

Nhờ vậy, trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta vẫn huy động được trên 5,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 31,7% GDP. Trong đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Điều đáng ghi nhận là, giai đoạn vừa qua, trong khi số dự án đầu tư công hoàn thành tăng nhanh, thì số lượng dự án khởi công mới giảm đáng kể (chỉ khoảng 4.250 dự án). Mức vốn bố trí đầu tư bình quân/dự án tăng từ 9,54 tỷ đồng năm 2012 lên 14,2 tỷ đồng năm 2015.

Cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải, bố trí vốn chưa sát với thực tế, dù Chính phủ rất quyết liệt trong thu hẹp số lượng công trình, dự án đầu tư công?

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho dự án chưa đủ điều kiện; phê duyệt dự án khi chưa cân đối đủ vốn, đủ nguồn lực; bố trí vốn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa hoàn thành, nhiều công trình dở dang, phải đình, giãn, hoãn tiến độ, gây lãng phí nguồn lực. Công tác quy hoạch, điều chỉnh tổng mức đầu tư, chất lượng khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt, đền bù giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, quyết toán... trong một số trường hợp chưa thực hiện nghiêm theo quy trình.

Nhận định về đầu tư công giai đoạn 2011-2015, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, nhiều tồn tại trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm được khắc phục như nợ đọng lớn; kéo dài thời gian thi công, hoàn thành công trình; một số trường hợp chưa chấp hành nghiêm một số khâu trong quy trình, thủ tục đầu tư...

Ông có ví dụ cụ thể nào để chứng minh những hạn chế nêu trên không?

Trong giai đoạn vừa qua, Quốc hội bố trí 61.680 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ để thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14). Nhưng sau khi hoàn thành, quyết toán công trình thì còn dư ra 14.259 tỷ đồng, trong đó Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 dư 9.910 tỷ đồng; Dự án Quốc lộ 14 dư 4.349 tỷ đồng. Số tiền dư ra này năm 2015 đã được Quốc hội cho phép đầu tư 22 tiểu dự án liên quan đến 2 dự án này. Nhưng tôi được biết, nhiều khả năng, sau khi hoàn tất các dự án bổ sung vẫn còn dư ra tiếp trên 4.520 tỷ đồng.

Vì sao bố trí vốn lại vượt tổng mức đầu tư nhiều đến vậy? Một phần là do chủ đầu tư tiết kiệm tối đa, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, nâng cao năng suất lao động... Nhưng điều đó cũng chứng tỏ, công tác lập dự tóa đầu tư chưa sát thực tế, khiến nhiều công trình bị thiếu vốn, có những công trình lại thừa vốn, nên công tác bố trí nguồn lực đầu tư công bị động.

Muốn khắc phục được những hạn chế kể trên, theo ông, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cần thực hiện theo nguyên tắc nào?

Đầu tư công phải thực hiện theo nguyên tắc là đầu tư cho sự phát triển chung của cả nước. Nhà nước chỉ đầu tư trong trường hợp tư nhân không làm được, đầu tư phi lợi nhuận, tập trung nguồn lực kiến tạo cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Còn những công trình, dự án nào mang tính chất thương mại, lấy lợi nhuận làm mục tiêu đầu tư, thì chuyển giao cho xã hội, các thành phần kinh tế khác đầu tư.

Thậm chí, ngay cả với những công trình, dự án được Nhà nước đầu tư, vẫn có thể chuyển giao cho thành phần kinh tế khác, nếu dự án, công trình đưa vào khai thác thấy có hiệu quả thương mại, để giảm áp lực nguồn vốn đầu tư công. Nói chung, Nhà nước chỉ tập trung vốn cho dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm có sức lan tỏa, kích hoạt cho phát triển kinh tế - xã hội, nhằm mở đường cho kinh tế tư nhân, các thành phần kinh tế khác phát triển.

Ông có thể chỉ ra một số công trình, dự án cần tập trung nguồn lực đầu tư trong giai đoạn này?

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và hải đảo nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tình trạng sụt lún, xâm mặn, nước biển dâng ở khu vực Tây Nam Bộ đã ở mức báo động, nên cần phải tập trung đầu tư cho khu vực này, nếu không, trong vòng 200 năm nữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất trên bản đồ do sụt lún, nước biển dâng.

Bên cạnh đó, cần tập trung bố trí vốn cho một số dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, kích hoạt cho phát triển kinh tế - xã hội như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Sân bay quốc tế Long Thành…

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/dau-tu-cong-tap-trung-cho-cong-trinh-trong-diem-co-suc-lan-toa-d53694.html