Đầu tư có trọng điểm để chia sẻ 'trứng vàng'

ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) đề xuất, việc phân bổ nguồn lực, tập trung đầu tư nên chọn những "con gà đẻ trứng vàng" để sau đó lấy "trứng vàng" chia sẻ cho các địa phương khác dưới hình thức chi thường xuyên.

ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội). Ảnh: N.Y

Đầu tư dàn trải, hiệu quả không cao

Chiều 25-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Góp ý về vấn đề nâng cao chất lượng đầu tư, ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) nêu, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua đã liên tục tổ chức đối thoại nhằm thổi "luồng gió mới", giải quyết khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang đối mặt.

"Tuy nhiên, nhiều giải pháp căn cơ được thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, cải cách về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính thời gian qua chưa có chuyển biến đậm nét" - ĐB Nguyễn Văn Thắng nói.

Về định hướng đầu tư trong thời gian tới của Chính phủ, ĐB Nguyễn Văn Thắng đề xuất, việc phân bổ nguồn lực để tập trung đầu tư nên chọn các tỉnh, thành phố lớn là những "con gà đẻ trứng vàng". Sau đó, "trứng vàng" sẽ được dùng để chia sẻ cho các địa phương khác dưới hình thức chi thường xuyên.

ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cùng chung quan điểm khi cho rằng, đầu tư dàn trải, lĩnh vực nào cũng được xác định là kinh tế mũi nhọn sẽ dẫn đến hiệu quả không cao.

ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội)

"Bộ Chính trị đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, chiến lược để đưa kinh tế đất nước đi lên. Bộ Chính trị cũng đưa ra mục tiêu lớn như đón 17-20 triệu khách du lịch vào năm 2020; ngành du lịch đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trên 10%... Tuy nhiên, các chương trình hành động để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị chưa đầy đủ, các ngành, các cơ quan chưa thực hiện. Luật Du lịch sắp thông qua cũng không thể hiện được tinh thần Nghị quyết để tạo bước phát triển đột phá" - ĐB Hưng nêu.

Là ĐBQH Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hưng cũng bày tỏ mong muốn thành phố có Nghị quyết về phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn và các cấp, các ngành, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nên có đóng góp tích cực để Nghị quyết trở thành hiện thực.

"Đã đến lúc siết chặt mặt trận thông tin!"

Đó là quan điểm của ĐB Nguyễn Hữu Thuận (Hải Phòng) khi đề cập đến khái niệm "xâm lăng văn hóa", "chiến tranh mạng". Theo ông, đây không còn là những vấn đề mới mẻ và những thách thức mà nó đặt ra đang "gõ cửa" từng nhà.

"Bây giờ, cha mẹ và con cái về nhà là mỗi người có phòng riêng, nếu ở cùng một phòng thì mỗi người lại có một thiết bị cầm tay và dành nhiều thời gian cho nó, ảnh hưởng lớn đến các giá trị văn hóa truyền thống. Và hệ lụy lớn nhất là sẽ hình thành lớp trẻ sau này vô cảm, chuộng tâm lý tiêu xài... Tất cả những chuyện này nếu không được chúng ta nhìn nhận đúng mức thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước" - ĐB Hữu Thuận phân tích thêm về những nguy cơ khi lĩnh vực này bị buông lỏng quản lý.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh: N.Y

Nhắc đến hoạt động quản lý cấp phép ca khúc của ngành văn hóa thời gian gần đây đang có nhiều bất cập, gây "bão dư luận", ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, văn hóa luôn được xem là nền tảng tinh thần, động lực để phát triển đất nước nên không thể để xảy ra những hạn chế, gây bất an trong tâm tư, tình cảm của người dân. ĐB mong muốn bộ chủ quản phải có biện pháp mạnh mẽ về tổ chức, đưa những người có đủ năng lực, trình độ để quản lý lĩnh vực này.

Theo chương trình, các nội dung thảo luận tại tổ chiều nay sẽ tiếp tục được thảo luận thêm tại hội trường.

B.Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/869726/dau-tu-co-trong-diem-de-chia-se-trung-vang