Đầu tư công còn dàn trải, hiệu quả thấp

Đó là ý kiến của nhiều ĐBQH nêu ra trong phiên làm việc của Quốc hội Khóa XIV, kỳ 2 diễn ra sáng nay (1-11). Theo lịch, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề ĐBQH nêu

Tự lựa chọn mức độ ưu tiên lĩnh vực đầu tư

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ trước đến nay, chúng ta vẫn tồn tại hai quan điểm mâu thuẫn và đi ngược chiều nhau. Đó là chúng ta phải đầu tư ưu tiên, tập trung đầu tư cho số có tính chất ngành, lĩnh vực có tính động lực, đầu tàu, có tính khả quan để có sự thúc đẩy nhanh hơn có đóng góp cho nguồn thu ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì chúng ta cũng cần phải có sự quan tâm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương này với địa phương khác.

Về vấn đề hồ sơ trình Luật đầu tư công trung hạn, có ý kiến đề nghị có danh mục dự án và có lộ trình bố trí cho từng dự án theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn của chúng ta đã được tiến hành từ tháng 8-2014 và đến nay thì đã có sự thay đổi so với tổng đầu tư cho nên phải báo cáo Ban chấp hành Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên Chính phủ rồi mới báo cáo được Quốc hội danh mục dự án vốn trái phiếu Chính phủ và cấp vốn bố chí cụ thể cho từng dự án. Riêng danh mục dự án chuyển tiếp từ nhóm B trở lên (chỉ sử dụng vốn ngân sách Trung ương và vốn nước ngoài) chưa báo được mức vốn bố trí mà mới có danh mục cho từng dự án.

Theo quy định của Luật đầu tư công, việc lựa chọn danh mục và dự kiến mức vốn bố trí cho từng dự án thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, địa phương và do tổng mức vốn, kế hoạch đầu tư trung hạn báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này có giảm hơn báo cáo với Ban chấp hành Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho nên các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần phải có thêm thời gian rà soát, lựa chọn và dự kiến lại danh mục và mức thu chi cho từng dự án phù hợp với khả năng thực tế nêu trên.

Để tăng quyền tự chủ, phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thì Chính phủ có trình Quốc hội cách thức giao kế hoạch hoàn thành, theo đó Bộ Kế hoạch và đầu tư thông báo tổng số vốn trước kia Chính phủ đã thông báo theo cả ngành, lĩnh vực và chương trình, nay chỉ thông báo các bộ, ngành, địa phương còn được sử dụng trong 5 năm và các địa phương, bộ ngành tự lựa chọn theo mức độ ưu tiên và quyết định cho đầu tư giai đoạn 5 năm tới. Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài chính cũng chỉ rà soát và báo cáo Chính phủ quyết định. Riêng vấn đề này, các bộ, ngành, địa phương đang hoàn thành phương án phân bổ theo cách này.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé

Thông tin về các dự án khởi công mới và dùng trái phiếu Chính phủ chưa có đầy đủ thông tin, số liệu báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định của Luật đầu tư công, do chưa được Quốc hội phê duyệt nên chưa có căn cứ để thực hiện các bước tiếp theo. Đề nghị các mặt thủ tục này sau khi được Quốc hội thông qua về mặt chủ trương, sửa đổi thì giao cho các bộ, ngành địa phương thực hiện các thủ tục theo luật định.

Tránh dàn trải, lãng phí

“Về quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, một mặt nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng, mặt khác đầu tư công thực hiện phát triển các mục tiêu xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ miền núi các vùng y tế khó khăn, đầu tư cơ sở hạ tầng các lĩnh vực đảm bảo quốc phòng, an ninh văn hóa xã hội... còn chiếm tỷ trọng khá lớn và không có khả năng tác động trực tiếp đến tăng trưởng.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư vào nền kinh tế bên cạnh việc tái cơ cấu đầu tư công như trong thời gian vừa qua thì cần phải đẩy mạnh và nhanh quyết liệt tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 hiện đang trình Quốc hội kỳ họp này với nhiều giải pháp để nâng cao đầu tư nói chung”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐB Kiên Giang) cho rằng, cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy bản Ngân sách Quốc hội về đánh giá công tác đầu tư công. Việc đầu tư công của giai đoạn này còn nhiều hạn chế mà theo báo cáo chính phủ đó là đầu tư công còn dàn trải, hiệu quả còn thấp. Đây là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội khóa trước quan tâm, kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để.

Nhiều công trình dự án kéo dài thời gian thi công gây thất thoát nguồn tài chính quốc gia. Đặc biệt nợ công trong xây dựng cơ bản còn xảy ra nhiều kéo dài, chưa được xử lý triệt để. Trên cơ sở khắc phục hạn chế đầu tư công giai đoạn vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần đầu tư tập trung, tránh dàn trải, lãng phí, kế hoạch đầu tư công khai minh bạch.

ĐBQH Phan Văn Tường

Về tiêu chí phân bổ đầu tư là ưu tiên tập trung vào các dự án trọng điểm, cấp bách, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé cũng đồng tình cao với quan điểm này và cho rằng, lần này Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ giúp cho các cơ quan, các địa phương tổ chức thực hiện sẽ chủ động hơn, hạn chế được cơ chế xin - cho và không chồng chéo các nguồn lực đầu tư cho xã hội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các văn bản kèm theo kế hoạch đầu tư công trong 5 năm tới, bà Bé cho rằng, kế hoạch chưa bám sát tiêu chí, phân bổ đầu tư ngay từ đầu đã nêu trong báo cáo. Còn nhiều công trình cấp bách, trọng điểm chưa đưa vào.

Đại biểu Phan Văn Tường (Đoàn ĐB Thái Nguyên) cho rằng, trong tờ trình của Chính phủ, năm 2016 tiếp tục đầu tư cho biên giới hải đảo, giảm dần khoảng cách phát triển đối với vùng miền trên cả nước. Bố trí vốn đã tương thích với nhau, trọng điểm đầu tư 2016-2020. Mục tiêu ổn định dân cư biên giới, đảm bảo quốc phòng an ninh, xóa đói giảm nghèo, lấy mục tiêu cụ thể các xóm biên giới đủ nước sinh hoạt, đất sản xuất đường đi lại...

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dau-tu-cong-con-dan-trai-hieu-qua-thap/706871.antd